Phóng to |
Ông Nguyễn Đình Hòe: "Nếu đúng nhà máy xử lý rác chỉ xử lý được rác đã qua phân loại, tức phế liệu đã qua phân loại, làm sạch như đề xuất xin nhập phế liệu thì nguy cơ “đắp chiếu” của nhà máy rất cao, vì dây chuyền đầu tư không đúng thực tế rác thải tại VN" |
- Câu hỏi đầu tiên tôi muốn được giải đáp là tại sao một nhà máy xử lý rác lại xin nhập phế liệu về để xử lý? Nhà máy này có phải doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đâu mà xin nhập phế liệu, cần phải mạch lạc và rõ ràng chỗ này.
Từ trước tới nay nhà máy rác không nhập phế liệu, thứ muốn nhập phù hợp nhất với nhà máy xử lý rác chính là rác, nhưng nhập khẩu rác vào VN là Nhà nước không cho phép, còn nhập phế liệu cho nhà máy xử lý rác thì rất không phù hợp. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM nói nhập phế liệu về để chạy thử nhà máy, điều tôi khó hiểu nhất là khi đã ở dạng phế liệu rồi, nhà máy xử lý rác xin nhập về để làm gì, không lẽ để xử lý phế liệu?
* Một số ý kiến cho rằng giai đoạn chạy thử của bất kỳ dây chuyền nào đều phải ứng dụng đúng thực tiễn, tức dây chuyền xử lý rác cho địa phương thì cần lấy rác của địa phương đó?
- Điều này hoàn toàn đúng. Đã là nhà máy xử lý rác cho địa phương thì khi chạy thử phải dùng rác của địa phương. Nếu rác của địa phương không có đủ thì dùng nguồn rác có thành phần tương tự tại các địa phương lân cận để chạy thử nghiệm. Giai đoạn chạy thử nghiệm chẳng qua chỉ kiểm tra hệ thống, dây chuyền nhằm bổ sung các bước, các công đoạn hoặc hiệu chỉnh dây chuyền để có một quy trình hoàn hảo, chính xác khi vận hành chính thức. Do đó cần thiết phải dùng rác của địa phương sở tại, nếu dùng phế liệu nước ngoài khác biệt với rác VN, việc chạy thử không có ý nghĩa gì.
Phóng to |
Khu chôn lấp rác rộng 128ha tại khu xử lý rác Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh |
* Nhưng lý do xin nhập phế liệu từ Mỹ được chủ đầu tư đưa ra là do TP.HCM chưa giao được rác đáp ứng được rác phế liệu đã phân loại tại nguồn, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ đây không còn là lý do đơn thuần của vấn đề chạy thử dây chuyền của một nhà máy xử lý rác. Thử hỏi ở VN hiện nay và kể cả ở các nước tiên tiến trên thế giới liệu có bao nhiêu nơi thực hiện việc phân loại rác tại nguồn một cách triệt để. Nếu nói không giao được rác phế liệu đã phân loại tại nguồn, theo tôi, đây là vấn đề đầu tư không đúng thực tiễn.
Tôi hiểu để giao được rác phế liệu đã phân loại tại nguồn, TP.HCM phải làm tốt mô hình 3R (reduce - giảm phát thải, reuse - tái sử dụng, recycle - tái chế), tức phân loại các loại rác ngay từ cơ sở và phải làm ở diện rộng. Khi không làm được mô hình này, đặc biệt là người dân chưa ý thức được việc phân loại rác ngay tại nhà, có nghĩa chưa thể giao được rác phế liệu phân loại, không lẽ tiếp tục đi nhập phế liệu nước ngoài. Thậm chí ngay cả khi TP.HCM là địa phương có mô hình 3R phát triển mạnh cũng không thể đảm bảo việc phân loại rác tại nguồn hiệu quả được 100%, bản thân người dân phân loại rác cũng có lúc không chính xác, thậm chí có bác uống cốc bia bỏ rác vô cơ sang rác hữu cơ, cho nên nhà máy xử lý rác nào cũng phải có dây chuyền phân loại rác lần 2 tại nhà máy.
* Với những dây chuyền xử lý rác cả triệu USD nhưng vẫn phải trông đợi nguồn rác phế liệu đã phân loại mới hoạt động được, một dây chuyền như vậy liệu có phù hợp với thực tế tại VN và TP.HCM?
- Nếu đúng là dây chuyền này không tự phân loại được rác phế liệu, phải trông đợi nguồn rác phế liệu đã được phân loại từ cơ sở, phải chạy thử nghiệm bằng cách xin nhập phế liệu từ nước ngoài, tôi nghĩ dây chuyền này không thể khả thi với điều kiện rác thải hiện có tại TP.HCM và VN. Với dây chuyền và công nghệ này, nếu cho nhập 10.000 tấn phế liệu từ nước ngoài vào chỉ để chạy thử, đến khi vận hành chính thức làm sao có thể nói rác phế liệu tại chỗ phù hợp nổi với dây chuyền này, chẳng lẽ đến khi đó lại xin nhập phế liệu của nước ngoài để hoạt động?
Một dây chuyền chỉ có tác dụng với rác phế liệu nước ngoài không hẳn tác dụng ở VN, khi không được nhập phế liệu từ nước ngoài có thể nhà máy này phải “đắp chiếu”. Ở đây tôi chỉ muốn nói một vấn đề: dù nhà máy có hiện đại tới đâu, công nghệ tiên tiến chừng nào cũng phải phù hợp với tính thực tiễn của nguồn rác thải địa phương. Xây dựng cả nhà máy và đầu tư cả dây chuyền lớn mà không xử lý được rác của địa phương là không ổn.
* Vậy theo ông, một dây chuyền xử lý rác ra sao sẽ phù hợp với điều kiện nguồn rác thải tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng?
- Thực tế tại VN và nhiều nơi trên thế giới, tất cả nhà máy xử lý rác thải đều có dây chuyền tự phân loại rác. Ở VN có thể thấy nguồn rác đã phân loại trong dân còn rất ít, trong bối cảnh như vậy cần phải nhập và xây dựng một dây chuyền phù hợp với tình thế và thực tế rác địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận