Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1 có 7 nhóm ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD; trong đó dệt may đứng thứ 4 với gần 3,2 tỉ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Ghi nhận thực tế, những tháng đầu nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu có đơn hàng giao đến hết tháng 5, 6. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cân nhắc lựa chọn đối tác, thậm chí không dám giao xa vì sợ giá bán tăng cao so với hợp đồng đã ký.
Ngày 9-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo thuộc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (TP.HCM) thừa nhận năm 2024 ngành dệt may khởi sắc hơn năm 2023.
Vị này nói: "Vì thế năm 2025 đơn hàng sẽ cải thiện rất nhiều. Có nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu thương hiệu của mình sang nhiều quốc gia với nguồn khách mới, có đơn hàng đã ký giao đến hết tháng 6. Nhìn chung là cơ hội lớn và hứa hẹn khả quan.
Việc bây giờ chỉ là theo dõi, lựa chọn để quyết định đối tác ký hợp đồng giao xa để tránh chuyện giá tăng lên so với trước, sẽ không tối đa hóa được lợi nhuận".
Đồng quan điểm, trưởng phòng kinh doanh một công ty dệt may (có trụ sở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng nói rằng đơn hàng tháng đầu năm ổn định, lượng tồn kho không nhiều nên công ty đang nhập nhiều nguyên liệu để thực hiện các đơn mới xuất khẩu sang Singapore, Hong Kong.
"Diễn biến thị trường bây giờ toàn điều bất ngờ nên lên được kế hoạch, thời gian hoàn thiện đơn, cũng như dự phòng được phát sinh thì doanh nghiệp nhận cọc. Chúng tôi không dám ký đơn của quý 3 dù có đối tác ngỏ ý. Vì sợ nguyên liệu nhập từ Trung Quốc tăng giá do bị tác động mức thuế mới, giá bán chung sẽ biến động nên phải chậm lại", vị này lý giải.
Nhận định về bức tranh chung của ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết tháng 1 kim ngạch xuất khẩu tăng 3,2 tỉ USD; riêng xơ, sợi, vải đạt 500 triệu USD (trong khi cùng kỳ năm trước kim ngạch mang về 3,3 tỉ USD; trong đó xơ, sợi, vải là 400 triệu USD).
Lý giải tăng trưởng của ngành hàng tháng đầu năm, ông Trường so tính tăng trưởng tháng 1 năm nay là tăng 15%/ngày, xuất phát trước hết từ thị trường.
"Lượng hàng xuất bán từ tồn kho đã tăng lên. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng sau mức thuế mới của ông Trump, nên trước mắt cứ đẩy mạnh xuất đơn. Xu thế chung là vẫn chờ đợi chính sách thương mại diễn ra như thế nào. Còn mọi lo lắng chỉ mang tính cảm tính, vì diễn biến không nói trước được", ông Trường cho biết.
Nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng cầm chừng vì lo phía Trung Quốc sẽ tăng giá nguyên liệu sau khi "thấm" mức thuế mới của ông Trump, ông Trường bày tỏ quan điểm không lo ngại.
Ông phân tích: "Trung Quốc là nước sản xuất nguyên liệu dệt may lớn nhất thế giới, cung cấp nguyên liệu ngành may cho cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tổng lượng cung ứng của Trung Quốc ra thế giới chiếm 54% so với lượng cung ứng cho Việt Nam chỉ 40%. Việt Nam là nước tự chủ cao, các doanh nghiệp cũng đã tính toán, có kế hoạch chủ động trước những bất ngờ, để tránh những tình huống mới".
Năm nay, dệt may xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 3-5%
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng nếu thị trường dệt may dựa vào kịch bản tăng trưởng tổng cầu dệt may thế giới (đạt ở mức 850 tỉ USD), dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 3-5% so với năm 2024, tương đương đạt 45,5 - 46 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận