21/07/2008 15:54 GMT+7

Đau lưng và tiểu ra máu

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - Em năm nay 38 tuổi, hay bị đau vùng thắt lưng và gần đây nhất đi tiểu ra máu nhiều. Em muốn hỏi phòng mạch Online hiện nay em bị bệnh gì, có cách nào chữa được không?

(Hoàng Thị Lan)

- Trả lời của phòng mạch online:

Như bạn mô tả, tôi nghĩ bạn đã bị sỏi thận. Thận là cơ quan bài tiết có nhiệm vụ lọc các chất thải từ máu và sản xuất nước tiểu. Khi các chất thải trong nước tiểu không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể. Quá trình lắng đọng tiếp tục dẫn đến hình thành sỏi.

Những hạt sỏi thận nhỏ có thể gây khó chịu khi theo nước tiểu ra ngoài. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn tắc lại trong niệu quản (đường dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) sẽ gây đau (lúc đầu có cảm giác đau ở thắt lưng sau đó đau lan tỏa ra hai bên).

Sỏi có thể gây tắc hoàn toàn niệu quản làm cho nước tiểu ứ lại trong thận dẫn đến hiện tượng phồng, giãn niệu quản và bàng quang gây đau đớn.

Tại sao lại có sỏi?

Một số người ít uống nước là yếu tố đầu tiên. Như trên đã nói, những chất thải phải được hòa tan trong nước mới dễ thải ra ngoài. Bạn uống ít nước, các chất trở nên đậm đặc, thải không hết mỗi ngày đọng một ít tạo thành hòn, cục. Đó là sỏi.

Nguyên nhân thứ 2 là do rối loạn chuyển hóa canxi, phốtpho, lượng canxi, phốtpho tăng lên trong máu, uống nước đủ nhưng nước tiểu vẫn ở trong trạng thái đậm đặc hình thành nên sỏi.

Tuy nhiên cơ thể còn có một cơ chế thứ 2: Nước tiểu chứa các chất hóa học như citrát, manhê, pyrô phốtphat có tác dụng chống lại quá trình tạo tinh thể. Nếu hàm lượng những chất này trong nước tiểu thấp sẽ tạo điều kiện cho sỏi hình thành. Trong những chất này, xitrát đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chống tạo tinh thể.

Chế độ ăn không hợp lý cũng là nguyên nhân sinh ra sỏi. Chế độ ăn mặn (chứa nhiều natri clorua), chất béo, thịt, đường và ít chất xơ, protein thực vật, tinh bột làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Bệnh có thể tái phát ở những bệnh nhân mẫn cảm với các chất hóa học sinh ra từ quá trình tiêu hóa protein có nguồn gốc động vật và những bệnh nhân dùng quá nhiều thịt trong khẩu phần.

- Liều cao vitamin C (trên 500mg một ngày) có thể dẫn đến hiện tượng tăng oxalat trong nước tiểu (hyperoxauria) và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Oxalat được tìm thấy trong các loại rau, đậu xanh, cà chua, lạc (đậu phộng), sôcôla, chè...

Có bao nhiêu loại sỏi thận?

Thành phần hóa học của sỏi phụ thuộc vào sự mất cân bằng hóa học của nước tiểu. Bốn dạng sỏi hay gặp là: sỏi canxi, sỏi axít uríc, sỏi struvite và sỏi cystine.

(1) Sỏi canxi: Khoảng 85% thành phần của loại sỏi này là canxi. Nguyên nhân hay gặp nhất là do hàm lượng canxi trong nước tiểu quá cao (hypercalciuria). Lượng canxi vượt quá mức thường được thải qua nước tiểu. Canxi kết hợp với các chất thải khác hình thành sỏi. Nếu hàm lượng xitrát thấp và hàm lượng oxalat, axít uríc cao, lượng nước tiểu giảm sẽ là các điều kiện thuật lợi để sỏi canxi hình thành.

Canxi có thể kết hợp với oxalat hình thành calci oxalat hoặc kết hợp với phốtphát hình thành canxi phốtphát (calcium phosphate). Trong đó calxi oxalat hay gặp hơn. Sỏi canxi phốtphát thường thấy ở những bệnh nhân rối loạn tiêu hóa hay rối loạn hormon do chứng cường tuyến cận giáp trạng (hyperparathyroidism) và hiện tượng tăng độ axít ống thận (renal tubular acidosis).

Hiện tượng tăng hấp thu canxi ở đường tiêu hóa, tăng hàm lượng hormon tuyến cận giáp và rối loạn lọc trong thận dẫn đến làm tăng canxi trong nước tiểu.

Hiện tượng tăng độ axít ống thận (thường do di truyền làm thận không có khả năng bài tiết các axít) làm giảm xitrat nước tiểu và độ axít tổng số dẫn đến hình thành sỏi (thường là sỏi canxi phốtphát).

(2) Sỏi axít uríc (khoảng 10% trường hợp sỏi): Nếu làm lượng axít trong nước tiểu cao hay axít được bài tiết quá nhiều, axít uríc có thể không được hòa tan hoàn toàn dẫn đến hình thành sỏi. Dạng sỏi này hay gặp ở nam giới.

(3) Sỏi struvitecòn được gọi là sỏi truyền nhiễm do được hình thành khi đường tiết niệu bị viêm nhiễm (ví dụ cystitis) dẫn đến làm mất cân bằng các thành phần trong nước tiểu. Vi khuẩn trong đường tiết niệu giải phóng các chất hóa học trung hòa bớt axít trong nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn và là điểu kiện cho sỏi hình thành.

Phụ nữ bị loại sỏi này nhiều hơn nam giới do đường tiết niệu hay bị viêm nhiễm hơn. Sỏi loại này thường có hình dạng lởm chởm, sắc cạnh và có dạng "sừng nai" và phát triển rất nhanh. Chính sỏi dạng “sừng nai” khi bạn chuyển động (vặn người, quay xe, mang vật nặng...) sẽ làm xước nhu mô thận và gây đau. Những vết xước làm mao mạch nhỏ vỡ ra, máu chảy hòa lẫn trong nước tiểu gây tiểu ra máu.

(4) Sỏi cystin: cystin là một axít amin khó hòa tan. Do di truyền nên một số người có hàm lượng cystin trong nước tiểu cao dẫn đến hiện hình thành sỏi. Loại sỏi này khó điều trị và cần thời gian điều trị dài hơn.

Nếu bạn không uống đủ nước, ăn, uống thực phẩm chứa nhiều canxi đều là yếu tố thuận lợi gây ra sỏi thận. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận: mất nước do các nguyên nhân khác nhau, thiểu niệu (giảm lượng nước tiểu), tăng nồng độ canxi, oxalat, axit uric hay giảm nồng độ citrate trong nước tiểu… Bất kỳ nguyên nhân nào cản trở sự lưu thông của đường dẫn niệu (như tắc niệu quản, hẹp cổ bàng quang, tắc niệu đạo do bệnh lý hay di truyền) đều làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Triệu chứng của sỏi thận

Đau ngang thắt lưng là triệu chứng thường thấy. Có người viên sỏi nhỏ thì đau lâm râm. Có người bị sỏi "sừng nai" thì chỉ cần xách nặng là bộc phát cơn đau mà giới chuyên môn gọi là "đau quặn thận". Đây là cơn đau có thể ví như đau đẻ, đau kinh khủng, đau quằn quại, vã mồ hôi. Thường cơn đau sẽ buộc bạn phải đến bệnh viện. Sỏi nằm trong niệu quản cũng gây đau. Nếu viên sỏi lớn làm tắc đường dẫn nước tiểu thì thận bên đó sẽ ứ nước vì lọc xong không thải ra ngoài được. Nếu để lâu dễ dàng bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Vì sỏi thận chuyển động làm tổn thương mạch máu nên triệu chứng quan trọng là đi tiểu ra máu. Bản thân bạn đã nhìn thấy nước tiểu có máu chứng tỏ lượng máu mất không phải là ít. Giới chuyên môn gọi là "đái máu đại thể".

Tôi kể sơ sơ như vậy và lời khuyên là: bạn ở TP.HCM nên đến Bệnh viện Bình Dân để khám chẩn đoán chính xác và điều trị. Nếu bạn ở phía Bắc nên đến Bệnh viện Việt Đức. Nếu đúng là sỏi thận thì hiện có phương pháp tán sỏi hoặc mổ lấy sỏi. Tuy nhiên sau khi đã giải quyết sỏi vẫn có thể tái phát. Một chế độ ăn uống hợp lý và uống mỗi ngày 3 lít nước sẽ giúp bạn phòng tránh nguy cơ tái phát.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên