02/02/2017 10:04 GMT+7

Đầu tư vào châu Phi để chặn di cư

QUẾ VIÊN - N.QUÂN
QUẾ VIÊN - N.QUÂN

TTO - Một trong số những giải pháp được nêu ra gần đây để giải quyết tận gốc vấn đề di cư vào châu Âu là xây dựng môi trường sống tốt ở những nước có người dân tìm đường sang châu Âu.

*** Error ***
Người nhập cư lậu trốn trong cốp xe hơi bị bắt tại biên giới Ý ngày 30-1 - Ảnh: AFP

“Những người di cư cần hiểu khi tới đây là đã tới một đất nước nơi không chỉ có thời tiết hoàn toàn khác biệt, mà lối sống và hành xử của người dân cũng khác

Nữ hoàng Đan Mạch MARGRETHE II

Trong ngày kết thúc chuyến thăm Bờ Biển Ngà hôm 30-1, ông Georges Dassis, chủ tịch Hội đồng Kinh tế và xã hội châu Âu, đã tuyên bố thẳng thắn rằng cách thức tốt nhất để chống lại nạn di dân bất hợp pháp là tạo ra môi trường thịnh vượng cho châu Phi, tức đồng nghĩa với công ăn việc làm, bằng những đầu tư “hữu hiệu”.

Trách nhiệm tập thể

“Nói thì dễ lắm khi cứ cho rằng cần chống lại nạn di dân bất hợp pháp, rằng người ta phải trở về quê hương mình. Nhưng nếu cứ nói và nói thì chẳng thuyết phục được ai. Ta chỉ có thể thuyết phục được họ nếu cho họ thấy những khả năng có được cuộc sống đàng hoàng ở quê hương mình và để có được điều đó thì phải có đầu tư” - ông Georges Dassis nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm châu Phi từ ngày 27-1, ông Dassis đã mang đến thông điệp của châu Âu: đầu tư vào châu Phi nhiều hơn nữa. Vị đại diện cho kinh tế và xã hội của Liên minh châu Âu (EU) nói rõ: “Châu Âu cần đóng vai trò rõ ràng để có nhiều đầu tư hơn, để tạo ra nhiều việc làm trong những lĩnh vực có khả năng tăng trưởng bằng cách khai thác các nguồn lực riêng của từng vùng”.

Vẫn không thể thoát khỏi tư duy về một châu Âu già cỗi và có tính nhân đạo, ông Dassis thừa nhận châu Âu vẫn cần đến nguồn lực lao động của người nhập cư nhưng xác nhận “việc tiếp nhận người nhập cư phải tuân thủ theo quyền lợi của các bên, trên khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có công dân muốn di cư (sang châu Âu)”.

Một giải pháp khác được ông Dassis nêu ra là thực hiện các chiến dịch tuyên truyền để ngăn chặn mong muốn di dân bất hợp pháp.

Về phần này, ông Charles Koffi Diby, chủ tịch Hội đồng Kinh tế và xã hội của Bờ Biển Ngà, cũng chia sẻ rằng “thảm kịch nhân đạo không thể chấp nhận được” của tình trạng di dân bất hợp pháp đòi hỏi “trách nhiệm tập thể trong việc tìm kiếm các giải pháp và biện pháp khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng di dân hiện tại, đặc biệt của những thanh niên và phụ nữ ở châu Phi mong muốn sang châu Âu tìm kiếm việc làm và điều kiện sống tốt hơn”.

Câu chuyện của Đan Mạch

Phía Đan Mạch lại thiên về những giải pháp khác. Chính quyền Copenhagen đang xin được tiếp tục gia hạn việc kiểm soát tại biên giới với Đức và Thụy Điển, sẽ hết hạn vào ngày 12-2. Biện pháp này tuy tốn kém không ít tiền bạc lẫn thời gian nhưng lại tỏ ra hữu hiệu với cả Đan Mạch lẫn Thụy Điển.

Cụ thể là năm 2015 có 163.000 người xin tị nạn tại Thụy Điển, năm 2016 con số này đã giảm còn 29.000 người. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp có tính tạm thời, nên Đan Mạch cũng tìm cách giải quyết tại gốc rễ nạn di cư tự do.

Theo Bộ trưởng Phát triển Ulla Tømæs, trong năm 2017 Đan Mạch sẽ chi 44 triệu kroner (khoảng 6,3 triệu USD) để động viên và hỗ trợ những người di cư vì kinh tế (nhưng không được phép tị nạn) tại một số nước châu Phi như Ethiopia, Nigeria, Mali, Burkina Faso... và Afghanistan, Bangladesh hồi hương, cùng tăng cường các biện pháp chống bọn buôn người và những hình thức di cư trái phép khác.

Theo bà Tømæs, châu Phi là nơi dân số đang gia tăng nhanh chóng, tỉ lệ thất nghiệp cao nhưng người ta không thể giải quyết tình trạng này tại châu Âu, mà phải “tạo cơ hội cho một cuộc sống tốt hơn tại quê nhà”.

Từ năm 2015, chính quyền Copenhagen đã tăng cường viện trợ, hỗ trợ một số nước tại châu Phi phát triển kinh tế hầu ngăn chặn tình trạng di cư tự do, nhưng nhiều chính trị gia đã tỏ ra hoài nghi tính hiệu quả của kế hoạch này.

Tổng giám đốc Tổ chức Hỗ trợ người di cư của Đan Mạch Andreas Kamm cho rằng chính phủ nên tăng cường sự hỗ trợ những người di cư hay tị nạn, vì họ là những người “cần được che chở”.

Theo ông, những người di cư có thể gửi về quê nhà một số tiền gấp ba lần số tiền viện trợ để phát triển mà quốc gia này nhận được, do đó họ không tích cực ngăn chặn những người di cư hay nhận lại những ai bị từ chối tị nạn.

Ông Kamm cũng bác bỏ lập luận nếu kinh tế tại quê hương tốt lên thì người dân sẽ không vượt biên nữa. Theo ông, một khi kinh tế trở nên tốt hơn thì sẽ có thêm người có đủ tiền để trang trải cho chuyến đi đến châu Âu mà họ coi như miền đất hứa!

Câu chuyện khủng hoảng nhập cư tại châu Âu xem ra còn mất một thời gian dài nữa để giải quyết, cho đến khi các giải pháp được thực thi theo sự thỏa hiệp nghiêm ngặt của chính quyền các bên có liên quan...

Tình hình chưa giảm

Để ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt vượt khả năng kiểm soát cũng như để đối phó với những tổ chức đưa người trái phép, năm qua khối EU đã đóng cửa biên giới với các nước thuộc bán đảo Balkan, tăng cường tuần tra trên Địa Trung Hải và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hi Lạp.

Tuy nhiên theo Tổ chức Eurostat, số người xin tị nạn tại EU trong ba quý đầu của năm 2016 đã lên tới 988.000 người. Nếu tính luôn ba tháng cuối năm thì cũng sẽ gần với con số kỷ lục 1,2 triệu của năm 2015.

Số người di cư và tị nạn đến Hi Lạp tuy giảm mạnh, nhưng số người từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải đến Ý lại tăng lên. Trong năm 2016, bình quân mỗi ngày có khoảng 500 người đến Ý, cả năm là 179.469 người. Năm 2015 mới có 153.842 người.

Riêng Đức trong chín tháng đầu năm 2016 đã nhận vào 658.000 người tị nạn, cao nhất trong 28 nước EU, sau đó là Ý, Pháp, Thụy Điển (tính theo tỉ lệ dân số). Đan Mạch đứng thứ 13.

QUẾ VIÊN - N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên