29/12/2014 06:00 GMT+7

​Đau lòng học sinh tự tử

VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG

TTO - Tình cảm rối ren, áp lực học hành, gia đình mâu thuẫn… là những nguyên nhân dẫn đến các vụ học sinh tự tử thương tâm thời gian gần đây.

Xác hai nữ sinh xấu số được người nhà đưa về quê an táng - Ảnh: C.Thành

Thời gian gần đây, dư luận bàng hoàng trước những vụ tự tử của các em học sinh. Mới đây ngày 26-12 tại Nghệ An, hai học sinh lớp 10 đã thắt cổ tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm.

Đêm 13-12 tại Tiền Giang, ​nam sinh lớp 12 nhảy sông tự vẫn vì bạn gái chia tay .

Ngày 11-12, hai nữ sinh THPT cùng nhau treo cổ tự tử tại phòng trọ ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, tự tử là nguyên nhân xếp thứ ba trong các nguyên nhân khiến trẻ từ 13 đến 19 tuổi tử vong.

Tuổi mới lớn nhiều điều khó nói

Em K.H. (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) tâm sự: “Hồi em học lớp 8, lần đầu tiên em biết thích một người. Khi biết bạn ấy có bạn gái mới, em đã rất buồn, không còn tâm trạng học hành gì nữa. Lúc đó em thấy rất bế tắc. Em đã nghĩ tới cái chết và mua sẵn thuốc để trong phòng. May mắn thầy cô biết được nên báo với gia đình…”.

>> Em K.H.

Cô Lê Thị Trường An (Trường tiểu học - THCS - THPT quốc tế Á Châu, Q.1, TP.HCM) cho biết: “Lớp tôi chủ nhiệm có một em là con trai một, cha mẹ em cứ đi làm suốt không quan tâm chăm sóc con, khi cha mẹ ly dị em ấy rất buồn. Vào lớp học tôi thấy em cứ im lặng, thỉnh thoảng còn khóc. Khi tôi hỏi em cũng khóc. Tôi phải tìm cách hỏi thăm em học sinh khác chơi thân với em cũng tới động viên em. Bây giờ em lạc quan hơn rồi”.

>> Cô Lê Thị Trường An

“Nhiều em thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, các em không biết tâm sự, chia sẻ những khó khăn của mình với ai để được giải tỏa” - cô Lê Thị Trường An nói.

Bà Tô Ánh Hồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng đến tuổi cấp 2, các con tâm sự với bạn bè là nhiều, ít khi tâm sự cùng bố mẹ. Thật khó để hiểu con.

Cuộc sống hiện đại, học sinh ít gắn bó với cộng đồng thực, nhiều em gắn với cộng đồng ảo, dễ dẫn đến cô đơn và khó vượt qua những biến cố, khủng hoảng.

>> Bà Tô Ánh Hồng

Dạy trẻ biết yêu thương bản thân mình

Cô Bùi Thị Kim Duyên (tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp) khẳng định: “Các em có bạn. Người bạn chính là người giúp các em vượt qua mọi khó khăn. Trút được tâm sự là các em thoát khỏi trạng thái tâm lý không tốt”.

>> Cô Bùi Thị Kim Duyên

Rất nhiều bạn đọc đồng ý với ý kiến khi một em có biểu hiện khủng hoảng, uất ức, bế tắc, muốn tự tử, bạn bè thường là người phát hiện trước. Cha mẹ, nhà trường rất cần giáo dục các em học sinh kỹ năng chia sẻ, báo với thầy cô và gia đình của bạn khi phát hiện vấn đề.

Cần bình tĩnh, cùng trẻ vượt qua những cảm giác tiêu cực, thông cảm, lắng nghe, tránh buộc tội hay phán xét trẻ.

Cha mẹ luôn phải là người bạn. Cha mẹ giải thích, phân tích và động viên để các con vượt qua khủng hoảng.

Đối với những trẻ em mới lớn, cha mẹ nên cho chúng biết rằng khi vào đời còn rất nhiều chông gai khác và phải biết yêu thương bản thân mình.

Gia đình phải là chỗ dựa đầu tiên

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện tự tử: “Ở một số em do đặc điểm về tâm thần, khuynh hướng tự tử đã có sẵn nên khi gặp các biến cố sẽ dễ tự tử hơn các em khác.

Nguyên nhân thứ hai và thường gặp là do ở tuổi dậy thì các em muốn khẳng định cái tôi, khẳng định giới tính, khả năng hưng phấn mạnh hơn khả năng ức chế nên với bất kỳ khủng hoảng nào các em dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

Nguyên nhân thứ ba là gia đình chưa thật sự hạnh phúc. Các em gặp khó khăn nhưng không chia sẻ được với gia đình nên tìm đến cái chết như là cách để giải thoát”.

ThS Trang Nhung cho rằng áp lực học tập, sự kỳ vọng của nhà trường, gia đình và mối quan hệ bạn bè, tình cảm không đạt như mong muốn là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc các em muốn tìm đến cái chết.

>> ThS Nguyễn Thị Trang Nhung

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An nói: “Lứa tuổi vị thành niên có những biến đổi rất lớn trong tâm lý, các em dễ xúc động, dễ có những phản ứng mạnh với những kích thích từ môi trường xung quanh. Trong giai đoạn này, nhu cầu được tôn trọng, được khẳng định mình là rất cao. Bất kỳ một sự kiện nào tác động tiêu cực thì các em dễ có hành động thiếu suy nghĩ như là tự tử”.

>> ThS Đào Lê Hòa An

ThS Trang Nhung chia sẻ: “Khi rơi vào bế tắc, người ta sẽ có cảm giác mọi việc xung quanh trở nên quá sức với mình, nên khi các em gặp khủng hoảng sẽ rất dễ dẫn đến những suy nghĩ rằng mình chỉ có một mình, không ai giúp đỡ. Các em tìm đến cái chết để chứng minh năng lực của mình hoặc để người khác cảm thấy ray rứt trước những việc làm của họ”.

>> ThS Nguyễn Thị Trang Nhung

ThS Đào Lê Hòa An bày tỏ: “Các em thất vọng với bản thân mình, thất vọng với sự quan tâm của mọi người xung quanh. Các em thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội nên thiếu bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn. Trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền, người lớn đã chưa thật sự quan tâm con em mình nên các em đành chọn cách tự hủy hoại bản thân mình coi như một sự giải thoát”.

>> ThS Đào Lê Hòa An

Gia đình phải là chỗ dựa đầu tiên để các em tìm được sự chia sẻ. Khi đã có sự gắn kết trong tình cảm thì đó sẽ là sợi dây neo vô hình giữ các em lại khi các em có ý định tự tử.

Nhà trường ngoài sự gần gũi của giáo viên cũng nên có những chương trình giảng dạy kỹ năng và các giá trị sống.

>> ThS Nguyễn Thị Trang Nhung

Nhà trường cần tăng cường công tác tham vấn tâm lý trong học đường. Cần tuyển riêng những chuyên viên tâm lý thay vì giao cho giáo viên kiêm nhiệm công tác này. Cần có nhiều hoạt động văn hóa xã hội để giao lưu chia sẻ và tìm hiểu những khó khăn các em đang gặp phải và có phương án giải quyết.

VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên