07/05/2017 10:08 GMT+7

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Tư liệu mới của thế giới

THÁI LỘC -
THÁI BÁ DŨNG
THÁI LỘC -
THÁI BÁ DŨNG

​TTO - Phát hiện di tích tại An Khê đã chứng minh thuở hồng hoang loài người ở phương Đông không hề lạc hậu so với phương Tây.

Nhà nghiên cứu thiên thạch Ben Marwick (Úc) và nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh xem xét mẫu thiên thạch bất ngờ nhặt được từ hố đào Gò Đá, An Khê - Ảnh: THÁI LỘC
Nhà nghiên cứu thiên thạch Ben Marwick (Úc) và nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh xem xét mẫu thiên thạch bất ngờ nhặt được từ hố đào Gò Đá, An Khê - Ảnh: THÁI LỘC

Phát hiện chấn động - chữ dùng của các nhà khoa học quốc tế nói về phát hiện khảo cổ ở An Khê - lần này với tôi là một sự may mắn bậc nhất trong cuộc đời. Vì không ai ngờ được rằng những phát hiện ở đây lại vẹn toàn và sớm được đến mức như thế. Những tư liệu đang nghiên cứu ở An Khê sẽ là một phần chương đầu của bộ quốc sử nước nhà.

PGS.TS NGUYỄN KHẮC SỬ

800.000 năm nguyên vẹn trong lòng đất

Những ngày đầu tháng 11-2016, dù dưới cơn mưa lất phất se lạnh nhưng thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai bỗng rộn ràng với sự xuất hiện của hàng chục nhà khoa học quốc tế. Họ cùng háo hức đến hiện trường sau phiên thảo luận tại hội thảo quốc tế về thời đại đá cũ An Khê diễn ra tại TP Pleiku.

Băng qua những con đường bùn lầy nhão nhoẹt, các nhà khoa học đã chứng thực các công cụ nằm trong những mái taluy do máy ủi bạt đất trước đó.

Say sưa nhất có thể nói là GS Tạ Quang Mậu (Xie Guangmao), Viện Nghiên cứu văn vật và khảo cổ học Quảng Tây, được xem là chuyên gia khảo cổ đầu ngành và gắn bó suốt hơn 30 năm với công cuộc nghiên cứu tại di tích đá cũ trên dưới 800.000 năm ở Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc.

Trong trạng thái rưng rưng xúc động, ông như phát hiện điều gì và diễn giải với các chuyên gia khác về lớp văn hóa nguyên vẹn đang được chứng kiến tận mắt.

Sự xúc động của GS Mậu không nằm ngoài dự đoán, vì từ trước đến nay ở Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực châu Á, các nhà khoa học tìm thấy khá nhiều hiện vật thuộc giai đoạn sơ kỳ đá cũ, song hầu hết sưu tập hiện vật trong trạng thái nhặt nhạnh trên bề mặt, địa tầng không rõ ràng nên giá trị khoa học không cao.

TS A.Tsybankov nói: “Ở Bách Sắc, Quảng Tây, người ta tìm thấy hiện vật trên bề mặt, dù có niên đại được phân tích tuổi tuyệt đối rất sớm. Nhưng nó không giống như ở An Khê, tất cả được tìm thấy nằm trong địa tầng nguyên vẹn. Cuộc khai quật ở đây mang lại cho chúng ta một điều quan trọng rất đặc biệt, là di tích sơ kỳ đá cũ cổ xưa đầu tiên không chỉ ở VN mà cả ở các nước Đông Nam Á!”.

Trong số hàng trăm mẫu thiên thạch khai quật được ở các hố đào, các nhà khoa học đã lựa chọn hai mẫu điển hình đưa về Viện Địa chất, khoáng sản, thạch học, khoáng vật và địa hóa học - Viện hàn lâm Khoa học Nga phân tích theo phương pháp K-Ar.

Những ngày đầu tháng 4, các nhà khoa học vô cùng phấn khởi khi kết quả cho niên đại tuyệt đối: mảnh thiên thạch ở Gò Đá, nằm ngay cạnh và cùng tầng văn hóa với hiện vật cho tuổi rơi vào trái đất trên dưới 806.000 năm. Còn mảnh khai quật ở Rộc Tưng 1 cho tuổi trên dưới 782.000 năm.

Các nhà khảo cổ học quốc tế chứng thực tầng văn hóa thời sơ kỳ đá cũ tại Gò Đá, An Khê tháng 11-2016 Ảnh: THÁI LỘC
Các nhà khảo cổ học quốc tế chứng thực tầng văn hóa thời sơ kỳ đá cũ tại Gò Đá, An Khê tháng 11-2016 Ảnh: THÁI LỘC

Phương Đông không lạc hậu

Theo GS Tạ Quang Mậu, những mảnh thiên thạch tìm thấy ở đây “không có dấu hiệu bong tróc hoặc dấu vết ảnh hưởng bởi con người, chứng tỏ chúng được giữ nguyên trạng”.

Điều này có nghĩa tầng văn hóa hình thành lúc con người sơ khai sinh sống, đồng thời là lúc những mảnh thiên thạch rơi vào trái đất từ trên dưới 800.000 năm trước được bảo tồn nguyên vẹn tại mảnh đất này.

Trong một thời gian dài, do không có tài liệu khảo cổ học soi rọi nên đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa Đông - Tây.

Người ta cho rằng ở phương Tây với sự xuất hiện sớm rìu tay đã thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người thời kỳ sơ khai. Còn ở phương Đông, việc bảo lưu lâu dài công cụ ghè đẽo thô sơ (chopper) thể hiện sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Quan điểm ấy nay đã đảo chiều.

Kể từ tháng 11-2014 đến nay, trải qua ba kỳ khai quật khảo cổ tại An Khê cùng với mở rộng thám sát khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện đến 27 địa điểm di tích trên diện tích hàng trăm hecta.

Các hố khai quật và thám sát làm xuất lộ tầng văn hóa chứa di tồn văn hóa của cư dân thời sơ kỳ đá cũ với các di tích có thể có các chức năng khác nhau như: khu vực khai thác nguyên liệu - sơ chế công cụ; khu vực cư trú; các cụm chế tác đá tập trung...

Hàng trăm công cụ đá và phế vật của quá trình chế tác của người cổ xưa được tìm thấy. Loại hình là những công cụ chặt đập thô, công cụ mũi nhọn, công cụ nạo/cắt.

Đặc biệt nhất là sự phát hiện những chiếc rìu tay nằm trong tầng văn hóa vẹn nguyên...

Kỹ nghệ An Khê

Sự phát hiện của những hiện vật cổ xưa đầy đủ và đặc trưng được các nhà khoa học xem như một dấu ấn quan trọng, xác định con người thuở sơ khai ở An Khê đã hình thành một kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, tạm thời gọi tên Kỹ nghệ An Khê.

Kỹ nghệ An Khê được ghi nhận gồm phức hợp các yếu tố thuộc truyền thống sơ kỳ đá cũ, từ những hòn cuội được ghè đẽo thô sơ tạo thành lưỡi đơn giản cho đến những mũi nhọn toàn diện, đặc biệt là những chiếc rìu tay - công cụ ghè hai mặt...

“Những phát hiện công cụ ghè hai mặt và đặc biệt là các chiếc rìu tay đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái về sự đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây từng tồn tại lâu dài, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới” - TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, khẳng định.

_________

Kỳ tới: Di sản đặc biệt

THÁI LỘC -
THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên