27/05/2018 11:16 GMT+7

Đau tim với thượng đỉnh Mỹ - Triều

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trở nên sáng sủa vào cuối ngày 25-5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo “đang có các cuộc nói chuyện hiệu quả” với Triều Tiên về việc hồi sinh cuộc gặp ngày 12-6 tại Singapore.

Đau tim với thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) ôm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc gặp bí mật ngày 26-5 tại Bàn Môn Điếm - Ảnh: Reuters

Tạp chí Politico của Mỹ tiết lộ một nhóm tiền trạm gồm 30 quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị tới Singapore ngay trong tuần này hoặc đầu tuần sau. 

Nhiệm vụ của nhóm này là nghiên cứu và thảo luận về chương trình nghị sự cho cuộc gặp của ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bên cạnh công tác hậu cần cho thượng đỉnh. 

Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joseph Hagin, phó cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel nằm trong đoàn tiền trạm, theo Hãng tin Reuters.

Ai cứu vãn?

Viết trên Twitter cá nhân ngày 25-5 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tiết lộ: "Chúng tôi đang có các cuộc nói chuyện rất hiệu quả về việc khôi phục hội nghị thượng đỉnh. Nếu hội nghị diễn ra, nó vẫn sẽ ở Singapore, vào ngày từ trước tới nay đã định, 12-6 và nếu cần thiết sẽ kéo dài tới cả sau ngày đó".

Ông Trump, người trong vòng 48 tiếng trước đó gửi thư tuyên bố hủy cuộc gặp với ông Kim vì "sự giận dữ và thái độ thù địch" của Triều Tiên, đã chào đón một phản hồi mang tính hòa giải từ Bình Nhưỡng ngày 25-5, trong đó nói rằng Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng cho các cuộc đàm phán với Mỹ.

"Họ đã đưa ra một tuyên bố rất hay... Chúng ta sẽ sớm thấy chuyện gì xảy ra, có thể vẫn sẽ là ngày 12-6" - ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

"Giờ chúng tôi đang nói chuyện với Triều Tiên. Họ rõ ràng rất muốn hội nghị thượng đỉnh này" - nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.

Đau tim với thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tường thuật về các diễn biến xoay quanh thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh chụp màn hình

Từ Hàn Quốc, một người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết Seoul tràn đầy sự lạc quan và hi vọng rằng các cuộc đối thoại Mỹ - Triều vẫn sẽ tiếp diễn.

Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này: ai mới là người cứu vãn cuộc gặp và ai là thủ phạm đẩy hội nghị suýt đến bờ vực phá sản?

Là ông Trump với chiến lược gây áp lực tối đa và đòi hỏi Triều Tiên chuyển kho vũ khí hạt nhân sang Mỹ như tờ Asahi nói? 

Hay là ông Kim Jong Un với mối quan hệ đổi chiều và ấm lên một cách nhanh chóng với Trung Quốc chỉ trong vòng 2-3 tháng đầu 2018?

Ngoại giao vào cuộc

Rõ ràng việc hồi sinh cuộc gặp có lợi cho cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Ở Mỹ, Tổng thống Trump tránh được chuyện bị nói là quá sa đà vào cuộc gặp với Triều Tiên, xóa đi hình ảnh ông mong muốn hội nghị thượng đỉnh hơn là ông Kim Jong Un muốn.

Nói như một số chuyên gia, việc Triều Tiên gửi tuyên bố mang tính hòa giải, nhấn mạnh "sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Mỹ vào bất kỳ lúc nào, bằng bất kỳ hình thức nào" có thể đã nằm trong tính toán của nhà lãnh đạo Mỹ.

Ngược lại, ở Triều Tiên, bộ máy tuyên truyền của nước này cũng có đất dụng võ. Tuyên bố phản hồi Mỹ sáng 25-5 của Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan có thể nói là "dĩ hòa vi quý", có lợi cho cả đôi bên. 

Trong khi bày tỏ sự tiếc nuối vì quyết định hủy cuộc gặp của ông Trump, Bình Nhưỡng lại nói một câu thế này: "Triều Tiên hi vọng cái được gọi là ‘công thức Trump’ sẽ giúp hai bên xóa được những lo lắng và đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi". 

Đây rõ ràng là một cuộc mặc cả, chỉ tiếc người ta lại không rõ các yêu cầu của Bình Nhưỡng là gì.

Chi tiết nhỏ ấy hẳn nhiên sẽ không được truyền thông nhà nước Triều Tiên chú ý đến nhiều. Họ chắc chắn sẽ tập trung vào việc Bình Nhưỡng tuyên bố cho Mỹ "thời gian, cơ hội để cân nhắc lại" và ngay sau đó Washington đã thay đổi thái độ. 

Tuy nhiên, nói như một nhà bình luận quốc tế, câu chuyện tuyên truyền thì ở đâu cũng vậy, nhưng việc Mỹ và Triều Tiên xoay trước xoay sau "thật khiến người ta có cảm giác như đang trong một ván bài xì tố".

Hàn Quốc vào cuộc cứu thượng đỉnh Mỹ - Triều

TTO - Được xem là quốc gia đóng vai trò cầu nối cho cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi suốt thời gian qua, Hàn Quốc đã tỏ ra nóng ruột khi ông Trump tuyên bố không gặp ngày 12-6.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên