19/08/2016 12:31 GMT+7

Đau tai khi đi máy bay, có nên bịt mũi thổi hơi?

THS, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa TMH - BV FV TP HCM)
THS, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa TMH - BV FV TP HCM)

TTO - Nhiều người đi máy bay chỉ thấy ù tai nhẹ khi máy bay lên cao hoặc khi hạ cánh. Tuy nhiên, nhiều người đôi khi bị đau tai rất nhiều, phải đi khám chuyên khoa ngay khi rời máy bay.

Bác sĩ khám kiểm tra bệnh viêm tai giữa cho một bệnh nhân - Ảnh: l.th.h.
Bác sĩ khám bệnh viêm tai giữa cho một bệnh nhân - Ảnh: L.TH.H.

 

Tai có một ống thông với mũi họng

Có một ống nhỏ nối thông khoang tai giữa và vòm mũi họng, y học gọi là vòi nhĩ. Vòi nhĩ có chức năng cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài giúp cho quá trình nghe âm thanh diễn tiến bình thường.

Đồng thời vòi nhĩ giúp tai giữa bài tiết dịch nhầy vào vòm mũi họng, cũng như ngăn chặn dịch tiết từ vòm mũi họng đi lên tai giữa gây viêm tai giữa.

Tại sao lại đau tai khi đi máy bay?

Bình thường vòi nhĩ là một ống ảo, chỉ mở ra khi có nhiệm vụ.

Khi đi máy bay, lúc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh nhanh, vòi nhĩ chưa kịp mở ra để cân bằng áp lực giữa khoang tai giữa và môi trường bên ngoài nên chúng ta thường có cảm giác ù tai.

Cảm giác này sẽ hết nhanh sau đó từ 15 - 30 phút do sự chênh lệch áp lực không còn nữa, đồng thời vòi nhĩ dần dần mở ra để làm thông thoáng khoang tai giữa.

Khi chúng ta có bệnh viêm đường hô hấp trên như cảm, cúm, viêm mũi xoang, niêm mạc vòm mũi họng sẽ bị phù nề làm bít tắc một phần nào lỗ của vòi nhĩ đổ vào khu vực này.

Lúc đó khi máy bay hạ cánh hoặc cất cánh, sự mất cân bằng áp lực giữa khoang tai giữa và môi trường bên ngoài xảy ra. Nhưng lúc này vòi nhĩ đã bị tắc một phần hoặc hoàn toàn nên không thể đảm bảo chức năng thông thoáng và cân bằng áp lực của mình cho tai giữa, dẫn đến áp lực trong tai giữa rất âm. Chúng ta sẽ có cảm giác đau dữ dội, sau đó trong khoang tai giữa sẽ bị chảy dịch hoặc máu làm chúng ta nghe kém hẳn bên tai bị tổn thương.

Cần làm gì để phòng tránh?

Khi có bệnh viêm đường hô hấp trên, tốt nhất chúng ta không nên đi máy bay.

Nếu trong trường hợp việc đi lại là rất cần thiết không thể trì hoãn, chúng ta cần thực hiện một trong các bước sau.

Thứ nhất là nhai kẹo cao su, nhai liên tục, đặc biệt khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Khi nhai, các cơ xung quanh vòi nhĩ chuyển động sẽ làm vòi nhĩ mở ra.

Thứ nhì là đưa hàm dưới lên xuống như động tác nhai hoặc đưa hàm dưới chuyển động ra trước ra sau. Cách làm này cũng làm vòi nhĩ mở ra.

Thứ ba là sử dụng thuốc co mạch được phép bán rộng rãi trong nhà thuốc hoặc siêu thị với các tên thường gặp như Rhinex, Otrivine, Coldi-B.

Các thuốc này khi xịt vào mũi 15 phút trước khi hạ cánh hoặc cất cánh, sẽ làm thông thoáng hai hố mũi và vòi nhĩ, từ đó giúp cho sự thông thoáng giữa khoang tai giữa và môi trường bên ngoài tốt hơn, ngăn ngừa sự bít tắc vòi nhĩ.

Sau cùng là nếu có điều kiện, chúng ta nên khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và điều trị đặc hiệu bằng các thuốc kháng viêm, kháng sinh để làm giảm phù nề, giảm dịch tiết ở niêm mạc vòm mũi họng, từ đó chức năng của vòi nhĩ sẽ được thực hiện tốt hơn.

Có nên thổi hơi lên tai ?

Thổi hơi lên tai, y học gọi là nghiệm pháp Valsalva.

Cách làm như sau: hít vô thật mạnh, bịt kín hai lỗ mũi, ngậm kín miệng, thổi hơi ra từ từ trong khi mũi vẫn bị bịt kín và miệng vẫn đang ngậm kín. Hơi sẽ làm vòi nhĩ mở ra, theo vòi nhĩ sẽ lên khoang tai giữa, sự thông thoáng giữa khoang tai giữa và mũi họng sẽ được lặp lại.

Nghiệm pháp này chỉ nên thực hiện ở người bình thường không có viêm đường hô hấp trên. Vì khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, khi thổi dịch ở vòm mũi họng sẽ theo vòi nhĩ lên tai giữa gây viêm tai giữa.

THS, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa TMH - BV FV TP HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên