Bà Nguyễn Ngọc Trâm, trưởng phòng nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, đã có buổi trao đổi cụ thể xung quanh vấn đề này.
|
* Bà nhận định thế nào về quan điểm giai đoạn hiện tại đang là cơ hội tốt dành cho các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài tại thị trường Việt Nam?
- Bà Nguyễn Ngọc Trâm: Chưa thể khẳng định đây có phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào thị trường bất động sản hay không vì theo tôi, việc đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức cũng như sự am hiểu thị trường của mỗi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện nhiều cơ hội cho việc đầu tư phát triển bất động sản. Đã có một số thay đổi tích cực đối với cơ cấu pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán sáp nhập, nhờ đó thu hút được nhiều chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, cũng như chính sách cho phép người nước ngoài mua và sở hữu tài sản nhà ở tại Việt Nam.
Các quyền của người nước ngoài đối với tài sản cũng tương tự quyền của người dân trong nước, đó là tài sản có thể được cho thuê, bán, thừa kế và thế chấp cho vay.
Bên cạnh đó, thời gian sở hữu sẽ là 50 năm và sau đó có thể gia hạn thêm 50 năm nữa, có thể so sánh được với các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Môi trường chính trị an toàn, cùng với tăng trưởng kinh tế ổn định là những lợi thế của thị trường Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài có thể cân nhắc và xem xét Việt Nam như một thị trường mới để đầu tư.
* Xin bà cho biết đầu tư từ nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam có tăng lên không kể từ thời điểm chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản tại Việt Nam có hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái?
- Từ thời điểm chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chính thức có hiệu lực, số lượng yêu cầu tìm hiểu thông tin mua căn hộ cũng như các giao dịch từ khách mua nước ngoài đã tăng lên đáng kể.
Gần đây, JLL đã thực hiện một chiến dịch quảng bá quốc tế về các dự án nhà ở tại Việt Nam và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hong Kong và Nhật Bản.
Một số chủ đầu tư tại TP.HCM cho biết rất nhiều khách mua nước ngoài tích cực quan tâm đến dự án của họ nhưng không còn lượng căn hộ dành cho khách mua nước ngoài vì có sự giới hạn nhất định về tỉ lệ người nước ngoài sở hữu bất động sản trên từng dự án. Số lượng khách mua nước ngoài đã đạt đến hơn 1.000 căn hộ, so với con số vài trăm trước khi chính sách mới được ban hành.
* Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố chủ chốt cho sự phát triển hiện nay. Theo bà, phân khúc bất động sản nào đang hoạt động sôi nổi nhất trong thời điểm hiện tại, cả về phía đầu tư và phát triển dự án?
- Những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Các nhà đầu tư trong nước ưu tiên vào việc mua đất phát triển dự án.
Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét. Tuy nhiên, tôi cho rằng phân khúc nhà ở và văn phòng sẽ gây được nhiều sự chú ý nhất với nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP.HCM và Hà Nội.
* Ngoài Hà Nội và TP.HCM, còn khu vực nào khác tại Việt Nam mà bà nhận thấy có tiềm năng, cụ thể là đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch?
- Hiện nay phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng thu hút rất nhiều sự quan tâm và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Nhìn chung phân khúc nghỉ dưỡng tại thị trường Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các quốc gia khác trong khu vực; vì vậy nhà đầu tư và khách mua nhà có thể thấy được tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Về mặt vị trí, tôi tin rằng Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng là những thành phố có tiềm năng thu hút được nhiều khách nước ngoài, vì đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng với du khách quốc tế với những bãi biển xinh đẹp và rất nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn trải dài đường ven biển.
* Thách thức chính mà thị trường bất động sản Việt Nam phải đối mặt trong thời điểm hiện tại là gì? Bà có dự báo như thế nào về thị trường trong ngắn hạn và trung hạn?
- Việt Nam đã tiến được rất xa trong vòng 5-10 năm trở lại đây. Nhìn chung phản hồi từ các nhà đầu tư vẫn không thay đổi.
Thiếu tính minh bạch, quan liêu, tham nhũng, hệ thống pháp lý thiếu hiệu quả, nhiều vấn đề liên quan đến tiền đền bù và giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất và quá trình thương thảo với các đối tác trong nước là những thách thức phổ biến mà hiện tại họ đang phải thường xuyên đối mặt.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội để vượt qua những thách thức này và chúng tôi hi vọng sắp tới môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.
Như tôi đã đề cập, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong vòng 2-3 năm tới cả về cung và cầu đối với thị trường nhà ở, văn phòng và khách sạn nghỉ dưỡng. Giá bán của phân khúc nhà ở được dự báo sẽ tăng khoảng 1-2% mỗi quý.
Đối với phân khúc văn phòng cao cấp, mức giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ 5-10% trong những quý tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận