Các nạn nhân với đơn tố cáo đường dây đầu tư tiền ảo lên đến 15.000 tỉ đồng - Ảnh: TỰ TRUNG
Tuy nhiên, từ vụ nhiều cá nhân tố bị lừa 15.000 tỉ đồng của dự án Ifan và Pincoin, cho thấy mức lãi khủng được hứa hẹn đâu chưa thấy nhưng nhiều người đã mất tiền thật từ các dự án đầu tư tiền ảo.
Lãi một tháng bằng 7-8 năm gửi tiết kiệm
Hiện nay có hai dạng đầu tư tiền ảo. Một là mua đi bán lại các coin để hưởng chênh lệch giá trên sàn. Hai là đầu tư theo dạng lending, một dạng gửi tiền để hưởng lãi suất không tưởng, lên đến 48-58%/tháng.
Ông P.V.T. (Vĩnh Long) cho biết chưa hiểu dự án Ifan là gì nhưng nghe mức lợi nhuận 48-58%/tháng ông đã tình nguyện chuyển tiền ba lần qua Internet banking cho một người trong nhóm điều hành đường dây tiền ảo là Nguyễn Xuân Tú để tham gia dù chưa từng gặp mặt người này.
"Nhưng sau khi tôi chuyển tiền thì Tú cắt đứt liên lạc, gọi điện không nghe máy, còn nhắn tin với những lời lẽ thách thức" - ông Thứ phản ảnh.
Chị Hiền (TP.HCM) qua một người bạn rỉ tai đã tin tưởng và rót tiền. "Chúng tôi chơi theo nhóm do một nhóm trưởng đứng đầu, cũng là một trong 15 chân rết của hệ thống. Nhóm chỉ có 28 người và rót vào riêng Ifan đã lên đến 3,6 tỉ đồng" - chị Hiền nói.
Theo bảng thống kê số tiền rót vào Ifan của nhóm mà chị Hiền gửi, có trường hợp góp đến 80.000 USD, còn lại nhiều người góp 10.000 USD, 8.000 USD.
Chiêu thức huy động vốn lãi cao còn mê hoặc cả những người đang làm việc ở nước ngoài. Anh Minh, đang lao động tại Hàn Quốc, qua Facebook biết đến dự án đầu tư tiền điện tử này và đã đóng 3.000 USD để tham gia.
Thời điểm anh quyết định rót tiền, Ifan cam kết cho nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nhưng sau đó họ hủy chương trình này và tiền lãi họ quy ra Ifan.
Số Ifan nhận được tôi phải bán trên sàn Ifan và đổi sang bitcoin nhưng sau đó web sập. Tôi mất trắng 3.000 USD đã bỏ ra" - anh Minh cho biết.
Một buổi thuyết trình về dự án đầu tư tiền ảo trên mạng xã hội - Ảnh: cắt từ clip
Vét sạch tiền bằng nhiều chiêu
Đáng nói là chiêu thức của Ifan và Pincoin không mới. Cuối năm 2017, một "mã" đình đám khác là Bitconnect (BCC) cũng dừng hoạt động huy động vốn giá cao và quy đổi ra coin cho nhà đầu tư với giá cắt cổ, gấp gần 14 lần giá trị thực. Ifan cũng lặp lại công thức đó.
Theo đơn tố cáo của bà T.T., bà được Vũ Hữu Lợi, Lê Ngọc Tuấn và đội ngũ sáng lập hứa hẹn mức lãi suất "khủng" là 48%, thế nhưng sau khi lôi kéo được đông nhà đầu tư và thu về số tiền lớn, Ifan tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn.
Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ nhận được các đồng tiền số Ifan với giá do họ tự quy định là 5 USD/đồng.
Trong khi cùng thời điểm trên thị trường, giá giao dịch thực của đồng tiền này chỉ 0,01 USD/đồng, tức thấp hơn giá mà công ty quy đổi 500 lần. Thậm chí nhiều người đầu tư cho biết không thể chuyển nhượng được.
Đồ họa: T.ĐẠT
Chiều 9-4, nhiều người bị mất tiền khi đầu tư vào Pincoin và Ifan đã tụ tập tại một địa điểm trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình để tập hợp các đơn tố cáo.
Trong số những nạn nhân mà PV Tuổi Trẻ liên hệ được, có những người mất số tiền lớn. Như trường hợp bà Hoa mất 2,6 tỉ đồng.
"Họ có rất nhiều chiêu thức để thu hút người chơi. Cụ thể là thường xuyên tổ chức rất nhiều đợt giới thiệu ở những trung tâm sự kiện hoành tráng và mời nhà đầu tư tham dự. Đầu tiên họ tổ chức sự kiện tại khách sạn ở Vũng Tàu.
Trong buổi tiệc đó có bốc thăm ra những người may mắn được mua. Trong buổi tiệc cả ngàn người tham dự thì chỉ có hơn 10 người được mua.
Tôi không lọt được vào danh sách nên phải mua lại từ những người may mắn trong danh sách. Đợt đó tôi mua 8.000 đồng Ifan, giá 1 USD/đồng, số tiền bỏ ra là 8.000 USD" - bà Hoa kể.
Theo bà Hoa, sau đó nhóm này còn tổ chức những sự kiện liên tiếp tại TP.HCM và mời những ca sĩ nổi tiếng. Cứ mỗi sự kiện giá bán Ifan lại được nâng lên.
Thấy giá lên và nghe giới thiệu hoành tráng bà lại tin tưởng mua tiếp. Cho đến khi bà sở hữu lượng đồng Ifan tương đương 2,6 tỉ đồng thì sập sàn và mất vốn.
Nhiều nhà đầu tư cho biết nhóm này có rất nhiều chiêu tung hứng và kích thích lòng tham của người đầu tư. Chẳng hạn, liên tục hết thành viên này đến thành viên khác đưa hình mua được nhà, xe nhờ đầu tư vào các đồng này.
"Họ chủ ý đánh lừa ngay từ đầu nên dựng lên hình ảnh rất hoàn hảo. Ngay cả nguồn gốc của dự án cũng được cho là từ nước ngoài. Vì ở VN tiền ảo không hợp pháp, do vậy nói là ở nước ngoài thì khi mất tiền nhà đầu tư cũng cam chịu mà không truy cứu thêm" - một nhà đầu tư cho biết.
Đồ họa: T.ĐẠT
Đầu tư tiền ảo không được bảo vệ quyền lợi
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - cho hay theo nghị định 80-2016 của Chính phủ, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định từ năm 2014 rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Nếu người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt theo quy định.
Về xử phạt, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150-200 triệu đồng.
Riêng Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ 1-1-2018, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự.
Những người sở hữu đồng tiền ảo cũng không được pháp luật thừa nhận. Do vậy, về vụ việc mang tên Ifan và Pincoin, cơ quan tố tụng có thể sẽ tham gia.
Riêng Ngân hàng Nhà nước chỉ đóng vai trò tham mưu vì Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo nên không thể bảo vệ quyền lợi cho những người sở hữu nó.
Lấy mỡ rán mỡ
Các nạn nhân trong vụ đường dây tiền ảo lừa đảo lên đến 15.000 tỉ đồng tiếp xúc với luật sư - Ảnh: TỰ TRUNG
"Không thể nào có chuyện có lợi nhuận khủng khiếp trong một thời gian ngắn như vậy. Nếu thực sự có như vậy họ sẽ không bao giờ nhường cơ hội cho người khác" - chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nói về mức lãi suất khủng 48%/tháng mà dự án Ifan tiền ảo hứa trả cho người góp vốn.
Theo ông Minh, mức lãi suất trên là phi thực tế, nhưng lại làm cho nhiều người mờ mắt. Thực tế họ chỉ lấy tiền người sau trả cho người trước. Khi đó, những người tham gia sau sẽ trắng tay.
Lấy mức lãi suất huy động vốn của ngân hàng để so sánh là 7%/năm (0,583%/tháng), thạc sĩ Đỗ Gioan Hảo, giảng viên Trường ĐH Tài chính - marketing, nói hình thức của Ifan không khác gì cho vay nặng lãi vì 48%/tháng tương đương 576%/năm.
Ông Hảo đặt vấn đề: "Khi trả như vậy người gửi phải suy luận rằng họ làm gì, đầu tư gì để có mức lợi nhuận như vậy? Có điều gì bất thường ở đây hay không?".
Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng hiện nay các đường dây đầu tư tiền ảo đa cấp này có rất nhiều cách để lôi kéo người chơi thông qua hội nghị, hội thảo, các trang mạng xã hội, thậm chí nếu lên YouTube gõ các từ khóa về cách thức đầu tư một loại tiền ảo nào đó có thể thấy hiện ra hàng trăm clip hướng dẫn.
Đây là mô hình đầu tư theo kiểu Ponzi mà trắng tay là những người tham gia sau.
Khi sự việc đổ bể, trong trường hợp cơ quan điều tra có vào cuộc chưa chắc nhà đầu tư đã lấy lại được tiền.
Cũng theo ông Tín, đáng nói là các loại hình lừa đảo núp bóng công nghệ blockchain (là công nghệ đứng sau đồng tiền ảo) hiện nay rất nhiều.
A.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận