08/06/2014 09:42 GMT+7

"Đâu phải ai khổ quá cũng làm bậy?"

BẢO HÀ
BẢO HÀ

TT - Ra tòa về tội sản xuất hàng giả, khi tòa hỏi vì sao bị cáo phạm tội, bị cáo liền trả lời rằng vì khổ quá.

“Ai cũng kêu khổ quá rồi làm bậy như bị cáo à? Đâu phải ai khổ quá cũng làm bậy? Trước khi làm suy nghĩ cho kỹ thì đâu phải ra tòa hối hận như bây giờ?”. Vị thẩm phán hỏi dồn dập. Bị cáo đứng run run.

Bị cáo là Lê Chí Linh, 45 tuổi, bị TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm tuyên mức án tù 2 năm 6 tháng về tội sản xuất hàng giả. Linh kháng cáo. Phiên xét xử phúc thẩm được TAND TP.HCM mở ngày 6-6.

Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Lê Chí Linh có nghề nghiệp và chuyên môn nhất định, đáng lý ra phải biết sử dụng chuyên môn của mình để lao động chân chính, từ đó tìm việc làm thích hợp có thu nhập cao và có vị trí trong xã hội, nhưng do bị cáo có suy nghĩ lệch lạc vì mục đích vụ lợi, thích hưởng thụ trên những thành quả lao động trí tuệ của người khác nên phạm tội. Bị cáo đã sản xuất bột trét tường giả nhãn hiệu Công ty cổ phần L.Q Joton (Việt Nam, đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ) để thu lợi bất chính riêng cho bản thân, gây thiệt hại cho Công ty Joton và các khách hàng.

Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo bỏ trốn gây khó khăn cho việc điều tra, tuy nhiên sau đó bị cáo đã ra đầu thú. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo được hội đồng xét xử đánh giá là thành khẩn khai báo, bản thân chưa có tiền án, tiền sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai nhận trong quá trình sản xuất hàng giả có thu lời bất chính nhưng không xác định được số tiền cụ thể. Do đó không có căn cứ buộc bị cáo nộp lại số tiền thu lời bất chính mà chỉ tuyên buộc bị cáo nộp phạt một khoản tiền nhất định (30 triệu đồng) để sung quỹ nhà nước.

Thế nhưng tại phiên xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử hỏi bị cáo Linh:

- Bị cáo đã nộp phạt chưa?

Bị cáo lí nhí trả lời:

- Dạ chưa nộp.

- Vì sao chưa nộp?

- Dạ, bị cáo chưa có tiền.

Khi hội đồng xét xử hỏi mỗi ngày bị cáo sản xuất mấy bao hàng giả, Linh vẫn thanh minh rằng mình đã sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Hội đồng xét xử nhắc Linh rằng: “Đó là hàng giả, chất lượng đâu thể tốt như hàng thật được”.

Phòng xét xử, ngoài bị cáo đứng co ro trước vành móng ngựa, phía dưới không một bóng người. Bị cáo cứ ngắt quãng hồi lâu mới thốt lên nổi vài chữ. Tòa hỏi vì sao bị cáo kháng cáo xin giảm án? Bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác với những tình tiết đã khai báo ở phiên sơ thẩm không? Đáp lại câu hỏi của hội đồng xét xử là một tràng dài đứt quãng, lí nhí: “Dạ con bị cáo còn nhỏ, vợ bị cáo buôn bán nhỏ, gia đình bị cáo khó khăn...”.

Vị đại diện viện kiểm sát phân tích rằng tất cả tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo khai đã được cấp xét xử sơ thẩm cân nhắc khi lượng hình rồi nên không có lý do gì để chấp nhận kháng cáo của bị cáo nữa.

Nhưng sau khi nghị án, hội đồng xét xử đã mở lượng khoan hồng cho bị cáo khi tuyên chấp nhận kháng cáo, giảm án tù giam xuống thành án treo với thời gian thử thách 5 năm. Vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh rằng: “Trong thời gian thử thách này, nếu bị cáo phạm phải một tội nào khác thì mức án treo sẽ chuyển thành án tù giam cộng với mức hình phạt của bản án mới. Bị cáo rõ chưa?”.

Bị cáo chỉ biết cúi đầu.

Phiên tòa diễn ra trong chưa đầy nửa tiếng. Bị cáo được tại ngoại nên không có cảnh các chiến sĩ cảnh sát dẫn bị cáo vào, ra phòng xử. Một mình bị cáo lầm lũi đến lại lủi thủi về. Kháng cáo đã được hội đồng xét xử chấp nhận. Từ án tù giam giảm thành án tù treo nhưng tòa đã tuyên xong mà bị cáo cứ đứng ngơ ngác. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bị cáo chạy lại chỗ người thư ký ngập ngừng hỏi: “Giờ tôi về thì phải trình diện ở đâu, thưa chị?”.

BẢO HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên