Đấu khẩu và phơi bày

LOAN PHƯƠNG 01/10/2016 16:10 GMT+7

TTCT- Về nội dung, cuộc tranh luận lần đầu giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump không có gì đặc sắc. Nhưng về đối tượng khán giả và cách phản ánh của truyền thông, chưa bao giờ các cử tri Mỹ lại được cung cấp nhiều tin tức đến thế, và sự thật lại được phơi bày nhanh chóng như thế.

Hillary Clinton và Donald Trump
Hillary Clinton và Donald Trump


Giống nhiều cuộc tranh luận trước bầu cử khác, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ lần này đều tránh đưa ra các cam kết chính sách cụ thể và nhắm chủ yếu vào việc chỉ trích người kia, điều hoàn toàn dễ hiểu khi các thăm dò trước đó cho thấy lý do chính để các cử tri Mỹ ủng hộ ứng viên này là do họ... ghét người kia!

Bạn muốn một nước Mỹ thế nào?

Tom Sander, điều hành chương trình mở rộng sự tham gia dân sự vào chính trường ở Trường quản trị công Kennedy, Đại học Harvard, nói điều ông lo nhất là cử tri đã không có cơ hội để loại bỏ những rào cản mang tính đảng phái gây chia rẽ sau cuộc tranh luận vừa rồi.

“Rất nhiều người ngồi trước máy thu hình để xác nhận những gì họ nghĩ là đã biết, thay vì tìm kiếm điểm chung” - Sander nói.

Nỗi lo của ông Sander, thật trớ trêu, được thể hiện qua một mẩu quảng cáo rất thông minh và hợp thời của Hãng Audi được phát ở Mỹ liên tục vào thời điểm diễn ra cuộc tranh luận. Lường trước lượng khán giả kỷ lục, nhiều hãng lớn đã “bám càng” tung ra các chiến dịch quảng cáo lý thú.

Trong quảng cáo của Audi, một người đàn ông và một phụ nữ, cả hai đều là người trông xe và lái xe vào bãi ở khách sạn, tranh nhau lái một chiếc xe sang Audi RS7 với câu khẩu hiệu: “Chọn cán bộ đường lối cho khôn ngoan”. Những lá cờ Mỹ, một con lừa và một con voi bằng băng truyền tải thông điệp đó, và chiếc xe, như phó giám đốc tiếp thị của Audi nói, “là nhân cách hóa cho tầm quan trọng của nước Mỹ”.

Trong một mẩu quảng cáo khác của tối thứ hai, Tecate, một nhãn hiệu bia Mexico thuộc sở hữu của Heineken, mở ra quang cảnh biên giới Mexico và giọng giống như Trump tuyên bố: “Đã tới lúc xây lên một bức tường khổng lồ”.

Bức tường sau đó xuất hiện nhưng hóa ra chỉ cao tới đầu gối để làm nơi để bia Tecate, “một bức tường mang tất cả chúng ta lại với nhau”. Phó tổng giám đốc Tecate Felix Palau giải thích với Fox News, đài truyền hình đăng quảng cáo, rằng nó “hoàn toàn không” mang ý nghĩa chính trị.

Cuộc tranh luận có nhiều điểm khác thường trong thời đại bắt đầu có tivi: ứng viên nữ đầu tiên của một đảng lớn đối đầu với một doanh nhân nam giới trịch thượng không có kinh nghiệm chính trị, cả hai nổi tiếng thế giới và đều bị căm ghét sâu sắc bởi những người phía bên kia.

Trong nhiều lời bới móc qua lại và những chỉ trích có phần cực đoan, bà Clinton có nêu ra một điểm thật sự quan trọng. Với bà, câu hỏi trọng tâm của kỳ bầu cử là nước Mỹ muốn trở thành một quốc gia kiểu gì.

Như bất kỳ ai đã quen thuộc với sự nghiệp của bà Clinton sẽ đoán được bà tỏ ra chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc tranh luận. Và thông điệp chính của bà được đưa ra từ sớm: “Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế hiệu quả cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là những người ở trên đỉnh”. Đó có lẽ cũng chính là kiểu quốc gia mà bà muốn nước Mỹ trở thành.

Trump, mặt khác, ít ra có một lần chắc chắn nói thật vào tối thứ hai: ông khẳng định mình không tin lắm vào việc chuẩn bị cho tranh luận. Thứ ngôn ngữ bột phát và trực tiếp của ông đôi lúc giúp Trump có lợi thế, nhưng khi buổi tối càng trôi đi và các vấn đề trở nên chi tiết, sự thiếu tôn trọng của ông với đối thủ, với khán giả, với người dẫn, và qua đó là với bản thân, ngày càng rõ ràng.

Trước hết là những điểm ông đã (cố tình) phớt lờ. Lập trường cứng rắn của ông trong vấn đề nhập cư và các tuyên bố gây sốc kèm theo đó đã giúp Trump tạo được tiếng vang và thu hút sự chú ý tới thời điểm này của chiến dịch. Nhưng tối thứ hai, trước khán giả toàn quốc, ông hầu như không đề cập tới bức tường mà ông đã muốn xây dựng dọc theo biên giới Mỹ - Mexico.

Rồi những tổn hại mà ông tự gây ra vì vạ miệng. Có lúc người dẫn Lester Holt hỏi Trump về việc ông từ chối công bố báo cáo thuế, một chủ đề mà Trump hẳn biết sẽ được nêu ra. Ông đáp lại bằng cách nói ông sẽ công bố khi “bà ấy” - Clinton - “công bố 33.000 thư điện tử đã bị xóa”. Ông hẳn tưởng như thế là khôn ngoan. Nhưng có vẻ như Clinton đã chuẩn bị.

“Vậy thì quý vị hẳn không khỏi tự hỏi tại sao ông ấy lại không công bố báo cáo thuế - bà nói - Hay có lẽ ông ấy không giàu như ông ấy tuyên bố, không làm từ thiện nhiều như ông ấy tự nhận, hay có lẽ ông ấy không muốn người Mỹ, tất cả những ai xem cuộc tranh luận hôm nay, biết rằng ông ấy không trả một xu tiền thuế liên bang nào”. “Thế thì tôi khôn chứ sao” - Trump cắt ngang.

Và đó không phải lần duy nhất ứng viên Cộng hòa tự hào về những thành tựu của mình. “Tôi đã xây dựng một công ty phi thường, một trong những tài sản lớn nhất trên thế giới - ông nói - Khi Ngoại trưởng Clinton nói về những người không được trả lương (vì công ty của Trump phá sản), trước hết, họ có được trả lương, nhưng tôi đã tận dụng luật pháp của đất nước này.

Nếu bà muốn thay đổi luật pháp thì làm đi, bà đã ở trong chính trường một thời gian dài mà, thay đổi đi. Tôi biết cách tận dụng luật pháp vì tôi điều hành một công ty. Nghĩa vụ của tôi ngay lúc này là làm thật tốt cho bản thân, gia đình, người làm công và công ty của tôi. Đó là những gì tôi làm”.

Thật rõ ràng nhưng liệu như thế có đủ cho một người định làm tổng thống Mỹ?

Người dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận của Hillary Clinton và Donald Trump qua truyền hình. nbcnewyork.com
Người dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận của Hillary Clinton và Donald Trump qua truyền hình. nbcnewyork.com

 

Đã hết thời của các chính trị gia nói dối?

Dẫu thế nào, mọi điều hai người họ nói ra trong 90 phút ngắn ngủi tối thứ hai (giờ Mỹ) đã được điều nghiên kỹ lưỡng có lẽ là chưa bao giờ có tiền lệ bởi một đám đông khán giả đang ngày càng phân cực.

Báo Mỹ The New York Times ước tính đã có tới 100 triệu khán giả theo dõi cuộc tranh luận, vượt qua kỷ lục 80 triệu người trước đó của cuộc đấu Jimmy Carter - Ronald Reagan năm 1980.

Những kết quả thăm dò dư luận sít sao và sự tò mò của cử tri về một ứng viên khác thường (Trump) chắc chắn có vai trò lớn. “Điều này gợi nhớ lại một hiện tượng tưởng như đã biến mất trong thời đại kỹ thuật số - Andrew Heyward, cựu tổng giám đốc CBS News, nói - Khi dân Mỹ tụ tập xung quanh vô tuyến truyền hình”.

Tuy nhiên, cuộc chiến hiện giờ đã hoàn toàn khác những năm 1980. Hiện còn khoảng 8% các cử tri có đăng ký vẫn chưa quyết định, theo một cuộc thăm dò của New York Times/CBS News, không nhiều, nhưng có thể là con số quyết định cuộc đua.

Và để giành giật những cử tri đó, chỉ những gì hai ứng viên nói trên truyền hình sẽ là không đủ. Cuộc tranh luận, mà giới phân tích chuyên gia nói bà Clinton đã thắng (những kết quả thăm dò sau đó lại rất lộn xộn), chỉ là mào đầu cho những đòn đánh từng cú một trên mạng xã hội, trên các trang truyền trực tiếp trực tuyến (livestream) và cả trên báo chí truyền thống sau đó.

“Dù cho bạn có xem cuộc tranh luận ở đâu, Facebook Live hay NBC hay Fox News - Charles L. Ponce de Leon, tác giả cuốn That’s the way it is, một lịch sử tin tức trên truyền hình, nhận xét - mọi khoảnh khắc bạn xem sẽ bị tràn ngập bởi những phân tích trực tiếp, kiểm tra dữ kiện (fact check) ngay lập tức và cả các bình luận không ngớt”.

Riêng cuộc tranh luận về kiểm tra dữ kiện cũng đã nói lên rất nhiều điều về việc văn hóa chính trị đã thay đổi ra sao ở Mỹ, khi các ranh giới giữa sự thật và giả tưởng ngày càng mờ nhạt. Trump có thể nói ông là người phản đối chiến tranh.

Clinton khẳng định bà chưa từng nói TPP là một cơ hội vàng. Cũng không khác so với việc Vladimir Putin tuyên bố không có quân Nga ở Cremia hay những người vận động cho Brexit nói sẽ hướng 350 triệu bảng tiết kiệm được khi rời EU vào quỹ bảo hiểm y tế của Anh.

Politifact, một trang chuyên kiểm chứng các tuyên bố chính trị chẳng hạn, thậm chí tổng kết rằng Trump chỉ vượt qua được kiểm tra dữ kiện, tức không nói chuyện tiền hậu bất nhất, không đưa thông tin sai lạc, hay không nêu đầy đủ dữ kiện, trong 16% những lần ông mở miệng.

Clinton cũng chỉ qua được kiểm tra 52%, nhưng so với Trump đã là quá thành thực. Tất nhiên, trong chính trị thì giá trị của sự thật chỉ là tương đối. Từ năm 1873, Friedrich Nietzsche đã viết rằng “sự thật chỉ là ảo ảnh về những gì một người đã quên”. Điều đó thật sự đúng trong cuộc tranh luận tối thứ hai.

Gần như từng dữ kiện họ đưa ra trong cuộc trao đổi đều được kiểm tra lại trên nhiều trang của Mỹ, mà thú vị nhất có lẽ là trên Washington Post. Một vài ví dụ: Trump nói “Tôi không ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq”. Kiểm tra: Hoàn toàn sai.

Washington Post nói từ năm 2002, họ không tìm thấy một tuyên bố nào của ông phản đối cuộc chiến đó. Trump nói: “Số vụ giết người (ở thành phố New York) đã tăng”. Sự thật: Năm nay ở New York đã có 246 vụ sát nhân, giảm so với 257 cùng kỳ năm ngoái. Clinton: “Ngài (Trump) đã đưa doanh nghiệp tới chỗ phá sản 6 lần”, Trump thì nói chúng tôi “đã vận dụng luật (phá sản) 4 lần”. Sự thật: 6 lần. Cứ như thế, từng tuyên bố một bị bóc trần nhờ vào dữ liệu quy mô lớn, thông tin số hóa và cả sự tham gia của mạng xã hội.

Ngoài việc gần như mọi tờ báo lớn ở Mỹ đều có bộ phận kiểm tra dữ kiện của riêng họ cho cuộc tranh luận, rất nhiều trang mạng chỉ dành riêng thời gian và công sức cho việc đó, bao gồm Politifact, Factcheck.org, Claimbuster... Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo chính việc “vạch lá tìm sâu” quá kỹ lưỡng như thế có thể lại càng củng cố định kiến của các cử tri, điều không có lợi cho nền dân chủ.

Trump, kẻ ngắt lời

Trong cuộc tranh luận hôm thứ hai, Donald Trump đã 25 lần ngắt lời Hillary Clinton trong 26 phút đầu tiên. Khi cuộc tranh luận kết thúc, Trump đã ngắt lời Clinton 51 lần, trong khi Clinton ngắt lời Trump 17 lần. Người điều phối Lester Holt đã 70 lần cắt ngang Clinton và 47 lần cắt ngang Trump. Các nghiên cứu khoa học cho thấy phụ nữ hay bị cướp lời hơn nam giới trong các cuộc đối thoại và tranh luận, nhưng bà Clinton đặc biệt hay gặp phải các đối thủ chính trị như thế. Khi bà chạy đua vào thượng viện năm 2000, đối thủ của bà Rick Lazio từng rời bục của mình tiến lại gần bà, một động thái mang tính chất khiêu khích và có phần đe dọa. Sau sự kiện đó, cuộc vận động của Lazio lao dốc, và chính sự nghiệp chính trị của ông không còn ngóc đầu lên được nữa. Trump có vẻ đã học được điều đó và kiềm chế hơn nhiều so với những phát ngôn coi thường phụ nữ của ông.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận