Dàn xe buýt mới "trùm mền" hơn 1 năm qua - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Hợp tác xã Đông Nam cho biết có khoảng 16 xe buýt mới thuộc các tuyến buýt số 40, 146, 51 được đầu tư giai đoạn cuối năm 2016 và đầu năm 2017 với khoảng 1 tỉ đồng/xe.
Vốn để "lên đời" xe mới đa số đều đi vay ngân hàng và do hợp tác xã đứng tên cho xã viên.
Tuy nhiên, các xe mới lăn bánh chừng mấy tháng đã phải ngưng vì hoạt động không hiệu quả, thu không đủ bù chi. Các xã viên thua lỗ bỏ xe, "đẩy" hợp tác xã ôm món nợ ngân hàng hàng chục tỉ đồng.
Không ai muốn rước "cục nợ"
Theo hợp đồng tín dụng, tiền trợ giá hằng tháng sẽ được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP rót thẳng vào tài khoản ngân hàng cho vay mua xe. Và ngân hàng sẽ tự động khấu trừ nợ, còn dư bao nhiêu hợp tác xã mới chia cho toàn bộ xã viên.
"Có xã viên không vay cũng bị ngân hàng cấn tiền trợ giá trừ nợ cho các xe buýt ngưng chạy. Từ đó xã viên không có tiền đổ dầu, xin nghỉ chạy liên miên", đại diện Hợp tác xã Đông Nam nói.
Mỗi xe buýt trị giá hơn 1 tỉ đồng, đa số vốn vay ngân hàng - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ghi nhận sáng 17-12 cho thấy hơn chục xe buýt mới của Đông Nam nằm "trùm mền" tại khu vực quanh chợ Bình Khánh, quận 2. Nhìn vào bên trong, thiết bị xe buýt vẫn còn mới nhưng bám đầy bụi bẩn. Nhiều cửa xe không đóng được người dân quanh chợ tận dụng mắc võng làm chỗ ngủ.
Một xã viên xe buýt Đông Nam cho biết hợp tác xã kêu gọi xã viên tuyến khác cứ lấy các xe đang "trùm mền" về chạy nhưng không ai nhận vì không ai muốn rước cục nợ.
Đã cảnh báo vẫn "lên đời" xe mới
Vì sao hàng loạt xe buýt đầu tư mới trong thời gian ngắn ngủi đã "trùm mền"?
Theo các xã viên xe buýt, mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7-2016, lãnh đạo Hợp tác xã Đông Nam đề xuất thay mới đồng loạt phương tiện tuyến số 40 chạy ngã tư Ga (quận 12) - bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh).
Nội thất xe buýt bám đầy bụi bẩn - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Từ đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP (nay đổi tên thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP) trình Sở Giao thông vận tải TP xét duyệt phương án đầu tư.
Sau đó, Sở Giao thông vận tải TP có ý kiến về nguyên tắc sẽ thống nhất việc đầu tư đổi mới phương tiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tuyến số 40.
Dù vậy, sở trên cũng lưu ý Hợp tác xã Đông Nam đang xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài đối với việc đầu tư xe buýt mới, đặc biệt là khoản nợ thuế tại Chi cục Thuế quận 2 (2,4 tỉ đồng - PV). Sở Giao thông vận tải TP đề nghị trung tâm xem xét, lưu ý trước khi triển khai.
Xe buýt mới dùng để mắc võng ngủ - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Dù đã được cảnh báo, tuyến xe buýt số 40 vẫn được duyệt đầu tư và xe buýt mới bắt đầu lăn bánh đầu năm 2017. Chỉ đúng 8 tháng sau, 10 xe buýt mới ngưng chạy và bắt đầu "trùm mền" cho đến nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc đầu tư không hiệu quả gây lãng phí, lãnh đạo Hợp tác xã Đông Nam cho rằng vấn đề này thuộc trách nhiệm của lãnh đạo hợp tác xã nhiệm kỳ trước.
"Không hiểu sao tuyến buýt số 40 chạy không hiệu quả vẫn đề xuất đầu tư thay xe mới. Hậu quả, xe ngưng, nợ ngân hàng chồng chất dẫn đến đơn vị hết khả năng trả nợ", vị này nói.
Cửa xe buýt luôn mở nên mạnh ai nấy lên - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Do hết khả năng trả nợ, Hợp tác xã Đông Nam đã đề nghị Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Chánh đưa tổng cộng 51 xe buýt đã thế chấp vay vốn đưa đi thanh lý vì đến tháng 12-2018, hợp tác xã phát sinh nợ quá hạn 3 kỳ gốc lãi hơn 3,2 tỉ đồng.
Còn Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Chánh cho biết đang nghiên cứu phương án kéo dài thêm 1-2 năm đối với các khoản nợ để hợp tác xã có thể giảm áp lực về tài chính.
Trong khi các đơn vị đang bàn bạc phương án giải quyết, những ngày qua nhiều xe buýt thuộc tuyến số 51 đã xin ngưng chạy với lý do hết tiền đổ dầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận