Tại các trung tâm và các lớp dạy thêm, hình ảnh những ông bố bà mẹ đứng ngồi hàng giờ đợi các con đến tối muộn đã trở nên quen thuộc.
'Đầu tư' vào các lớp học thêm
"Có phải cứ suốt ngày chở con đi học thêm, tối con lại học đến thật khuya thì sau này con sẽ tốt?", chị P.T.T., ngụ tại quận Gò Vấp (TP.HCM), đã nhiều lần trăn trở.
Năm nay con chị học lớp 12. Trong tuần ngày nào con cũng học hai buổi, trừ buổi chiều thứ ba và thứ tư. Buổi tối con học thêm tới 5 buổi. Giờ không thi đại học kiểu ba môn như ngày xưa mà thi đánh giá năng lực, xét điểm tổng kết các kỳ trong năm học cấp III, điểm thi tốt nghiệp... nên học sinh cần phải học đều. Vì lẽ đó, con chị cũng học thêm đủ các môn như toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa vào các buổi tối.
Không chỉ con mệt vì gần như suốt ngày học, chị đưa đón con cũng mệt phờ... Chị từng băn khoăn "đầu tư cho con như vậy liệu có thật sự tốt không?". Nhưng rồi chị lại nghĩ cả xã hội giờ đều cho con học thêm như vậy...
Trong cuộc chạy đua về "điểm cao, trường tốt" này, nhiều bé mới học lớp 4, lớp 5 nhưng ba mẹ đã cho con đi học thêm buổi tối, tối về lại học đến tận 11h - 12h đêm. Đứa trẻ còn chưa hiểu học để làm gì nhưng luôn được đưa đến hết lớp học này đến lớp học khác. Nhiều trẻ trong tình trạng mơ màng, buồn ngủ.
Khác với suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh hiện nay, chị N.T.N., 46 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho rằng một đứa trẻ cần được "đầu tư" để phát triển về thể chất tốt, tiếp sau đó mới là học tập.
Chị luôn nói với các con chị "sức khỏe là số 1, học tập chỉ là số 2". Theo chị, muốn làm bất cứ việc gì, trước hết trẻ phải khỏe mạnh. Để được vậy, trẻ phải ăn tốt, ngủ đủ, có giờ tập luyện thể dục thể thao.
Nhiều gia đình luôn cho các con học từ sáng sớm đến tối khuya, cả ngày học vậy liệu trẻ có đủ sức để tiếp thu? Trong khi lại quên đi đây là khoảng "thời gian vàng" để trẻ phát triển chiều cao, thể chất.
Tạo động lực thích học ở con
Gia đình chị N. có điều kiện kinh tế tốt nên khi chọn trường cho con, chị chú trọng đến ngôi trường nào dành nhiều tiết học cho học sinh chơi thể thao. Con trai chị N. gần 10 tuổi. Tại trường, con được học hai môn thể thao là bơi lội và bóng rổ. Ở trường con chị học, các con không phải học quá nhiều kiến thức nặng nề mà chủ yếu tạo thói quen đọc sách cho con.
Theo chị N., kiến thức hiện nay "mênh mông, rộng lớn", nếu chỉ học những kiến thức trong nhà trường thì khó đáp ứng được công việc sau này, còn nếu con có khả năng đọc sách, tự học thì con sẽ khám phá được tất cả những kiến thức mà con muốn.
Còn chị N.T.L., 34 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, cho rằng một đứa trẻ cần được giáo dục toàn diện trong lao động, thể thao, học tập và nghệ thuật. Chị L. đã lập một kế hoạch thai giáo và sau khi con ra đời, chị cũng rất chú trọng đến việc phát triển thể chất cho con.
Chị đã cho con gái theo học múa từ lúc 4 tuổi đến nay. 6 tuổi con học bơi. Đến nay, con chị vẫn duy trì học múa tuần hai buổi và đi bơi tuần hai - ba buổi. Những ngày còn lại con được tập thể dục trên trường. Môn nghệ thuật chị cho con học là piano. Riêng tiếng Anh, chị nói chuyện với con từ nhỏ...
Chị L. cũng cho rằng về học tập, các bậc cha mẹ nên khơi gợi động lực muốn học ở trẻ. Được vậy, trẻ mới luôn cố gắng chứ không phải ba mẹ cứ chở con đi học thêm suốt. Những cái con có được đều là sự cố gắng của con. Ngay cả những môn con thích được đi học như đàn piano, con cũng đã phải rửa chén 100 lần trước đó. Nhờ vậy, khi được đi học, con thấy mình may mắn, yêu thích và rất cố gắng trong học tập.
Ngoài học tập, tham gia múa, bơi, học đàn piano, con chị L. vẫn làm việc nhà giúp mẹ. Năm nay bé 9 tuổi nhưng biết nấu ăn, rửa chén, lau nhà và nhận nhiệm vụ đổ rác mỗi ngày.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều gia đình quá chú trọng vào việc học hỏi các kiến thức vì nghĩ trẻ có nhiều kiến thức sẽ phát triển tốt. Đúng là trẻ có nhiều kiến thức sẽ giúp trẻ nhận thức và thay đổi, nhưng đó chỉ là một phần trong cuộc sống của trẻ.
Theo ông Điệp, ngoài việc học tập kiến thức, trẻ cần được phát triển các kỹ năng xã hội. Mà muốn có được các kỹ năng này trẻ phải được trải nghiệm, chứ không thể chỉ "ngồi học" các kỹ năng. Trẻ phải có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đồng hành, thấu cảm với cuộc sống xung quanh...
Trò chơi dân gian rất tốt cho trẻ
TS Ngô Xuân Điệp cho rằng trẻ sẽ học được nhiều các kỹ năng này qua chơi các trò chơi dân gian như nhảy dây, trồng nụ trồng hoa, bịt mắt bắt dê... Tuy nhiên, hiện nay trẻ em rất hiếm có cơ hội tham gia những trò chơi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận