28/06/2015 09:19 GMT+7

Đầu tư cho múa: vừa dư vừa thiếu!

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Những năm qua, gần như năm nào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng dư ngân sách đầu tư cho hoạt động sáng tạo, có năm dư đến trên 1 tỉ đồng. Trong khi đó, hoạt động sáng tác cũng như lý luận phê bình lại ì ạch, kém hiệu quả.

Kịch múa Khoảnh khắc bất tử được dựng năm 2014 từ nguồn tài trợ của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - Ảnh: Thanh Hoa
Kịch múa Khoảnh khắc bất tử được dựng năm 2014 từ nguồn tài trợ của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - Ảnh: Thanh Hoa

Đó là những thông tin đáng chú ý tại Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam lần thứ 6 vừa diễn ra ngày 26 và 27-6 ở Hà Nội.

Theo báo cáo thu chi tài chính nhiệm kỳ V (2010 - 2014) của hội, tiền đầu tư sáng tác được ngân sách nhà nước đầu tư trong năm năm lên đến trên 14 tỉ đồng.

Số tiền dư từ năm trước chuyển sang cộng với số tiền dư của năm năm qua là trên 3,7 tỉ đồng dù đã tổ chức nhiều hoạt động phụ trợ như hội nghị, hội thảo, trại sáng tác, lớp tập huấn, đi thực tế…

“Năm nào văn phòng cũng phải báo cáo tài chính xin chuyển số dư kinh phí tài trợ qua năm sau, gây khó khăn cho công tác kiểm toán, quyết toán” - NSND Lê Ngọc Cường, phó chủ tịch thường trực hội, khi trình bày báo cáo đã nhấn mạnh.

Tiền dư là vậy nhưng theo số liệu tổng hợp được đưa ra trong phiên tham luận tại đại hội, thực tế trong năm năm qua hội chỉ đầu tư được bốn tác phẩm lớn là Ngọn lửa Hà thành, Mệnh trời tình đất, Con đường từ trái tim Khoảnh khắc bất tử. Còn số lượt biên đạo múa (với các tác phẩm nhỏ) nhận hỗ trợ là 174 lượt.

Thật ra để có số lượt kha khá như thế, hầu như các biên đạo múa đều biết cách lựa vào những kỳ cuộc liên hoan, hội diễn, thi thố để kết hợp: vừa ký hợp đồng với một đơn vị nghệ thuật nào đó vừa xin hỗ trợ của hội.

Nếu không có tiền đầu tư của các đơn vị nghệ thuật (30 - 40 triệu đồng), khó hình dung các biên đạo sẽ có được tác phẩm chất lượng với số tiền được hội hỗ trợ “bèo bọt” và xa rời thực tế (một tác phẩm múa chất lượng cao dài chừng 5 - 7 phút được hội hỗ trợ 5 - 7 triệu đồng).

“Bèo bọt” hơn cả là các tác giả, nhóm tác giả thực hiện công trình nghệ thuật múa. Trong năm năm mà chỉ có năm tác giả được nhận hỗ trợ theo định mức… số trang viết.

Cụ thể theo quy chế chỉ tiêu hỗ trợ, nếu sản phẩm chữ viết dưới 200 trang A4 được hội đồng nghiệm thu, tác giả được nhận… 12 triệu đồng.

“Việc định giá công trình nghiên cứu, sưu tầm mà tính theo số trang “tổng kết” là không hữu ích, không khuyến khích được anh chị em nghiên cứu.

Theo tôi, đã đầu tư cho nghiên cứu phải đầu tư thật sự, cũng như không có các đoàn nghệ thuật đầu tư xây dựng tác phẩm, lấy đâu ra các tác phẩm chất lượng cao, giá rẻ.

Đây là cái bất hợp lý nhất trong bảng định mức hỗ trợ của quy chế chỉ tiêu hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình nghệ thuật múa cần phải được sửa đổi” - thạc sĩ Phạm Hùng Thoan, tổng biên tập tạp chí Nhịp Điệu, nhấn mạnh.

Về công tác lý luận phê bình, hội viên của lực lượng lý luận phê bình hiện chỉ có 14 người. Trong số ấy có đến 11 người đều ở tuổi “gần đất xa trời”, ba người được cho là trẻ thì có hai cũng đã ngoài 60. Lực lượng mỏng như thế, công tác nghiên cứu phê bình múa sẽ như thế nào là câu hỏi khó trả lời.

Tại đại hội, nhà nghiên cứu - phê bình múa Thái Phiên, phó tiểu ban lý luận Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, cho rằng sau cuốn sách Tuyển tập những bài viết về nghệ thuật múa - tập 1 đã khá dày dặn, nếu hội ra mắt tiếp tập 2 thì cuốn sách sẽ “nhạt nhẽo, vô vị và lãng phí”.

“Cách đầu tư, quan tâm của hội với công tác này dường như chỉ chú ý đến bề nổi, thành tích mà chưa chú ý đến thực chất và yêu cầu cấp thiết của lý luận phê bình. Hội có thể chi rất nhiều tiền để xuất bản các đầu sách nhưng tác dụng của nó với nghề, với xã hội thế nào chưa được tính toán kỹ” - nhà nghiên cứu Thái Phiên nói.

Quá ít gương mặt trẻ

Tại đại hội, 349 đại biểu chính thức đại diện cho 851 hội viên của 33 chi hội, khối hội viên trong cả nước đã bầu ra ban chấp hành mới gồm 17 người. NSND Chu Thúy Quỳnh tiếp tục được bầu là chủ tịch.

Mặc dù đa số ban chấp hành khóa V tái đắc cử và số đại biểu tuổi trên 60 vẫn chiếm đa số, song cũng... an ủi khi kỳ đại hội này bắt đầu lấp ló gương mặt trẻ như biên đạo Trần Ly Ly (sinh năm 1978), biên đạo Nguyễn Thị Tuyết Minh (sinh năm 1981).

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên