03/11/2019 16:29 GMT+7

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Giáo sư Viện Nghiên cứu hải dương học Sao Paulo, bà Yara Novelli, cảnh báo: "Đây sẽ trở thành một thảm họa môi trường lớn hơn những gì chúng ta từng thấy trên các bãi biển". Brazil đã thu 2.000 tấn dầu cặn từ các bãi biển.

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 1.

Brazil đã thu 2.000 tấn dầu cặn từ các bãi biển trong một nỗ lực làm sạch, bên cạnh việc cứu những con chim và rùa biển bị "mắc kẹt" trong lớp dầu dày. Tình trạng này đã khiến 67 động vật biển chết, trong đó có 11 con rùa. Chính quyền cũng bị xem là phản ứng quá chậm khi đến 40 ngày sau sự cố mới phát đi Chương trình hành động khẩn cấp quốc gia trong trường hợp bị ô nhiễm dầu. Trong ảnh là binh sĩ Brazil được huy động làm sạch bãi biển Itapuama ở TP Cabo de Santo Agostinho, bang Pernambuco - Ảnh: REUTERS

Ngày 2-11, nhà chức trách Brazil thông báo đã phát hiện một số vệt dầu loang tại quần đảo Abrolhos, được coi là "thánh địa" của loài cá voi lưng gù tại Nam Đại Tây Dương.

Đây được cho là một phần của thảm dầu loang từng ảnh hưởng nhiều biển phía Đông Bắc của quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này.

Đúng 2 tháng trước, hơn 1.000 tấn dầu đã dạt vào gần 300 bãi biển tại 9 bang Đông Bắc Brazil, những nơi vốn nổi tiếng với nước biển trong xanh và đa dạng sinh học phong phú.

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 2.

Giáo sư Viện Nghiên cứu hải dương học Sao Paulo, bà Yara Novelli, cảnh báo: "Dầu loang tại quần đảo Abrolhos sẽ trở thành một thảm họa môi trường lớn hơn những gì chúng ta từng thấy trên các bãi biển". Theo bà Novelli, Abrolhos là một trong những thắng cảnh hút khách ở Nam Đại Tây Dương, với một quần thể đa dạng sinh thái đặc biệt và các loài san hô không tồn tại ở nơi nào khác trên thế giới. Bà cho biết thêm các vệt dầu từ ngoài khơi đã loang đến bờ biển và đang dày lên, rất khó để hút ra khỏi các rạn san hô - Ảnh: REUTERS

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 3.

Các vệt dầu loang rất khó phát hiện từ trên không vì chúng di chuyển phía dưới mặt nước biển do nồng độ đậm đặc của dầu trong nước. Các nhà sinh thái học biển cảnh báo vệt dầu loang dày nói trên đang giạt vào dọc 2.500km bãi biển Đông Bắc nước này trong 2 tháng qua, và sẽ gây tác động thảm họa đối với 5 đảo nhỏ của Abrolhos - Ảnh: REUTERS

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 4.

Một phụ nữ tắm biển ở bãi Imbassai tại TP Mata de Sao Joao, bang Bahia với đôi chân bị dính dầu. Đại diện chính quyền Brazil cũng lên tiếng cho biết sẽ tính toán các thiệt hại trong vụ việc, vì tình trạng dầu loang quá lớn đã làm tổn thương các hoạt động du lịch và đánh cá ở khu vực đông bắc nghèo khó của Brazil - Ảnh: REUTERS

Tính toán theo thời gian, cảnh sát liên bang Brazil cho rằng số dầu này tràn ra từ một tàu chở dầu cách bờ biển nước này khoảng 700km vào ngày 28 hoặc 29-7 và tiến hành điều tra với một tàu mang cờ Hi Lạp chở dầu thô từ Venezuela đi Malaysia.

Tuy nhiên, tàu chở dầu này đã cập cảng cuối vào ngày 1-11 vừa qua và khẳng định không bị thất thoát lượng dầu nào.

Trong một tuyên bố gửi tới Hãng tin Reuters ngày 2-11, công ty Delta Tankers Ltd, quản lý tàu dầu Bouboulina mang cờ Hi Lạp, cho biết việc kiểm tra các dữ liệu từ tất cả camera và cảm biến có trên tàu đều không cho thấy bằng chứng nào về việc tàu chở dầu "đã dừng lại, tiến hành bất kỳ loại hoạt động sang chiết nào giữa tàu với tàu trên biển, bị rò rỉ, bị chậm hoặc lệch hướng, trên đường từ Venezuela đến Melaka, Malaysia".

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 5.

Người phụ nữ bồng con đi biểu tình ở bãi biển Farol da Barra tại TP Salvador, bang Bahia. Biểu ngữ trên tay đứa trẻ có chữ "Dầu" - Ảnh: REUTERS

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 6.

Ba cô gái trang phục như người cá với biểu ngữ mang dòng chữ "SOS" ở TP Salvador, bang Bahia phản đối tình trạng dầu loang làm ô nhiễm các bãi biển Brazil - Ảnh: REUTERS

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 7.

Người dân Brazil xuống đường biểu tình tại Farol da Barra, TP Salvador, bang Bahia với tấm biểu ngữ ghi: "Đây là tội ác môi trường lớn nhất ở Brazil" - Ảnh: REUTERS

Dầu loang ở Brazil đến giờ không biết từ đâu - Ảnh 8.

Các nhân viên chính quyền phải tham gia dọn dẹp dầu vón cục trên bãi biển Barra de Jacuipe ở TP Camacari, bang Bahia - Ảnh: REUTERS

Hãng Delta Tankers nhắc lại rằng con tàu đi từ Venezuela với đầy dầu vào ngày 19-7, đi thẳng, không có điểm dừng tại các cảng khác cho đến Melaka, nơi tàu sang xuống toàn bộ lượng dầu chở theo trước đó.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, các công tố viên Brazil cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng chắc chắn là công ty, thuyền trưởng và thuyền viên của tàu không liên lạc với chính quyền về sự cố tràn dầu và hoặc xả dầu thô ở Đại Tây Dương.

Nhưng phía hang quản lý tàu cho biết sẵn sang chia sẻ với chính quyền Brazil các dữ liệu họ đã có được từ phân tích các thiết bị an ninh trên tàu nếu được liên hệ, nhưng cho đến nay phía Brazil không liên hệ với họ về chuyện này.

Việc phát hiện các vệt dầu loang tại Abrolhos đang làm dấy lên những quan ngại mới về sinh thái, khi quần đảo rộng 91.300km2 và gồm 5 đảo nhỏ này là nơi cá voi lưng gù tập trung trong thời kỳ sinh sản, đồng thời cũng là nơi có những rạn san hô quý.

Cá voi lưng gù xuất hiện ở hầu hết các đại dương, đặc biệt vùng xung quanh Nam Cực, nhưng thường tập trung về Abrolhos để tận hưởng các dòng nước ấm tại đây trong mùa sinh sản.

Loài thú khổng lồ này, với chiều dài tối đa có thể đạt là 16m và trọng lượng tối đa 40 tấn, thường lưu trú tại đây từ 4-5 tháng cho tới khi các cá voi con đủ trưởng thành để quay về Nam Cực.

10 cây số rác, thân cây và nhựa 10 cây số rác, thân cây và nhựa 'tấn công' bãi biển Vũng Tàu Chàng luật sư 4 năm không nghỉ cuối tuần để đi dọn rác nhựa bãi biển Chàng luật sư 4 năm không nghỉ cuối tuần để đi dọn rác nhựa bãi biển Lấy cát từ bãi biển Ý, cặp vợ chồng đối mặt với 6 năm tù Lấy cát từ bãi biển Ý, cặp vợ chồng đối mặt với 6 năm tù
TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên