20/09/2023 12:46 GMT+7

Đầu tư 'khủng' cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP.HCM

THU HIẾN
và 1 tác giả khác

Trong bối cảnh dự án xây mới ba bệnh viện cửa ngõ TP.HCM sắp hoàn thành, TP.HCM vừa có quyết định đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, giảm tải bệnh viện tuyến cuối.

Đang xây dựng mới (hoàn thành 75%), Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được TP.HCM chi thêm 1.491 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị - Ảnh: BVCC

Đang xây dựng mới (hoàn thành 75%), Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được TP.HCM chi thêm 1.491 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị - Ảnh: BVCC

Song song xây dựng mới ba bệnh viện cửa ngõ, các đơn vị vẫn duy trì hoạt động tại cơ sở hiện tại.

Dự án xây dựng mới bệnh viện sắp "cán đích"

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới ba bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng số vốn là hơn 5.600 tỉ đồng.

Đến nay các dự án gấp rút "cán đích", dự kiến cuối năm nay đến giữa năm 2024 sẽ đưa vào hoạt động. Tuy vậy, các bệnh viện còn gặp khó khăn về trang thiết bị y tế.

Ngày 19-9 HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ này với tổng số vốn là hơn 4.300 tỉ đồng. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn 1.491 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức 1.450 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi 1.365 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quốc Quân - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn - vui mừng cho biết dự án xây mới bệnh viện đã hoàn thành khoảng 75%, các dự án cây xanh, khu vực khuôn viên dự kiến đến giữa năm 2024 bệnh viện đã tương đối hoàn thiện để đưa vào hoạt động.

Để chuẩn bị hoạt động, cách đây 2-3 năm bệnh viện đã gửi danh sách dự trù các trang thiết bị y tế cần thiết để đưa vào vận hành bệnh viện mới, việc phê duyệt sớm vốn đầu tư trang thiết bị sẽ kết hợp hoàn hảo với cơ sở vật chất khi đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tương tự, ông Cao Tấn Phước - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết theo tiến độ đến cuối năm 2023 dự án xây mới bệnh viện sẽ hoàn thành toàn bộ.

Cơ sở vật chất cũ của bệnh viện tại một số nơi đã xuống cấp, năm nào bệnh viện cũng sử dụng vốn không thường xuyên từ Sở Y tế và nguồn vốn phát triển sự nghiệp của bệnh viện để sơn sửa các phòng, được tới đâu hay tới đó để phục vụ người bệnh. Việc đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện mới là hoàn toàn cấp thiết.

Ông Cao Tấn Phước (giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức)

Hiện tại bệnh viện đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt thang máy, trong nửa tháng nữa bệnh viện sẽ chủ động giao phòng khám cũ để làm đường nội bộ, các hàng rào xung quanh cũng đã hoàn thành. Đối với danh sách các trang thiết bị để đưa vào hoạt động bệnh viện đã đề xuất chủng loại, số lượng để phục vụ cho bệnh viện mới gửi về chủ đầu tư và Sở Y tế.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đã được khởi công vào đầu năm 2021, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động với quy mô 1.000 giường nội trú và trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 3.000 - 3.500 lượt bệnh ngoại trú.

Theo tiến độ đến cuối năm 2023 dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ hoàn thành  - Ảnh: THU HIẾN

Theo tiến độ đến cuối năm 2023 dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ hoàn thành - Ảnh: THU HIẾN

Chia lửa cho bệnh nhân ngoại tỉnh

Theo ông Đặng Quốc Quân, lượng bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn rất đông và tiếp tục tăng lên, trung bình mỗi ngày khám ngoại trú khoảng 1.600 bệnh nhân, nội trú khoảng 300 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân từ các tỉnh như: Long An, Bình Dương.

Để bệnh viện sớm đi vào hoạt động, bệnh viện đang gấp rút đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành của bệnh viện mới. Cơ sở vật chất bệnh viện cũ hiện nay đã xuống cấp, bệnh viện phải tu sửa nhiều lần, không chỉ vậy nhiều trang thiết bị đã cũ, hoạt động không hiệu quả.

Ông Quân dẫn chứng máy chụp CT 16 lát cắt của bệnh viện đã hoạt động trên 15 năm, thế nhưng hiện tại máy đã hư hỏng nặng hai năm nay, không thể dùng được. Không có máy chụp CT, bệnh viện phải gửi bệnh nhân qua các bệnh viện lân cận.

Ngoài ra máy siêu âm, X-quang, bàn mổ, phòng mổ của bệnh viện cũng đã cũ, nhưng bệnh viện vẫn phải tận dụng. "Nếu sớm được đầu tư, đỡ khổ cho người bệnh", ông Quân nói.Theo danh sách trang thiết bị đề xuất của bệnh viện này, gồm hai hệ thống máy chụp CT-scanner 32-64 lát cắt/vòng quay và CT-scanner lớn hơn hoặc bằng 256 lát cắt/vòng quay.

Nằm tại vị trí cửa ngõ, giáp ranh với các bệnh viện lân cận, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho biết hiện tại số lượng bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám trung bình từ 2.600 - 2.700 bệnh nhân/ngày, cao điểm 3.000 bệnh nhân. Trong đó bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương chiếm 40%, còn lại khoảng 60% là bệnh nhân tại TP Thủ Đức.

Ngoài việc di chuyển trang thiết bị tại bệnh viện cũ qua bệnh viện mới, việc đầu tư trang thiết bị mới cho bệnh viện là rất cần thiết, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Để chuẩn bị cho việc vận hành, mới đây bệnh viện đã tuyển 21 bác sĩ và một loạt các bác sĩ được đào tạo để chuẩn bị làm chủ các máy mới.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cần thêm 2 máy CT-scan 64-128 lát cắt, 2 hệ thống cộng hưởng từ, 2 hệ thống CT-Scan <64 lát… Thời điểm bệnh viện mới đưa vào hoạt động cần thêm 16 bác sĩ phân bổ tại các khoa lâm sàng khối nội, ngoại, sản, nhi.

Hơn 7.000 tỉ đồng cho trang thiết bị y tế

Sáng 19-9, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc ngành y tế TP đã chính thức được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của TP.

Bên cạnh ba bệnh viện cửa ngõ tại TP.HCM nêu trên, HĐND TP còn chấp thuận thông qua các dự án xây mới cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho 17 bệnh viện, viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.

Đó là các bệnh viện quận, huyện (Bệnh viện quận 8 và Bình Tân); các trung tâm y tế quận, huyện (quận 3 và 7), các trung tâm chuyên ngành trực thuộc Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng máu).

Tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi điều chỉnh là 3.035 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 4.054 tỉ đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND TP đã chấp thuận thông qua tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế là 30 tỉ đồng.

Ba bệnh viện cửa ngõ TP.HCM được chi thêm 4.300 tỉ mua trang thiết bịBa bệnh viện cửa ngõ TP.HCM được chi thêm 4.300 tỉ mua trang thiết bị

Chiều 19-9, tại kỳ họp lần 11, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư mua sắm trang thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ, với tổng số vốn hơn 4.300 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên