17/08/2024 11:45 GMT+7

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn

ÁI NHÂN
và 1 tác giả khác

Những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân đầu tư công luôn là "nỗi lo" của TP.HCM và năm nay cũng vậy. Chính vì thế, trong nhiều biện pháp để thay đổi tình hình, TP.HCM đã thực hiện việc tập trung phân cấp, ủy quyền đầu tư công để việc "chạy" nhanh hơn.

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn- Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tọa lạc tại số 64 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, TP Thủ Đức đang hoàn thiện - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc làm việc mới đây, TP.HCM thừa nhận kết quả giải ngân đầu tư công 7 tháng năm 2024 của TP chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Tỉ lệ giải ngân đạt hơn 15%, thấp hơn chỉ tiêu 6 tháng của TP (30%) và thấp hơn so với mặt bằng chung giải ngân của cả nước (32,2%)...

Chủ tịch UBND TP cũng cho hay TP.HCM sẽ tập trung các giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thành phố phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt 95%.

"Siêu ban" quá tải, xin chuyển bớt dự án

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (gọi tắt là Ban Dân dụng và Công nghiệp) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị điều chuyển hơn 20 dự án về cho các ban quản lý quận huyện, TP Thủ Đức.

Theo đó, năm 2024 Ban Dân dụng và Công nghiệp được UBND TP.HCM bố trí vốn cho 91 dự án (gồm 17 dự án chuyển tiếp và 74 dự án phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư) với tổng số vốn 3.791 tỉ đồng.

Tính đến ngày 10-7, đơn vị giải ngân được 498 tỉ đồng (đạt 13,4%). Trong khi theo kế hoạch, đơn vị cam kết giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 với 17 dự án chuyển tiếp (có tổng số vốn giao hơn 3.607 tỉ đồng).

Còn đối với 74 dự án thì khả năng ban chỉ khởi công được 38 dự án, còn lại 36 dự án phải chuyển qua năm 2025.

Ngoài việc tập trung giải ngân 17 dự án chuyển tiếp, đơn vị còn phải tập trung công tác chuẩn bị đầu tư hơn 15 dự án thuộc danh mục các công trình chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc (năm 2026).

Thông tin thêm, ban này là một trong bốn ban quản lý dự án lớn của TP.HCM (Đường sắt đô thị, Giao thông, Dân dụng và Công nghiệp, Hạ tầng đô thị), chiếm 60% vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp về đầu tư công gần đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã "sốt ruột" trước tỉ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng 2024 còn thấp (khoảng 13%). Đến tháng 7-2024, tỉ lệ này cũng tăng không đáng kể.

Một trong những nguyên nhân là tình trạng quá tải tại các siêu ban. Để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo về việc các ban quản lý dự án lớn rà soát, chuyển giao dự án về cho cấp quận huyện thực hiện.

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, cần phân cấp mạnh mẽ các dự án nhóm B,C về quận huyện, còn các siêu ban nên ưu tiên triển khai các dự án lớn, nhóm A trở lên. Trong ảnh: đường vành đai 3 (đoạn qua TP Thủ Đức) cần đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo giải ngân vốn - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chuyển dự án cho quận huyện là phù hợp

Trong số hơn 20 dự án Ban Dân dụng và Công nghiệp TP xin chuyển chủ đầu tư về cho ban quản lý dự án khu vực quận huyện thực hiện chủ yếu là dự án lĩnh vực y tế, giáo dục.

Điển hình như dự án xây dựng mới khối bệnh viện nhiệt đới và nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 2; cải tạo, mở rộng Bệnh viện Bình Tân; xây dựng mới và cải tạo Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, mở rộng Trường THPT Hùng Vương (quận 5); xây dựng, nâng cấp, cải tạo Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi); xây dựng mới Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trường - giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp TP - cho rằng các dự án mà ban kiến nghị chuyển chủ yếu vướng mắc về quy hoạch, môi trường.

Thẩm quyền điều chỉnh về quy hoạch đã được UBND TP ủy quyền về cho các quận huyện. Vì vậy các ban quản lý dự án quận huyện và TP Thủ Đức có nhiều thuận lợi trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch.

Ông Trường phân tích rằng thực tiễn trước đây có nhiều bệnh viện như Nhi đồng 1, Nhân dân Gia Định, Trưng Vương... đã từng làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công cho bệnh viện.

Từ đó, Ban Dân dụng và Công nghiệp có kiến nghị với Sở Kế hoạch - Đầu tư để tham mưu cho UBND TP về các dự án nhóm C đóng trên địa bàn quận huyện nào thì chuyển về cho ban quản lý dự án khu vực quận huyện đó. Và xu hướng sắp tới sở sẽ chuyển các dự án nhóm C cho quận huyện.

"Ban Dân dụng và Công nghiệp là ban chuyên ngành sẽ tập trung thực hiện các dự án nhóm A.

Các dự án còn lại chuyển cho quận huyện tương ứng thực hiện. Ví dụ, dự án của Bệnh viện Nhi đồng 2 thuộc Sở Y tế quản lý và do Ban Dân dụng và Công nghiệp thực hiện, nếu chuyển cho quận 1 thực hiện thì sẽ thuận lợi.

Và hiện nay ban cũng báo cáo Sở Y tế và trao đổi với lãnh đạo quận 1 về việc tiếp nhận dự án. Như vậy, việc chuyển dự án nhằm phân chia hợp lý nguồn lực, bảo đảm tiến độ giải ngân các dự án của thành phố được đẩy nhanh", ông Trường thông tin thêm.

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn- Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Các quận huyện sẵn sàng

Quận Bình Tân những năm gần đây thuộc tốp các địa phương dẫn đầu TP về tỉ lệ giải ngân đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2024-2025, quận Bình Tân được giao 10.231 tỉ đồng với tổng 101 dự án đầu tư công. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, quận Bình Tân đã giải ngân hơn 2.267 tỉ đồng, đạt 70,42% vốn kế hoạch năm 2024, vượt cao chỉ tiêu TP giao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho hay trong danh sách kiến nghị chuyển dự án về cho quận huyện thì có dự án cải tạo, mở rộng Bệnh viện quận Bình Tân và dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị y tế cho trạm y tế tuyến xã trên địa bàn quận.

Đối với dự án Bệnh viện quận Bình Tân thì sẽ điều chỉnh quy hoạch, mở rộng bệnh viện vì bệnh viện hiện quá tải. Quận sẽ nhận các dự án này để giao cho Ban quản lý dự án quận thực hiện. "Tôi nghĩ các dự án này phù hợp với khả năng và quận sẽ thực hiện thuận lợi thôi...", ông Nhựt nói.

Còn một lãnh đạo quận 1 cho hay quận được Ban Dân dụng và Công nghiệp đề nghị nhận 3 dự án. Quan điểm của quận 1 là sẽ tiếp nhận và thực hiện các dự án trên vì chính các dự án này sẽ giúp bộ mặt đô thị của quận và nhu cầu của người dân được hưởng lợi, cải thiện.

Cơ chế phân cấp, ủy quyền dự án cho cấp huyện đã thông

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn- Ảnh 4.

Dự án Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao ở số 2 Đinh Tiên Hoàng (sân vận động Hoa Lư) được Ban Dân dụng và Công nghiệp TP đề xuất điều chuyển về cho ban quản lý dự án quận - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Từ năm 2023 đến nay, TP.HCM đã ban hành nhiều quyết sách đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND quận huyện để tăng tính chủ động, thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Cụ thể:

Gần nhất vào ngày 13-8, UBND TP.HCM ban hành quyết định ủy quyền cho UBND các quận huyện phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500; phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (để phục vụ dự án đầu tư công) trên địa bàn TP. Thời hạn ủy quyền đến 31-12-2026.

Vào tháng 8-2023, UBND TP có quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Cơ chế ủy quyền này sẽ giúp địa phương rút ngắn thời gian phê duyệt đơn giá bồi thường từ 90 ngày xuống còn 45 ngày.

Tháng 4-2024, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho UBND quận huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 để phục vụ dự án đầu tư công, thời hạn ủy quyền đến hết năm 2026.

Trước khi điều chỉnh, địa phương phải rà soát và báo cáo bằng văn bản để UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, sau đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc có ý kiến chuyên môn.

Việc này giúp cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 thay vì phải thực hiện thủ tục trải qua các bước khảo sát, đánh giá, trình chấp thuận chủ trương, lấy ý kiến cộng đồng cư dân và trình duyệt... như trước.

Tháng 5-2024, UBND TP.HCM lại ban hành quyết định số 23 sửa đổi một số điều của quyết định số 19/2021 của UBND TP về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công ở TP.HCM.

Theo đó, quyết định 23 điều chỉnh theo hướng đối với các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực và các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công ngân sách TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan tham mưu chủ tịch UBND TP quyết định việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện để lập hồ sơ, trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đầu tháng 7-2024, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho quận huyện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các đồ án lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Phân cấp, ủy quyền là điều kiện tiên quyết

Việc các "siêu ban" quá tải không phải là câu chuyện mới tại TP.HCM vì cuối năm 2023 đã có ý kiến đề xuất cần lập thêm ban quản lý dự án giao thông trọng điểm để chia sẻ công việc với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông hiện hữu.

"Siêu ban" này kể từ khi thành lập đến nay đã được giao quản lý hơn 160 dự án và giám sát 8 dự án PPP. Trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C.

Bình luận thêm về việc phân cấp, ủy quyền trong giải ngân đầu tư công, TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng cần nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo dự án công do lãnh đạo UBND TP làm trưởng ban.

Ban này sẽ giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt từ các "siêu ban" dự án cho đến ban quản lý dự án khu vực quận huyện.

Tuy nhiên theo ông Thuận, giải pháp quan trọng vẫn là phân cấp ủy quyền mạnh đối với các dự án nhóm B, C cho các ban quản lý dự án khu vực quận huyện, TP Thủ Đức làm chủ đầu tư. Các "siêu ban" sẽ chỉ tập trung triển khai các dự án lớn, nhóm A trở lên.

"Việc phân cấp, ủy quyền là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Thực tế cho thấy những năm qua, khi Chính phủ phân cấp ủy quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án cao tốc đã đạt được những kết quả nổi bật", ông Thuận nói.

Ông Thuận chia sẻ thêm cần nghiên cứu triển khai dự án theo hình thức tổng thầu EC (thiết kế - thi công) hay EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp) để nhà thầu chủ lực làm thay cho Nhà nước.

Khi triển khai theo hình thức giao thầu này, tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về dự án. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước sẽ giảm được nhân lực, giảm trách nhiệm để tập trung nghiên cứu các dự án khác có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty luật TNHH AGL, cho rằng TP.HCM cần tập trung vào việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện trong thực hiện chương trình, dự án đầu tư công trên cơ sở vận dụng cơ chế từ nghị quyết 98 như TP đang làm.

Bên cạnh đó là cơ chế phối hợp, giao việc phù hợp để bảo đảm hiệu quả chung về tiến độ giải ngân, tiến độ dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ đang quản lý một dự án lớn ở phía Nam cho hay mô hình các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua triển khai rất hiệu quả, các địa phương cần nghiên cứu thêm.

Các dự án được điều phối linh hoạt, phù hợp với năng lực của các ban quản lý để đảm bảo triển khai đúng tiến độ.

Vì vậy, các dự án do bộ triển khai thời gian qua có tiến độ rất tốt dù công việc trải dài từ Bắc vào Nam. Năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân hơn 90.000 tỉ đồng. Có những ban quản lý dự án dù có hơn trăm cán bộ vẫn giải ngân hơn chục ngàn tỉ đồng.

"Việc phải phân cấp và đánh giá năng lực của từng siêu ban dự án là cần thiết. Tuy nhiên, dù mô hình nào đi chăng nữa, quan trọng nhất vẫn là con người. Trong đó, cán bộ quản lý dự án phải thật sự chuyên nghiệp, thiện chiến, nhiệt huyết và có trách nhiệm", vị này nói.

Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn - Ảnh 5.Từ việc trả lại 24 dự án đầu tư công: Giải pháp nào cho các siêu ban đang quá tải ở TP.HCM?

Các chuyên gia cho rằng cần tăng cường phân cấp các dự án về cho quận, huyện nhằm giảm tải cho các siêu ban hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên