06/02/2012 05:43 GMT+7

Đầu tư thua lỗ, chủ tịch EVN mất chức

MINH QUANG - CẦM VĂN KÌNH
MINH QUANG - CẦM VĂN KÌNH

TT - Thủ tướng vừa cho thôi chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với ông Đào Văn Hưng. Tại sao ông Hưng phải ra đi? Đó là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.

qXPKtZrW.jpgPhóng to
Ông Đào Văn Hưng - Ảnh: K.Hưng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, một trong những nguyên nhân Thủ tướng cho ông Hưng thôi chức là do để xảy ra thua lỗ trong kết quả sản xuất kinh doanh tại Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom). Thực tế, không chỉ EVN Telecom thua lỗ nghiêm trọng dẫn đến phải chuyển cho đơn vị khác tiếp nhận, nhiều khoản đầu tư khác vào các lĩnh vực không thuộc ngành điện cũng “thua to”.

Gánh nặng EVN Telecom

EVN Telecom được thành lập từ năm 1995 với chức năng quản lý vận hành, khai thác mạng thông tin viễn thông điện lực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và kinh doanh của EVN. Công ty này thực hiện kinh doanh các dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế; tư vấn, thiết kế lập các dự án công trình thông tin viễn thông... EVN Telecom đã được công ty mẹ đầu tư 100% vốn nhà nước với số tiền lên đến 2.442 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2010). Suốt quá trình hoạt động, EVN Telecom được ưu ái bằng việc công ty mẹ phân bổ chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối với số tiền lên đến trên 1.000 tỉ đồng.

Ở thời điểm vừa “chân ướt chân ráo” tham gia thị trường viễn thông, không ít chuyên gia đã có ý kiến cho rằng việc EVN đầu tư như vậy là đầu tư ngoài ngành, nhưng lãnh đạo EVN giải thích không hẳn là đầu tư ngoài ngành, EVN có thể tận dụng hệ thống đường dây, cột điện có sẵn và đầu tư như vậy nhằm tận dụng tối đa hạ tầng của ngành để phát triển viễn thông. Hơn nữa, EVN sẽ đầu tư viễn thông trên cơ sở công nghệ 3G, cung cấp nhiều tiện ích, tin tưởng có thể cạnh tranh. Với tham vọng này, EVN Telecom tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho khách hàng nhằm thu hút thuê bao. Tuy nhiên, EVN Telecom không có khả năng tung ra gói khuyến mãi cạnh tranh thật sự như các đối thủ Viettel, Vinaphone, MobiFone... Sau thời gian đầu phát triển thuê bao, khách hàng của EVN Telecom dần sụt giảm.

Trong cuộc đua viễn thông, EVN đã nhanh chóng đuối sức, kinh doanh không mang lại hiệu quả. Tổng kết năm 2010, EVN chính thức công nhận “thua” khi ông Đào Văn Hưng phát biểu khẳng định “đau xót lắm” vì viễn thông mỗi tháng lỗ cả chục tỉ đồng. Về trách nhiệm, ông Hưng không đề cập cá nhân nào, chỉ cho biết EVN có đề xuất về cổ phần hóa, bán bớt phần vốn của EVN Telecom nhưng gửi đề án mấy tháng vẫn chưa được duyệt.

Đầu tư tràn lan

Từ khi ông Hưng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị EVN, tập đoàn này đã có những quyết định đầu tư vào các ngành nóng là chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, viễn thông với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng trong thời điểm EVN không có đủ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh điện.

Tính đến hết 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về chỉ khoảng 540 tỉ đồng, đạt tỉ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư hơn... 1%. EVN cũng đã đầu tư trên 2.100 tỉ đồng vào bốn lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính, chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, Kiểm toán Nhà nước đánh giá EVN không bảo toàn được vốn. Năm 2010, sản xuất kinh doanh của EVN lỗ 8.416 tỉ đồng, trong đó chưa tính hơn 28.500 tỉ đồng lỗ tiềm ẩn từ chênh lệch tỉ giá, chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối của viễn thông điện lực, giá nhiên liệu than, khí theo thị trường... Theo báo cáo kiểm toán, ước hoạt động kinh doanh năm 2011 của EVN lỗ gần 17.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31-12-2011 là 40.400 tỉ đồng.

Tháng 10-2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc xử lý kết quả thanh tra tài chính tại EVN. Trong đó, Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện các phương án giá điện và đánh giá các khoản đầu tư ra ngoài ngành của EVN, đặc biệt là việc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và các khoản đầu tư vào EVN Telecom. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến những vi phạm.

Chuyển lỗ

Báo cáo tài chính năm 2010 của EVN Telecom cho biết đơn vị này đã thua lỗ hơn 1.057 tỉ đồng. Đó là chưa kể khoản chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm

2006-2008 không kết chuyển vào chi phí hoạt động kinh doanh mà điều chuyển cho các công ty điện lực phân bổ 1.026 tỉ đồng. Theo đó, EVN Telecom sẽ phát hành hóa đơn ghi nợ khoản tiền trên cho các tổng công ty điện lực, các đơn vị này nhận nợ, đồng thời hạch toán giảm nợ phải trả, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị. Thực chất việc điều chuyển chi phí thiết bị đầu cuối là việc chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom sang các tổng công ty điện lực.

Năm 2010, EVN Telecom tưởng được cứu khi FPT đàm phán mua lại 60% cổ phần và đã đặt cọc 708,8 tỉ đồng. Nhưng thương vụ này bất thành khi FPT rút lại cam kết, vì EVN chỉ bán 49% cổ phần ra bên ngoài, nghĩa là EVN vẫn nắm quyền chính trong điều hành doanh nghiệp. Sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định cho Viettel tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1-1-2012, hai bên có trách nhiệm thống nhất các vấn đề liên quan, trong đó có việc lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác.

MINH QUANG - CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên