09/05/2017 09:44 GMT+7

Dấu tích người tiền sử ở An Khê: Đằng sau những nhát cuốc khảo cổ

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC

TTO - Hai năm nay trên những hố đất sâu hoắm ở An Khê, Gia Lai, những chuyên gia người Nga từ sáng đến tối say sưa, tỉ mẩn nâng niu từng viên đá.

*** Error ***
Hai chuyên gia Andrey (trái) và Kondyba (giữa) ăn uống và nghỉ trưa trong cái… chuồng bò cũ gần hiện trường khảo cổ - Ảnh: THÁI LỘC

Cùng làm với họ là những nông dân VN, những người chỉ quen cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng mía của mình.

Những chuyên gia Nga tuổi 30

Trong số các chuyên gia tham gia đợt khai quật ở An Khê, có tiến sĩ khảo cổ học Kondyba Alexander khuôn mặt hiền lành, luôn nở nụ cười. Kondyba đã nhiều năm gắn bó với VN, từng nhiều lần tham gia các đợt khai quật tại những nơi heo hút ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn.

Ở Nga, Kondyba công tác tại Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk và là một trong những tiến sĩ trẻ nhất ngành khảo cổ học ở viện này. Kondyba nói rằng để có thể qua được Việt Nam và xa vợ con nhiều năm nay, cả anh cùng vợ và hai con đã phải động viên nhau rất nhiều, vợ anh công tác trong viện nên đã thấu hiểu và chia sẻ với công việc của chồng mình. “Dù ở VN nhưng hằng ngày mình vẫn gặp vợ và các con trên hình ảnh của video. Đi xa nhà hàng năm trời quả rất nhớ nhưng công việc của chúng mình hầu hết phải di chuyển đủ nơi trên thế giới. Có khi ở Canada, có lúc ở VN, Trung Quốc ...” - Kondyba chia sẻ.

Tiến sĩ vừa qua tuổi 32 này cho biết anh qua VN từ đầu năm 2012 với vai trò chuyên gia cùng Viện Novosibirsk hỗ trợ đồng sự của VN khai quật hang Con Moong (Thanh Hóa). Ngoài Kondyba còn có một chàng trai khác, cũng vừa lập gia đình và quyết định lên đường qua VN khảo cổ. Đó là Chekha Andrey - 30 tuổi, nghiên cứu sinh ngành khảo cổ học. Andrey luôn nhắc rằng rất nhớ vợ con. “Đúng là không dễ chút nào nhưng nhờ có những người bạn ở VN nên chúng tôi có thể chia sẻ với nhau những câu chuyện của mình để vơi đi nỗi nhớ nhà” - Andrey nói.

Địa điểm ăn nghỉ là... chuồng bò cũ

Rong ruổi khắp những nơi heo hút nhất, bỏ vợ con hàng tháng trời để đi làm khảo cổ học, cả Kondyba và Andrey đều nói rằng đi nhiều nước trên thế giới nhưng công việc ở VN luôn hấp dẫn đối với mỗi người làm trong ngành khảo cổ. Có những đợt khai quật, đoàn phải ăn nằm trong hang, không có nước sạch, không có điện, lọ mọ đào bới hàng tháng trời. Những khi nhìn thấy những mẫu vật lộ ra dưới lớp đất mà không thể có ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cảm giác phấn khích đủ để bù đắp những gì mình đã đánh đổi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, bí thư Thị ủy An Khê, kể: “Các chuyên gia Nga vốn ở đất nước lạnh quanh năm, bên đó điều kiện làm việc của họ rất tốt nhưng khi qua đây mọi thứ hoàn toàn khác, chúng tôi lo sợ mọi người không chịu đựng được nhưng quả thật người Nga có một sức khỏe phi thường. Mỗi ngày họ làm việc suốt từ sáng tới tối mịt mới về, buổi tối sau bữa cơm mọi người lại họp để tranh luận, bàn thảo với nhau về kết quả khai quật trong ngày. Dường như thời tiết khắc nghiệt hay những thiếu thốn vật chất không phải là vấn đề đối với họ!”.

Những ngày theo chân các đoàn khảo cổ lang thang trên những cánh đồng, nơi có các hố khai quật, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc của những người bạn Nga. Trên những bãi đất trống, dưới nắng bỏng rát, các chuyên gia mồ hôi nhễ nhại tỉ mẩn soi từng viên đá. Để tiện cho công việc, ban trưa đoàn khảo cổ không về nơi ăn nghỉ ở Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo mà trải bạt ăn cơm, nghỉ ngơi ngay bên hố khai quật. Địa điểm mà đoàn ăn nghỉ là một lán trại, được tận dụng từ cái... chuồng bò cũ của người dân. Một thành viên đoàn Nga chia sẻ: “Như thế này còn quá tốt, chúng tôi đã có những ngày ở địa điểm khai quật khác mà thậm chí cả tháng không có nước để tắm một lần”...

*** Error ***
Những người nông dân xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai, tham gia khai quật khảo cổ học  Ảnh: THÁI LỘC

Những "nhà khảo cổ” nông dân

Ở những địa điểm khai quật mà đoàn khảo cổ đang thực hiện ba năm nay tại An Khê, ngoài những chuyên gia nước ngoài và VN, bên cạnh họ còn một đội ngũ giúp việc luôn được duy trì 5-7 người. Họ là những nông dân vốn quen với công việc cày cuốc, trồng mía trên bãi đất mà nay đoàn khai quật làm việc. Khi thửa đất của những người nông dân ấy được xác định là “chứa kho báu” nằm dưới lòng đất, họ cũng gác việc trồng tỉa, giao cuốc xẻng để làm một công việc mà họ chưa từng tiếp xúc: khai quật khảo cổ.

Ông Trần Phúc Diện, một nông dân trồng mía, nói rằng trước khi có đoàn khảo cổ đến, sau các vụ mía rảnh rang anh em đi làm thợ hồ. Đầu năm 2017, ông được mời khai quật ngay trên chính mảnh đất của mình và vùng lân cận, công việc vừa đem lại cho ông thu nhập vừa cho ông niềm vui, nhất là có thêm một nghề mới mà trước đó nghe thì có vẻ cao siêu lắm. Cùng xóm với ông Diện có nhiều người nữa được mời khai quật khảo cổ như ông Sang, ông Thừa, ông Ban, ông Toàn... Công việc mỗi ngày của những “nhà khảo cổ” đặc biệt này là đào hố, căng dây, gạn lớp đất trên bề mặt, đổ đất, hoàn thổ sau khai quật... theo sự hướng dẫn của chuyên gia.

Từ khi đoàn khảo cổ học đến, những người nông dân ở An Khê cho biết không khí và cuộc sống hằng ngày của người dân ít nhiều có sự thay đổi. Ngoài những người trực tiếp đi phụ việc cho đoàn khai quật, trong các bữa cơm hằng ngày hay buổi uống cà phê sáng với nhau ở quán ven đường, người ta đã bắt đầu bàn với nhau những câu chuyện mà họ chưa từng biết trước đây như mới tìm thấy cái rìu tay nào đó ở một hố đất thuộc rẫy mía người nào đó trong thôn, hay sáng nay khi đi cuốc rẫy một nông dân đã đào được một mẩu thiên thạch rồi giao lại cho đoàn khảo cổ. Không khí khảo cổ thật sự “nóng” lên nhưng mọi người dân đều được giải thích rằng dù có giá trị vô cùng lớn về mặt khoa học, tất cả chỉ dừng lại ở việc phục vụ mục đích nghiên cứu lâu dài, chứ không phải các hiện vật khảo cổ “quý như vàng” là có thể bán để ăn ngay được.

Ngăn chặn nạn đầu cơ đất

Ông Hồ Bảo Châu, chủ tịch UBND xã Xuân An, thị xã An Khê, cho biết kể từ khi các chuyên gia quốc tế đến nghiên cứu khảo cổ học tại xã, bắt đầu có hiện tượng một số người bên ngoài đến xã thăm dò để mua đất, dường như để đầu cơ, đón đầu. Ông và các cán bộ xã tìm cách nói khéo rằng người dân không bán nên không mua được, rằng chủ trương chung là đất không mua bán, chuyển nhượng. “Chúng tôi tìm cách hạn chế nạn đầu cơ, dẫn đến gây xáo trộn tình hình vốn rất yên bình lâu nay tại xã. Chúng tôi cũng đang trông chờ được công nhận di tích để chung tay bảo vệ!” - ông Châu nói.

Kỳ 4:
Kỳ 3: 
Kỳ 2: 
Kỳ 1: 

* Kỳ tới: Người phát hiện An Khê 

THÁI BÁ DŨNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên