Đầu tư cho đường sắt thời gian qua chủ yếu dành cho duy tu, cải tạo - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nói như vậy sau trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội về tình trạng đường sắt lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức.
Chỉ đầu tư duy tu và cải tạo
Ông Minh cho biết toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư những năm qua có hai việc gồm duy tu bảo dưỡng thường xuyên và cải tạo nâng cấp để phù hợp với điều kiện khai thác mới.
"Đầu tư cải tạo nâng cấp trong những năm vừa qua, đường sắt chỉ được từ 2 đến 3% trong tổng nguồn vốn cho toàn bộ ngành giao thông. Con số này cho thấy chưa có đầu tư để thay đổi. Trong khi đó còn cắt bớt đường nối tới cảng", ông Minh nói.
Theo ông Minh, với duy tu bảo dưỡng thường xuyên, hàng năm nhà nước chỉ cấp được khoảng trên dưới 30% nhu cầu nên không đảm bảo duy trì được hệ thống như ban đầu, càng ngày nhiều hạng mục tiệm cận với nguy cơ mất an toàn.
Trong khi đó, quản lý dân cư không tốt dẫn đến 4.200 đường ngang tự mở trên hệ thống đường sắt nên trung bình cứ 500m đường sắt lại có một đường ngang. Điều này khiến không thể nâng tốc độ chạy tàu được và gây ra nhiều tai nạn giao thông.
Đường bộ chỉ đầu tư đường và tín hiệu giao thông là khai thác được. Còn đường sắt điều hành tập trung thống nhất nên phải đồng bộ cả hạ tầng, thông tin tín hiệu, phương tiện. Với nguồn vốn đầu tư như vậy, rõ ràng đường sắt hiện nay càng lạc hậu, khó khăn.
Ông Vũ Anh Minh
Đến năm 2020 sẽ đầu tư cho đường sắt 48.000 tỉ đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Vốn phát triển trả nợ dự án cũ
Ông Vũ Anh Minh cho biết chiến lược phát triển đường sắt, kế hoạch phát triển ngắn hạn trung hạn đã được đưa ra.
Đến năm 2020 dành cho đường sắt 48.000 tỉ đồng, đến năm 2030 là 110.000 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, đến nay mới bố trí được hơn 1.000 tỉ đồng vốn trong kế hoạch đó. Nhưng phần vốn này phải mang hơn 600 tỉ đồng trả nợ cho các dự án cũ.
"Tuy nhiên, không phải vì thế mà đường sắt không nhìn thấy đường ra. Luật đường sắt đã được ban hành, quy định bố trí nguồn ngân sách thích đáng cho cải tạo, nâng cấp, phát triển đường sắt. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện", ông Minh nói.
Quy hoạch phát triển đường sắt đã có. Nhưng thay đổi tư duy của xã hội, các cấp lãnh đạo mới là vấn đề quan trọng hơn nguồn lực. Vì có sự thay đổi mới dành nguồn lực cho đường sắt.
Ông Vũ Anh Minh
Đến nay, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dành 7.000 tỉ đồng trong nguồn vốn trung hạn 2016-2020 cho đường sắt cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có.
"Hi vọng trong tháng 6 này Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua. Còn đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải cũng có kế hoạch trình Chính phủ và Quốc hội báo cáo đầu tư vào tháng 5-2019. Đây là cơ sở để hy vọng đường sắt có được sự đầu tư tốt hơn", ông Minh nói.
PGT. TS Nguyễn Hồng Thái
(Phó chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam)
Chưa có sự đồng thuận về vai trò của đường sắt
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đường sắt lạc hậu là chưa có sự đồng thuận về đánh giá vai trò của giao thông vận tải đường sắt, vì vậy đầu tư ít, chưa cân đối với các loại hình giao thông vận tải khác.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ được đầu tư ở mức độ duy trì hệ thống hiện có, hầu như chưa có đầu tư xây dựng mới.
Huy động vốn cho đường sắt khó khăn, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách. Việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt còn rất hạn chế do hiện trạng hiệu quả đầu tư ngành đường sắt nhất là đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, đòi hỏi vốn lớn, trong thời gian dài nhưng hiệu quả thấp so với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông khác (hàng không, đường bộ, đường biển).
Để thay đổi cơ bản tình trạng hiện nay, cần thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt.
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020 sẽ thực hiện nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài 1.726km hiện có để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 đến 90 km/h đối với tàu khách và 50 đến 60 km/h với tàu hàng.
Đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 đến dưới 200 km/h, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao 350km/h trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận