Cụm nhà Công tử Bạc Liêu trên đường Điện Biên Phủ có kiến trúc Pháp rất độc đáo - Ảnh: TRẦN NGUYÊN
Di sản ăn ở cư trú của người Việt - nhất là của giới thượng lưu - còn lại không nhiều. Phía Bắc hầu như không còn, ở miền Trung nhiều hơn, còn ở Nam Bộ thì rất hiếm. Nhà Công tử Bạc Liêu vì vậy rất quý
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
Thương hiệu Công tử Bạc Liêu: thuê 1 tỉ đồng/năm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích khu đất tỉnh quy hoạch khu du lịch Công tử Bạc Liêu là 20.176m2, chia làm hai khu A và B.
Khu A (diện tích 6.552m2, khu có cụm nhà Công tử Bạc Liêu hiện hữu) do Nhà nước quản lý. Văn phòng Tỉnh ủy đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ và du lịch Cẩm Quyên thuê lại để khai thác theo hợp đồng cho thuê "thương hiệu" từ ngày 31-5-2013 với giá thuê 1 tỉ đồng/năm, sau 5 năm sẽ điều chỉnh phù hợp thực tế.
Còn khu B là đất hỗn hợp với chi phí giải phóng mặt bằng dự trù khoảng 50 tỉ đồng. Hiện Công ty Cẩm Quyên đang quản lý, khai thác khu A, chủ yếu khai thác tham quan nhà công tử, dịch vụ giải khát, ăn nhẹ và một phần kinh doanh phòng nghỉ tại nhà Huyện Sổn, riêng khu B vẫn chưa được triển khai đầu tư.
Trong quy hoạch hiện tại, cả hai khu là khu trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có văn bản đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu cho ý kiến điều chỉnh khu A thành khu văn hóa đa năng ngoài công lập và khu B là khu bảo tồn kiến trúc cổ của Pháp, xây mới một số công trình dịch vụ, du lịch...
Nói về dự án này, bà Lê Thị Ái Nam - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu - cho biết: "Tập đoàn Nguyễn Hoàng dự kiến đầu tư khoảng 600 tỉ đồng vào khu A và B.
Trong đó khu B sẽ được đầu tư một khách sạn 4 - 5 sao phục vụ du khách và tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế. Năm 2018, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc di dời, đền bù giải tỏa và khởi động dự án".
GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH:
Đừng biến nhà thành hiện vật trưng bày!
Nhà Công tử Bạc Liêu quý giá ở chỗ: là một di tích - di sản tuy muộn màng nhưng lại nói lên một điều rằng cư dân Nam Bộ đầu thế kỷ 20, trong điều kiện tại chỗ, những người có điều kiện phong lưu đã tạo ra những chốn cư trú, ăn ở vừa mang bản sắc Việt, vừa có ảnh hưởng của người Hoa, lại vừa có ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Sự hòa quyện cộng sinh của ba dòng văn hóa ấy hình thành trên cái cốt Nam Bộ, đã tạo nên một mô hình sống thể hiện và đọng lại rất rõ trên hình thể vật chất kiến trúc.
Chúng ta phải bảo tồn không chỉ di tích và văn hóa bình dân, mà phải bảo tồn di sản của văn hóa giới thượng lưu. Ở đây, nhà Công tử Bạc Liêu từng tồn tại trong môi trường của nó, đó là khung cảnh bờ sông, trong một cấu trúc đô thị rất sơ khởi.
Trong hai lần đến đây, tôi đã rất ngạc nhiên vì nhà Công tử Bạc Liêu bị vây quanh bởi những công trình dịch vụ tạm bợ, chỉ để thực hiện nhiệm vụ "vắt chanh" tối đa cái di sản.
Bây giờ, tôi lại được nghe nói có việc quy hoạch những dự án không những không có xu hướng trả lại môi trường văn hóa - lịch sử từng có, mà còn chất tải thêm ở đấy những công trình mới, hoàn toàn lấn át cái hạt nhân nhỏ nhoi tương đối ấy…
Với phương án này, nhà Công tử Bạc Liêu trở thành hiện vật trưng bày. Nhưng cái nhà không phải là hiện vật trưng bày, không nên là hiện vật trưng bày, chỉ có đồ đạc trong nhà mới là hiện vật trưng bày.
Theo ý tôi, nếu muốn giới thiệu, quảng bá, bảo tồn một nơi trú ngụ của một gia đình có đẳng cấp, nổi tiếng của xã hội Việt Nam giai đoạn nền kinh tế tư bản bắt đầu phát triển ở phía Nam, chúng ta nên giải tỏa những công trình lân cận để biến thành một công viên văn hóa trên nền tảng giữ gìn môi cảnh tại chỗ như bờ sông, vườn cây… Còn tất cả những công trình khác cần có khoảng cách nhất định.
Cần giữ được hồn cốt
Bà Cao Xuân Thu Vân, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết dù có đầu tư theo phương án nào thì vẫn phải bảo tồn hai khu nhà Công tử Bạc Liêu hiện hữu.
Theo thông tin do Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bạc Liêu cung cấp, dự án 162 tỉ đồng này tập trung vào việc khôi phục, tái tạo các giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa lịch sử gắn với con người cũng như các giai thoại về Công tử Bạc Liêu và gia đình của ông.
Cụ thể: sẽ bảo tồn, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo và kết hợp đầu tư khai thác cụm nhà Công tử Bạc Liêu theo các quy định về bảo tồn kiến trúc cổ, trưng bày các hiện vật, di tích lịch sử và tái hiện nhân vật lịch sử Công tử Bạc Liêu...
Ngoài ra, sẽ có khu trưng bày tượng sáp, khu biểu diễn nghệ thuật sân khấu, khu thư viện phục vụ cộng đồng.
Trong đó đặc biệt là khu trưng bày tượng sáp sẽ tái hiện hình ảnh của những nhân vật đã để lại dấu ấn trong giai thoại cuộc đời Công tử Bạc Liêu như Bạch công tử Lê Công Phước (thường gọi là George Phước), các cô đào Ba Trà, nghệ sĩ Phùng Há... và một số danh nhân nổi tiếng tại Bạc Liêu thời bấy giờ.
Soạn giả Nhâm Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa tại ĐBSCL - cho rằng những chi tiết như màu sơn, kiến trúc, nội thất, hiện vật... của khu nhà này đều là những thứ cần phải giữ nguyên.
Ông Hùng cũng cho rằng điểm du lịch Công tử Bạc Liêu hiện tại khá đơn điệu, vì vậy việc giao cho nhà đầu tư để phát huy là cần thiết, tuy nhiên phải giữ cái cốt lõi, bảo tồn được những giá trị gốc của khu nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận