25/05/2014 06:41 GMT+7

Đầu tư sai, có buộc được quan to bồi thường?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Dự thảo Luật đầu tư công quy định chủ thể quyết định đầu tư công sai, kém hiệu quả thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, xử lý hình sự và chịu trách nhiệm bồi thường.

KZW56RvL.jpg
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 24-5, nhiều đại biểu đặt câu hỏi có thực hiện được quy định này không khi người đặt bút ký vào các dự án đầu tư đều là quan chức cấp cao.

Thế nào là hiệu quả?

Không hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng 24-5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với chủ trương mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị cần làm rõ việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước.

Theo quy định tại dự thảo luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép nhập cảnh Việt Nam, về cơ bản là có các quyền sở hữu về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng. Thời hạn sở hữu đối với tổ chức không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho biết cử tri còn rất phàn nàn về tình trạng nhiêu khê trong thủ tục xin phép xây dựng, thậm chí bị nhũng nhiễu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) yêu cầu phải giảm bớt phiền hà, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân... Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nguyên nhân đáng chú ý là việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông chưa tốt. Một số địa phương có đề ra phòng một cửa nhưng thực chất phải đi qua nhiều cửa để làm đầy đủ thủ tục rồi mới đến nộp hồ sơ tại phòng một cửa, gây bức xúc trong xã hội.

Để khắc phục thực tế trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định phải công khai quy trình, thời gian tối đa phải cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (công trình xây dựng: 20 ngày, nhà ở riêng lẻ: 10 ngày). Chủ đầu tư, người dân chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan cấp giấy phép xây dựng; cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm xem xét, gửi hồ sơ tới các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến phối hợp.

“Vấn đề quan trọng hàng đầu để chấn chỉnh đầu tư công là cần làm rõ khái niệm về hiệu quả đầu tư công. Đây là cơ sở để đánh giá, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tránh tình trạng công trình lãng phí do không đồng bộ, kéo dài” - đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nói. Theo ông, thực tế cho thấy có không ít dự án được quyết định đầu tư mà không tính đến hiệu quả toàn diện, chẳng hạn như trường hợp thủy điện Đồng Nai 6, 6A vừa rồi. Nếu lấy hiệu quả dự án làm cơ sở để xử lý kỷ luật người quyết định đầu tư mà không quy định rõ thế nào là hiệu quả thì bằng không.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng phải quy định nguyên tắc hiệu quả đầu tư công là nguyên tắc số 1, là điều kiện tiên quyết đặt ra ngay từ khâu xem xét để ra các quyết định về chủ trương đầu tư và phải được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện. Vì trong thực tế có những dự án đầu tư công thực hiện đúng quy trình, thủ tục nhưng hiệu quả rất hạn chế. “Cần bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công, tạo ra chuẩn mực chung, thống nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư” - ông Hùng đề nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) khẳng định: “Không quy định cụ thể về tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công thì khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đề xuất, phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Dự án luật cần quy định người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình dự án sai, kém hiệu quả thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại. “Tuy nhiên, hiện nay việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo Luật bồi thường nhà nước trong thời gian qua mới chỉ làm được mỗi một việc là dùng ngân sách để bồi thường cho dân, còn việc xử phạt cán bộ sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc, gây mất lòng tin trong nhân dân. Liệu rằng khi thông qua luật này, đối tượng phải xử lý và chịu trách nhiệm bồi thường trong đầu tư công đều chủ yếu giữ các chức vụ cao, quan trọng, tức là chủ tịch UBND các cấp trở lên, thì xử lý thế nào?” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong từng khâu, từng giai đoạn thực hiện dự án. “Vừa qua, dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) đội vốn hàng trăm triệu USD nhưng chưa thấy rõ ai chịu trách nhiệm” - ông Vinh nêu ví dụ.

Tiền của dân thì dân phải giám sát

Vẫn theo ông Huỳnh Nghĩa, Luật xây dựng quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh là người quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương. Nhưng dự thảo Luật đầu tư công lại quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với dự án loại này. “Tôi cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn và đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng, không tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với ngân sách cấp mình. Quy định này cũng sẽ tạo thêm thủ tục hành chính rườm rà, dẫn đến các địa phương tìm cách lách luật như phê duyệt dự án đầu tư dưới mức quy định, rồi khi triển khai sẽ tìm cách để điều chỉnh lại. Tôi đề nghị giao thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc ngân sách địa phương cho HĐND cấp tỉnh” - ông Nghĩa nói.

Ông cũng cho rằng quy định HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, còn lại các dự án nhóm C do UBND quyết định là không phù hợp. Lý do là 99% các dự án ở địa phương thuộc nhóm C, đây là các dự án dân sinh liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân mà chỉ để một người quyết là không ổn. “Tiền thuế của dân phải được giám sát thông qua đại biểu của nhân dân, dù chỉ một đồng. Muốn đầu tư vào đâu thì phải được sự đồng ý của đại biểu của dân và đại biểu phải chịu trách nhiệm trước dân” - ông Nghĩa nói.

Bà Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) khẳng định việc công khai, minh bạch và giám sát đối với các dự án đầu tư công rất quan trọng, vì vậy phải có các quy định cụ thể, khả thi người dân và các tổ chức xã hội giám sát trên thực tế. “Ngân sách cho đầu tư công là từ tiền thuế của người dân đóng góp, người dân và các tổ chức xã hội phải có quyền giám sát, đồng thời các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt đầu tư phải có trách nhiệm giải trình” - bà Nguyệt nói.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), phải quy định cơ chế cụ thể để người dân, đặc biệt thông qua Mặt trận Tổ quốc VN, giám sát, phản biện các dự án đầu tư công ngay khi nó được lập kế hoạch. “Trên thực tế có những dự án khi đưa ra thuyết phục dân thì trình bày hay lắm, nhưng thực hiện xong lại không phải như vậy và nhìn vào số tiền thì dân mới té ngửa ra. Nếu bây giờ quy định công khai mà người ta chỉ dán một tờ giấy bên trong dự án, công trình thì người dân rất khó tiếp cận. Tôi đề nghị bổ sung các quy định công khai rộng rãi, có cơ chế để người dân giám sát, phản biện ngay từ đầu” - ông Phương kiến nghị.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên