02/11/2019 10:12 GMT+7

Đầu tư cho giáo viên quá ít

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục ngoài công lập có sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. Thế nhưng, chưa hẳn chủ đầu tư nào cũng làm giáo dục bền vững, đúng nghĩa theo chiều sâu.

Đầu tư cho giáo viên quá ít - Ảnh 1.

Học sinh tặng hoa chúc mừng thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là những chia sẻ của TS Nguyễn Chí Hiếu - giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IEG. Theo ông Hiếu, không ít nhà đầu tư giáo dục đang thiếu những giá trị cốt lõi, mục tiêu giáo dục, đôi khi quá nặng mục tiêu tăng trưởng, kinh doanh mà "tạm chấp nhận" chất lượng giáo dục sụt giảm.

Hay người, dở ta

* Hiện ở Việt Nam có nhiều trường có danh xưng quốc tế. Ông đánh giá thế nào về danh xưng này, cách đầu tư giáo dục hiện nay?

- Thực sự hiện nay có nhiều trường, nhiều chủ đầu tư muốn làm trường theo chuẩn quốc tế nhưng bài toán nhân lực luôn là một đề bài đầy thử thách với bất cứ trường học nào, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nền giáo dục tiên tiến nhất cũng thế. Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, "nhập khẩu" giáo trình quốc tế, thuê người dạy, đầu tư dịch vụ phục vụ tốt chưa hẳn đã đủ để tạo ra những đột phá lâu dài về chất lượng giáo dục.

Điều quan trọng nhất của giáo dục là triết lý, mục tiêu muốn mỗi học sinh trong trường sẽ có năng lực, tính cách và giá trị gì sau 5, 10 năm học. Mọi quyết định khi đầu tư giáo dục nên xuất phát từ câu hỏi này. Đó mới là điều cơ bản, còn chương trình giáo dục Anh, Mỹ, Úc chỉ là công cụ theo sau để phục vụ cho triết lý, định hướng giáo dục tổng thể. Khi trả lời được rõ ràng câu hỏi này một cách hệ thống và cụ thể, chúng ta mới có thể tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, chương trình, hệ thống làm sao để hỗ trợ học sinh đạt được các mục tiêu đó.

Thực tế giáo dục thế giới có nhiều cái hay, và cái dở của không ít người làm giáo dục Việt Nam là thấy cái nào hay cứ gom về áp dụng cho mình. Khi thiếu nhận thức cốt lõi về bản chất giáo dục, thiếu mục tiêu định hướng tổng thể và lâu dài thì không phải điều tốt nào của thế giới đều phù hợp với điều kiện đặc thù của mình, và chưa chắc đã mang lại những giá trị như mong đợi cho học sinh của mình. 

Thời nay, không ít phụ huynh và nhà trường đang đồng hành, đào tạo và nuôi dạy học sinh theo kiểu "cái gì cũng muốn nhưng không thực sự biết mình muốn gì". Vì vậy, liên tục có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ giáo dục hay ho được "nhập khẩu" nhưng giá trị giáo dục thực tiễn mang lại không bao nhiêu.

“Tôi thấy không ít giáo viên lạm dụng, phụ thuộc công nghệ quá mức, nhiều khi lại gây ra tác hại không tốt cho trẻ. Những bé độ tuổi 5, 6 được cô cho sử dụng công nghệ quá nhiều, đôi khi 1-2 tiếng một ngày, sẽ bị ảnh hưởng về sự phát triển nhân cách và não bộ của trẻ. Thử làm phép liên tưởng, nhân sâm là tốt nhưng cho trẻ 5, 6 tuổi ăn quá nhiều mà không cân nhắc liều lượng đôi khi sẽ có tác dụng ngược, thậm chí có hại.


* Vậy theo ông, điều gì là cốt lõi, quan trọng nhất trong giáo dục?

- Tôi cho rằng giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất. Muốn dạy học sinh năng lực, phẩm chất gì thì giáo viên trước hết cần yêu nghề, hiểu rõ cái gì cần để phát triển năng lực học sinh, và cũng phải có những phẩm chất đó trong con người mình. Thực tế hiện nay của nhiều trường học là chúng ta chưa đảm bảo được năng lực giáo viên một cách nhất quán. Mỗi năm, có trường có thể chi vài tỉ đồng để quảng bá tuyển sinh nhưng chi cho bồi dưỡng, đào tạo giáo viên lại hạn chế. Giáo viên là trái tim của giáo dục. Đối với một nhà trường, giáo viên cũng chính là tài sản lớn nhất nhưng đôi khi lại được đầu tư đào tạo, phát triển ít và chậm.

Công nghệ không thể thay thế giáo viên

* Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên Việt Nam phải làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn khiến họ không còn thời gian đầu tư nâng cao chuyên môn, ông nghĩ sao?

- Ở bất kỳ nước nào, giáo viên cũng phải làm các công việc ngoài chuyên môn. Nhất là khi dịch vụ giáo dục ở khối tư thục được chú trọng, giáo viên ở các trường tư phải gánh nhiều việc hơn như công tác trao đổi, liên lạc với phụ huynh ngoài giờ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ở một số nước, lương giáo viên tạm ổn so với mức sống nên họ không phải hì hục "chạy sô" đi dạy thêm, lo kinh tế. Vì vậy, họ có thể có nhiều thời gian hơn để làm chuyên môn, đầu tư bài giảng, nâng cao năng lực giảng dạy và sáng tạo.

Ở Việt Nam, lương giáo viên khá thấp, thậm chí cả ở một số cơ sở tư thục, nên họ phải vừa dạy vừa bươn chải lo kinh tế. Giáo viên lo kinh tế quá nhiều sẽ còn rất ít thời gian và tâm trí trau chuốt chuyên môn, kỹ năng của mình. Từ đó mức độ sáng tạo, đột phá sẽ không được nhanh như những ngành nghề khác.

* Nhiều người cho rằng công nghệ có thể sẽ thay thế giáo viên. Quan niệm của ông thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho đó là một nhận định chưa tròn trịa, xác đáng. Công nghệ hỗ trợ cho giáo viên rất nhiều trong hoạt động giáo dục, tuy nhiên công nghệ khó có thể thay thế giáo viên được. Tương tác người với người, tạo ra giá trị yêu thương, xây dựng phẩm chất tính cách cho học sinh trong trường lớp, chỉ có giáo viên mới làm được tốt nhất. Máy móc là vật vô tri, khó có thể làm được - hoặc ít ra, đến thời điểm này là thế. 

Giáo viên có năng lực nhưng với cường độ công việc nhiều, quy mô lớp học tăng, họ cần công nghệ để hỗ trợ giải quyết vấn đề nhanh hơn. Dĩ nhiên, đó là họ đang làm chủ công nghệ chứ không phải bị công nghệ chi phối hay phụ thuộc, ỷ lại vào công nghệ để không nâng cao nghiệp vụ, năng lực giảng dạy. Do đó, trước khi đầu tư cho công nghệ, tôi vẫn tin chúng ta phải đầu tư cho năng lực của giáo viên trước để họ trở thành những giáo viên giỏi. Khi đó, công nghệ có nhập cuộc thì cũng sẽ hỗ trợ họ tốt hơn.

Khi mở cửa, hội nhập quốc tế, có những điều truyền thống vẫn còn giá trị hơn những cái mới, tuy không phải là tất cả. Khi du nhập những cái mới, công nghệ mới vào giáo dục, chúng ta cần phải tìm hiểu xem nó phù hợp như thế nào, mang lại những giá trị gì, không nên cứ thấy ngoài kia làm hay thì ngay lập tức mình đem về áp dụng.

Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc

TTO - Nhà trường, mà đặc biệt là người hiệu trưởng, có thể làm gì để giáo viên hạnh phúc?

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên