Cảnh trong “bộ phim triệu đô” Sống cùng lịch sử - Ảnh: ĐPCC |
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng phim truyện Việt Nam cho ra mắt khán giả bộ phim tài liệu Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Đoàn Tuấn.
Đây là bộ phim được làm hoàn toàn bằng kinh phí Nhà nước cấp với số tiền lên đến 21 tỉ đồng (xấp xỉ 1 triệu USD).
Phim kể về những bạn trẻ đi phượt đến Điện Biên rồi tình cờ được sống lại những phút giây hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Trước khi ra rạp, phim đã được công chiếu cho học sinh, sinh viên trong Tuần phim miễn phí trên cả nước từ ngày 26 đến 30-4. Nhưng...
“Chết” trong phòng vé
Phim Mộ gió cũng khó phát hành Phim Mộ gió của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được ngân sách nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, cho đề tài phim về biển đảo, nhưng cũng chỉ chiếu miễn phí một buổi phục vụ công chúng vào ngày khai mạc Tuần phim về biển đảo, chứ không bán vé. Đây là bộ phim truyện kỹ thuật số đầu tiên về đề tài cảnh sát biển. Nhiều cảnh được quay trực tiếp từ “trường quay” trên tàu CSB. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ rằng để hoàn thành bộ phim này, ông cùng đoàn làm phim phải vượt qua rất nhiều khó khăn về tự nhiên, kinh phí hạn hẹp... |
Theo đại diện phòng vé của Trung tâm chiếu phim quốc gia (Bộ VH-TT&DL quản lý), Sống cùng lịch sử đã “chết” ngay từ khi ra rạp từ ngày 29-8.
Mặc dù phía rạp luôn ưu tiên hết mức, dành những khung giờ đẹp nhất trong ngày để chiếu phim này (10g, 19g30, 20g...), giá vé không cao (thường chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/vé), nhưng rạp thường xuyên phải hủy chiếu vì không có khán giả đến xem.
Rạp chỉ bán được vài chục vé cho đến khi ngưng chiếu. “Nếu tính riêng từng ngày thì mỗi ngày chắc chỉ được vài ba người đến xem” - nhân viên phòng vé nói.
Khi sang rạp Kim Đồng (Sở VH-TT&DL Hà Nội quản lý), số phận “bộ phim triệu đô” này thậm chí còn thê thảm hơn. Chị Đặng Thị Hồng Nhung - nhân viên quầy vé rạp Kim Đồng - cho biết:
“Bộ phim này dự tính chiếu trong hai tuần tại rạp trước ngày 2-9. Nhưng đến giờ chưa có buổi nào đủ số khách để rạp công chiếu. Mỗi hôm chỉ có 2-3 khách thì rạp không thể chiếu được nên phải hủy”.
Không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả những khán giả nhiều tuổi khi đến rạp, được chị giới thiệu bộ phim đó, họ đều không mua vé.
“Có đoạn trailer phim Sống cùng lịch sử theo tôi thấy là khá hay. Nhưng tâm lý khán giả khi nghe đến phim Việt Nam thường là không thích” - chị Nhung chia sẻ.
Khán giả Thanh Hương (Hà Nội), 28 tuổi, nhận xét: “Phim xem cũng tạm được. Đây là một phim chiến tranh mà kỹ thuật quay phim khá ổn. Các cảnh bom đạn được dàn dựng công phu:.
"Điều đáng tiếc là kịch bản bỏ qua rất nhiều tình tiết lẽ ra có thể khai thác sâu và hay hơn. Có lẽ vì mục đích tuyên truyền mà phim đã “tham” quá nhiều chi tiết và sự kiện".
"Theo tôi, phim vắng khách vì khâu quảng bá kém, chất lượng phim lại tàm tạm, không thể cạnh tranh được với hàng loạt phim giải trí khác, và đặc biệt là khán giả vốn mặc định “phim tuyên truyền thì chẳng có gì để xem”.
Công tác quảng bá kém?
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết ông và đoàn làm phim mất một năm để hoàn thành Sống cùng lịch sử với 300 người tham gia.
Tuy nhiên, theo ông, trong số kinh phí 21 tỉ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước thì chỉ còn khoảng 13-14 tỉ đồng được dùng trực tiếp vào việc sản xuất phim. Số tiền còn lại dành để chi phí những việc khác của hãng.
Trong phim, ông đã sử dụng biện pháp đồng hiện, để cho các bạn trẻ đi phượt rồi được nhập vai vào những nhân vật tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Đây là thủ pháp hoàn toàn mới lạ trong phim Việt.
“Qua thủ pháp đồng hiện, tôi muốn khơi dậy lời hiệu triệu từ trái tim mỗi khán giả về tình yêu đối với lịch sử của dân tộc mình” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.
Ông cũng cho rằng với kinh phí và thời gian để hoàn thành bộ phim như vậy, khi xem lại ông hài lòng với chất lượng của phim.
Giải thích nguyên nhân về bộ phim do chính mình làm đạo diễn ế khách khi ra rạp, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói:
“Một mặt, việc truyền thông của phim làm không bài bản, không chuyên nghiệp, kinh phí cho hoạt động quảng bá phim rất ít. Hơn nữa, thói quen của khán giả, khi nghe thấy dòng phim lịch sử Việt Nam là đã không hào hứng xem rồi. Điều này cần được xây dựng từ hệ thống giáo dục về ý thức lịch sử dân tộc”.
Không thể phủ nhận một thực tế khán giả thường sẽ không lựa chọn dòng phim lịch sử khi ra rạp. Nguyễn Thị Linh - sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội - cho biết:
“Tôi đã xem phim Scandal 2 - Hào quang trở lại của đạo diễn Victor Vũ và xem trailer phim Sống cùng lịch sử thì thấy phim của Victor Vũ hấp dẫn và phù hợp với giới trẻ hơn”.
Linh chia sẻ cách chọn phim khi ra rạp của cô và bạn bè trước tiên phải xem đề tài và nội dung phim có hấp dẫn không, đặc biệt là dàn diễn viên và đạo diễn của phim là ai rồi mới quyết định mua vé. Và thường rất ít khi chọn phim đề tài lịch sử của Việt Nam để xem.
Tôi không có thông tin về bộ phim Sống cùng lịch sử Hôm nay một nhà báo trẻ đề nghị tôi một cuộc phỏng vấn, trên một sự kiện hi hữu: phim Sống cùng lịch sử ra rạp mà không có người mua vé, và phim thì làm tốn kém lắm: hơn 20 tỉ đồng. Tôi bảo tôi chỉ có thể bình luận khi xem xong một bộ phim thôi. Nhưng nếu bộ phim đã ra mắt mà tôi không hề được thông tin hay quảng cáo về bộ phim đó, không được truyền thông giới thiệu về câu chuyện phim, về cách đạo diễn (nào) làm phim, diễn viên (nào) vào vai thế nào và được khuyến khích nên đi xem, thì sao tôi có thể bỏ tiền ra mua vé một bộ phim có quá ít thông tin cần biết đến thế! Theo phỏng đoán của tôi, công tác tuyên truyền quảng bá về một bộ phim mà làm không tốt thì ai có thể đi xem, khi trong thực tế có bộ phim truyện hay được giải vàng hẳn hoi mà làm công tác thông tin không tốt cũng chẳng có ai đi xem nữa là. Hơn nữa, tên phim ở đây cũng chả có gì là hấp dẫn với tôi, Sống cùng lịch sử, nghe rất khô cứng. Lịch sử nào? Đời Trần hay đời Nguyễn, chống Pháp hay chống Mỹ, nghe chẳng rõ ràng gì hết. Sau cùng, một bộ phim hay phải được bảo đảm bằng vàng bởi chính nó là tác phẩm điện ảnh hay, kiểu hữu xạ tự nhiên hương, nhưng rất tiếc, phim hay Việt Nam rất hiếm, không thể tự khẳng định theo kiểu tự nhiên nhi nhiên như vậy được. Vậy thiếu thông tin thì người ta không thể phiêu lưu mà đi xem phim và với thông tin phim ra rạp không bán nổi một vé thì tìm xem làm gì! Thà ở nhà còn hơn rơi vào bi kịch mà nhà báo Thảo Hảo đã viết từ lâu: Ra về lúc giải lao, vì đã biết trước sau giải lao kịch sẽ đi đến đâu, cho nên ngậm ngùi kết luận: vở kịch đã chỉ đụng đến túi tiền của tôi chứ chưa đụng đến được trái tim tôi! PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận