Giảng viên Lê Thị Tường Vi - Ảnh do NV cung cấp
Thạc sĩ Lê Thị Tường Vi (SN 1992) - tốt nghiệp loại giỏi ĐH Ngoại thương Hà Nội - kể với Tuổi Trẻ Online: "Tôi cũng từng đứng trước nhiều cơ hội nghề nghiệp, và phải cân nhắc giữa tiếp tục ở lại Hà Nội bơ vơ 'chiến đấu', hay về Đà Nẵng với bố mẹ, em nhỏ".
Ai không muốn ổn định?
Sau đó, Tường Vi xin được học bổng du học thạc sĩ ở ĐH Southampton ở Anh, tốt nghiệp loại xuất sắc và tích cóp được một khoản tiền để đóng góp sửa sang nhà cửa cho bố mẹ.
Về nước, Tường Vi lựa chọn vào biên chế, hiện là giảng viên bộ môn Tiếng Anh chuyên ngành tại ĐH Kinh tế Đà Nẵng.
Tường Vi cho biết: "Nhiều công ty, tập đoàn tư nhân gọi mình đến phỏng vấn, đi làm. Nhưng ai không muốn ổn định? Làm việc ở các công ty tư nhân cũng áp lực và có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Và mình nghĩ không phải môi trường biên chế nào cũng nhàm chán. Nếu bạn biết kết hợp giữa niềm đam mê và 'cái ổn định' thì biết đâu lại là sự lựa chọn đúng đắn?"
Ngoài thời gian giảng dạy trong trường, Tường Vi còn chia sẻ kinh nghiệm học và ôn thi IELTS qua một fanpage trên Facebook, giúp nhiều sinh viên đạt được điểm IELTS cao để đi du học.
Nói về trường hợp thủ khoa Sư phạm Bùi Thị Hà, Tường Vi nhận định: "Mình nghĩ Hà cũng có mơ ước làm nghề nhà giáo như mình. Tại sao Hà lại không thử chọn việc giảng dạy tại một trường tư thục, tại một tỉnh thành phố khác, dạy trực tuyến, dạy tình nguyện, thậm chí nâng cao ngoại ngữ rồi xin học bổng cao học tại nước ngoài?"
Môi trường biên chế cũng thử thách lắm
Hoàng Lâm - một bạn trẻ sinh năm 1993 - cũng có một sự lựa chọn "an toàn". Sau khi tốt nghiệp ĐH UNSW Sydney (Úc), Lâm về làm việc tại Sở Xây Dựng theo đề án đào tạo của TP Đà Nẵng.
"Nhàm chán hay không là tùy quan điểm mỗi người. Môi trường làm việc biên chế cũng khá nhiều thử thách. Tốt nhất dù làm việc ở bất cứ đâu, bạn cũng nên tự tạo công việc cho mình, để luôn bận rộn và học hỏi được nhiều điều", Lâm nói.
Bên ngoài biên chế, Lâm cũng có dự án riêng của mình - dự án Mug Life Vietnam, được thành lập nhằm giảng dạy tâm lý để đẩy lùi bệnh trầm cảm, và nhận thức được ý nghĩa cuộc sống cho các bạn trẻ.
Hoàng Lâm bảo làm vậy vì muốn thực hiện ý tưởng riêng, không bị môi trường nào gò bó, làm thui chột sức trẻ, và vì "không làm bây giờ thì chẳng còn cơ hội nào để làm nữa".
Trong thời gian du học, Hoàng Lâm được ghi nhận vì những đóng góp cho ký túc xá sinh viên quốc tế của ĐH UNSW Sydney - Ảnh do NV cung cấp
Nhà tuyển dụng nói gì?
Anh Nguyễn Ngọc Dũng, CEO công ty khởi nghiệp Ylinkee: Đối với DN, người làm giỏi không có tiềm năng bằng người ham học hỏi và năng động, vì DN luôn biến đổi, người năng động sẽ giúp DN tiến nhanh.
Giới trẻ hiện nay đã năng động hơn, tự ra khỏi khuôn viên trường ĐH để học hỏi bên ngoài sớm hơn so với thế hệ 7X, 8X. Nhưng dù ra đời làm việc sớm, các bạn trẻ vẫn luôn cần bổ sung kiến thức. Nền tảng có vững thì khả năng mới được phát huy cao độ.
Chị Ngô Bích Hà - chủ tịch HĐQT tại DNP Power: Ngày càng nhiều bạn trẻ cực siêu, cực giỏi, nhanh nhạy với công nghệ, năng động, và sớm trang bị kỹ năng cả chuyên môn, lẫn cách xử lý công việc.
Các bạn dấn thân sớm hơn, đi làm thêm, trải nghiệm nhiều loại hình công việc, start up "lên bờ, xuống ruộng" để đổi lại những bài học xương máu.
Nhưng số đó không nhiều. Số đông còn lại không biết xã hội cần gì, DN cần gì ở họ. Họ mặc nhiên nghĩ cầm được cái bằng trên tay, thậm chí là bằng "đỏ", bằng xuất sắc là nghiễm nhiên "biết tuốt", nghiễm nhiên làm được việc.
Nhưng vào DN thì soạn thảo văn bản không được, giao việc thì không biết tư duy.
Yếu tố quan trọng nhất của một bạn trẻ là thái độ. Có thể đào tạo nếu kỹ năng yếu, nhưng thiếu ý thức, trách nhiệm, suy nghĩ tiêu cực thì DN chào thua, vì mất rất nhiều thời gian đào tạo, quản lý cũng không ăn thua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận