Sáng cùng ngày, làm việc tại Trường đại học Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng thu hút đào tạo ngoài công lập, thu hút nhân tài là vấn đề then chốt phát triển giáo dục.
Nhiều kiến nghị
Bà H'Yim Kđoh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết toàn ngành có gần 36.200 người nhưng số có biên chế khoảng 31.600 người. Số trường học đã tăng từ 912 năm học 2010-2011 lên 1.016 trường năm học
2021-2022 với tổng số học sinh hơn 477.000 em, trong đó đáng ghi nhận học sinh dân tộc thiểu số là hơn 36%.
Theo bà H'Yim Kđoh, việc đầu tư cho giáo dục công lập gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế. Vậy nên, tỉnh đã chủ trương ngoài nâng cao chất lượng chuyên môn, cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục công lập thì các cơ sở ngoài công lập được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 88 trường học ngoài công lập, chất lượng chuyên môn, cơ sở vật chất những nơi này khá tốt, có những trường rất tốt.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển giáo dục trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc. "Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tăng cường thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít" - bà H'Yim Kđoh nói.
Tập trung chương trình phổ thông 2018
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng phát triển giáo dục là câu chuyện phải kể rất dài, không thể ngày một ngày hai. Đắk Lắk có địa bàn rộng, phân tán và chia cắt, tỉ lệ người đồng bào dân tộc lớn, nguồn thu thấp, trách nhiệm là địa phương trung tâm vùng lại rất nặng nề. Để mỗi thôn buôn có một cơ sở giáo dục mầm non là nỗ lực hết sức đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đắk Lắk tập trung chương trình phổ thông 2018 đã đi vào giai đoạn quan trọng. Thời điểm năm 2023-2024 là giai đoạn cao điểm để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Tỉnh đóng vai trò triển khai, thực hiện trên phương diện cơ sở vật chất trường lớp, các môn học mới. Trong năm học này, mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh có thể tập trung nguồn lực cao hơn cho thực hiện chương trình này" - ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị.
Theo ông Sơn, cần chú trọng đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Việc này giúp việc đào tạo học sinh các điểm trường vùng sâu vùng xa thuận lợi, hiệu quả hơn.
"Hướng tới đây là sẽ đưa Trường cao đẳng Sư phạm về Trường đại họcTây Nguyên để tăng tính hiệu quả đào tạo các ngành sư phạm cho địa phương, vùng" - ông Sơn thông tin.
Hướng đến phát triển nông nghiệp Tây Nguyên
Làm việc với Trường đại học Tây Nguyên, TS Nguyễn Thanh Trúc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết đơn vị có nhiều thuận lợi với khuôn viên rộng hơn 40ha, tổng số sinh viên hơn 8.600 em. Trường nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên nên có nhiều thuận lợi để trở thành trường đa ngành, mang tầm khu vực. Trước mắt, ông Trúc đề nghị thành lập các trường thành viên đối với các khối ngành nông lâm, y dược, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần xây dựng đề án Trường đại học Tây Nguyên thành Đại học đa ngành. "Đây là nhiệm vụ bộ giao cho trường để phục vụ nhu cầu phát triển của vùng. Trường phải tính đến nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, hướng đến phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Việc phát triển các ứng dụng công nghệ sinh học, gene, các giống cây trồng mới là hướng đi cần thiết khi Tây Nguyên đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững" - ông Sơn nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận