19/11/2024 12:29 GMT+7

Đầu tư nhà ở xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long: Quỹ đất lớn, nhà vẫn trên... giấy

Nhằm triển khai "Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" của Chính phủ, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã dành quỹ đất rất lớn để xây dựng nhà ở xã hội nhưng nhiều dự án vẫn nằm trên giấy.

Đầu tư nhà ở xã hội ở ĐBSCL: Quỹ đất lớn, nhà vẫn trên... giấy - Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau đang xây dựng - Ảnh: T.HUYỀN

Vì sao?

Nhiều địa phương cho biết giá nhà ở xã hội bình quân còn cao, trong khi người được hưởng chính sách lại có thu nhập thấp nên không đảm bảo phương án trả nợ khi vay vốn mua nhà ở xã hội, gây ảnh hưởng đến tiến độ mở bán một số dự án đã hoàn thành.

Quỹ đất lớn, nhưng vì sao nhiều dự án nhà ở xã hội ở miền Tây vẫn dở dang? - Video: THANH HUYỀN - BỬU ĐẤU

Quy hoạch rầm rộ nhưng...

Thông tin từ tỉnh An Giang cho biết đã quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên 143ha. Trong đó quỹ đất của các dự án phát triển nhà ở xã hội đang triển khai trên 81ha. Riêng 4 dự án nhà ở xã hội đang đi vào hoạt động có hơn 1.900 căn. Dự kiến trong năm 2025 sẽ có thêm 3 dự án hoàn thành.

Tuy nhiên một số dự án nhà ở xã hội chậm khởi công do tình hình dịch COVID-19 và chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn và lãi suất vay. Dự báo nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang là 8.400 căn nhà và chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của giai đoạn đến năm 2030 là 6.300 căn nhà.

"Tôi có gom góp tiền đặt cọc mua căn hộ T4 thuộc dự án nhà ở xã hội của Golden City nhưng bị trễ hẹn giao nhà nên cũng nóng ruột lắm", chị V., ngụ TP Long Xuyên, An Giang, nói.

Theo chủ đầu tư dự án "Khu nhà ở xã hội Golden City An Giang", thời gian bàn giao căn hộ dự kiến vào cuối quý 4-2024 và đầu quý 1-2025, chậm so với cam kết ban đầu do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, cát cho hoàn thiện công trình.

"Mặt khác, gần một năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội An Giang chưa bố trí được nguồn vốn giải ngân cho các khách hàng vay mua nhà dẫn đến nhiều khách hàng chưa nộp tiền theo tiến độ ghi tại hợp đồng cũng gây khó khăn về tài chính và ảnh hưởng tới việc thanh toán cho các nhà thầu thi công để đảm bảo tiến độ dự án", văn bản nêu.

Tại Kiên Giang có 2 dự án nhà ở xã hội nhưng đến nay vẫn đang dở dang. Cà Mau có 15 vị trí quy hoạch phát triển nhà ở xã hội nhưng chỉ có 1 dự án đang triển khai, 14 dự án còn lại đang thực hiện hồ sơ pháp lý chuẩn bị đầu tư và triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Việc dành 20% quỹ đất ở trong dự án nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa có quy định cụ thể về thời hạn bắt buộc chủ đầu tư phải triển khai xây dựng. Vì vậy nhiều chủ đầu tư "né, tránh", kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến thiếu nguồn cung cho nhà ở xã hội", đại diện Sở Xây dựng tỉnh An Giang nói.

Tỉ suất đầu tư thấp, khó tiếp cận vốn?

Ông Mã Minh Tâm, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, thừa nhận nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ do việc đầu tư nhà ở xã hội không mang đến nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, quy trình đầu tư phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào vốn doanh nghiệp.

"Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Một số doanh nghiệp e ngại nên không ưu tiên, mạnh dạn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong 20% quỹ đất của dự án", ông Tâm cho biết.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho hay các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội đều gặp khó từ suất đầu tư do Bộ Xây dựng đưa ra thấp so với thực tế giá vật liệu xây dựng. Chưa hết, gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội chỉ có 5 năm trong khi xây dựng tòa nhà chung cư nhà ở xã hội ít nhất cũng 3 năm.

"Không dự án nhà ở xã hội nào được hoàn tất dưới 3 năm, trong khi quy định phải hoàn thiện xong mới được mở bán. Do vậy, doanh nghiệp chỉ được vay ngay từ lúc dự án được mở bán", lãnh đạo một doanh nghiệp nói và cho biết lãi suất ưu đãi của chương trình này còn cao hơn lãi suất vay theo hình thức tín dụng thương mại.

Chưa hết, để vay vốn ưu đãi phải hoàn tất nhiều khâu thủ tục vay, nhanh nhất cũng 6 tháng mới được giải ngân.

"Để thu hút đầu tư nhà ở xã hội, phải chờ Bộ Xây dựng điều chỉnh tỉ suất đầu tư, hướng dẫn theo Luật Nhà ở mới. Gói 120.000 tỉ đồng cũng phải chờ Bộ Xây dựng làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh lại lãi suất với thời hạn vay", lãnh đạo một địa phương nói.

An Giang hỗ trợ mỗi dự án 4,5 tỉ đồng

Nghị quyết 12/2024 của HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất quy định cơ chế hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, hỗ trợ 100% khoản phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; giao quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội đối với dự án không thuộc trường hợp quy định.

Địa phương hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thiết kế dự toán được phê duyệt, nhưng không quá 4,5 tỉ đồng/dự án.

Đầu tư nhà ở xã hội ở ĐBSCL: Quỹ đất lớn, nhà vẫn trên... giấy - Ảnh 2.Chưa bao giờ nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ tốt như hiện nay

Trong chương trình 'Vì 1 triệu mái ấm gia đình Việt' do Tập đoàn Hoàng Quân tổ chức ngày 17-11, các khách mời đã chia sẻ về cơ hội sở hữu, thuê mua nhà ở xã hội trong bối cảnh các luật mới đã có hiệu lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên