Cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền dự án
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay đến tháng 9-2022, Hà Nội mới giải ngân vốn đầu tư công chưa được 50%, nhưng khi đó Thủ tướng có đoàn công tác trực tiếp làm việc, thì đến 31-1-2023 đã giải ngân được hơn 45.000 tỉ đồng (đạt 87,8%).
Về khó khăn, vướng mắc, Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy mạnh đầu tư công.
“Hiện có dự án thông được đầu này thì bị chặn ở các đầu khác, không đất đai thì cũng môi trường… Mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng “phải ngồi đôn đốc nhau” như thế này” - chủ tịch Hà Nội đề nghị.
Ông Thanh cũng đề nghị cần tháo gỡ việc đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư, bởi vấn đề này địa phương không thể tự quyết, “cứ tháo gỡ là sai luật”, nên mong muốn Thủ tướng tháo gỡ mới “giải thoát được câu chuyện bố trí vốn”.
Đồng tình với vấn đề chủ tịch Hà Nội nêu, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho hay nhiều thủ tục về rừng, chuyển đổi sử dụng đất lúa, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập nên tỉnh cũng đang kiến nghị sửa đổi.
Theo đó, ông Huy kiến nghị tất cả các dự án đầu tư công cho phép tách ra thành các tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ; cho phép ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá - vừa qua tỉnh đã ủy quyền rồi nhưng một số bộ ngành cho rằng không theo đúng luật.
Với tỉnh Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho hay việc giải ngân năm 2022 chỉ đạt 76,29% kế hoạch được giao (thấp hơn trung bình của cả nước) do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều.
Phải giao ban thường xuyên, đôn đốc nhắc nhở công việc để sớm hoàn thành
Cùng đó là những vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án thiếu chủ động, thiếu chặt chẽ.
Ông Long đặc biệt nhấn mạnh năng lực một số nhà đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án của địa phương còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh đã tập trung giải pháp như giao ban thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, đưa kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá xếp loại hằng năm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bộc bạch năm 2022 là một năm rất nhiều biến động đối với ngành y tế. "Thời điểm cuối tháng 7 khi tôi về nhận nhiệm vụ thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công lúc đó mới 5%, rất thấp và thấp nhất trong tất cả các bộ ngành, địa phương", bộ trưởng chia sẻ.
Do vậy, từng dự án vướng mắc đã được lãnh đạo bộ làm việc để tháo gỡ khó khăn.
Giải pháp là tăng cường trao đổi tích cực với các địa phương có dự án để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, từ tỉ lệ là 5% đã tăng lên 69,10%.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng tháo gỡ dự án tại các bệnh viện như Viện Pháp y tâm thần trung ương, nâng cấp Bệnh viện K...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận