Theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tăng đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học từ 0,23% lên ít nhất 0,8 - 1% GDP trước năm 2030.
"Điểm nghẽn lớn nhất"
Tại hội thảo, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định trong giai đoạn vừa qua, giáo dục đại học đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng, nhất là từ khi triển khai tự chủ đại học theo nghị quyết 77 của Chính phủ và Luật số 34.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vừa qua cũng đã vô hình trung tạo ra một quan niệm khá phổ biến. Đó là việc đẩy mạnh tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học công lập có khả năng gia tăng nguồn thu từ xã hội, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo mà không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Thực tế, việc đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính theo quan niệm tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư đã tạo ra một sự mất cân đối lớn về cơ cấu lĩnh vực và trình độ đào tạo.
Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao ở nhiều lĩnh vực then chốt, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ.
Việc các cơ sở giáo dục đại học phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế.
"Tự chủ đại học đã phát huy hiệu quả nhưng đã đến giới hạn. Giáo dục đại học sẽ chưa thể có bước chuyển biến mạnh nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính đột phá. Đó chính là cái bẫy chất lượng trung bình của giáo dục đại học - một trong những điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của giáo dục đại học" - ông Sơn nhấn mạnh.
GS.TS Lê Anh Vinh - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - cũng cho rằng hiện có "ba vấn đề lớn về tài chính mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt là thiếu kinh phí; bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính".
Ông Vinh cũng nêu ba thách thức lớn về tài chính trong giáo dục đại học hiện nay là các trường đại học thiếu kinh phí trầm trọng; mức học phí cho các trường công rất thấp; và các nguồn thu khác từ dịch vụ, dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp.
Luôn ở mức thấp
Một báo cáo phân tích về tài chính của giáo dục đại học tại Việt Nam của nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được công bố tại hội thảo về tự chủ đại học tổ chức ở TP.HCM tháng 4-2023, trong đó đề cập sâu về vấn đề chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này.
Theo đó, nhóm chuyên gia này đưa ra khuyến nghị: "Ngân sách cần đầu tư, chi tiêu thêm cho các cơ sở giáo dục công lập ít nhất 300 triệu USD (0,05% GDP) cho tới 600 triệu USD mỗi năm (0,16% GDP).
Giả định 80% sinh viên tuyển mới để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ theo học các cơ sở giáo dục đại học công lập, với cấu trúc chia sẻ chi phí như hiện nay".
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2017, phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chiếm tỉ lệ khoảng 5% GDP, và 17 - 19% tổng chi tiêu công.
Tuy vậy, trong toàn ngành giáo dục đào tạo nói chung, tỉ trọng ngân sách chi tiêu công phân bổ cho giáo dục đại học (0,23% GDP, 0,9% tổng chi tiêu công và 4,9% tổng chi tiêu công cho giáo dục) luôn ở mức thấp nhất.
5 đề xuất về tài chính
Dựa trên các phân tích hệ thống giáo dục, phân tích, dự báo về phát triển kinh tế, và phân tích chi phí - lợi ích, nhóm chuyên gia WB đưa ra năm đề xuất chính với tài chính giáo dục đại học:
Thứ nhất, Việt Nam cần điều chỉnh luật, quy định, chính sách liên quan tới tự chủ tài chính và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học và tránh đồng nhất tự chủ tài chính với tự lực cánh sinh về tài chính (financial self-reliance), hay hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai, để đảm bảo chất và lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng, Việt Nam cần tăng đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học từ 0,23% lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030; với hai mục đích sử dụng chính: hỗ trợ thường xuyên, ổn định cho các cơ sở giáo dục đại học công lập; hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cải cách hệ thống tín dụng sinh viên.
Thứ ba, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho R&D tại các trường đại học, tương xứng với tỉ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu - mức đề xuất là nâng từ 13% - 18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả của ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học thông qua cải cách về cơ chế phân bổ, trách nhiệm giải trình, và đơn giản hóa quy trình thủ tục song song với tăng cường hỗ trợ tài chính.
Thứ năm, huy động nguồn lực bổ sung từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân thông qua đối tác công tư (PPP) và đa dạng hóa nguồn thu, với ba giải pháp chính gồm cập nhật hệ thống chính sách cho mô hình PPP trong giáo dục, nâng cao năng lực thể chế, gỡ bỏ rào cản liên quan tới tiếp cận các nguồn tín dụng trong và ngoài ngân sách.
3 lĩnh vực ưu tiên
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, cải cách tài chính cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên sau: tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống ĐH, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; tự chủ tài chính cho các trường ĐH;
thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh: hỗ trợ trực tiếp cho từng trường, hỗ trợ thông qua học bổng và tín dụng sinh viên và hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận