30/07/2014 10:30 GMT+7

"Đậu hủ mẹ em ngon nhất huyện"

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Đằng sau những điểm số vàng trong kỳ thi ĐH 2014 là biết bao câu chuyện rớt nước mắt của những thủ khoa, á khoa vượt lên hoàn cảnh, số phận khó khăn của mình để học giỏi...

jDTNzQZx.jpgPhóng to
Thủ khoa Phạm Thị Ngọc Biển - Ảnh: Ngọc Hiền

Phạm Thị Ngọc Biển - cô bé thỉnh thoảng vẫn theo mẹ bán đậu hủ ngày nào - đã làm nên một kỳ tích khi đạt điểm cao nhất vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong kỳ thi tuyển sinh năm nay với số điểm 26, trong đó điểm văn 7,75, lịch sử 9,25 và địa lý 8,75.

Cùng Tuổi Trẻ “Tiếp sức đến trường”

Với phương châm không để bất kỳ tân sinh viên khó khăn nào phải bỏ học, Tuổi Trẻ mời bạn đọc giới thiệu hoặc viết về gương bạn trẻ vượt khó học giỏi để giúp họ có cơ hội được đến giảng đường. Mọi liên lạc theo số điện thoại 0962.324411 hoặc 08.39973838 gặp ban công tác xã hội, email: [email protected].

“Đậu hủ của mẹ em ngon nhất huyện Lắk” - Ngọc Biển (tên ở nhà là Muối) nói vui về gánh đậu hủ của mẹ - bà Nguyễn Thị Bê (tổ 2, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Suốt 14 năm nuôi các con ăn học, hằng ngày bà Bê dậy từ sớm ngâm, xay, ủ đậu nành để làm đậu hủ. Quá trưa, bà Bê đẩy xe đậu hủ ra bán ở chợ Liên Sơn kiếm 50.000-70.000 đồng/ngày. Số tiền ấy cùng với thu nhập từ việc nuôi heo, bà Bê dùng chi phí ăn uống cho gia đình bốn người và việc học cho các con.

Bà Bê có ba người con. Hai năm trước, khi chồng mất, người con cả xin nghỉ học để phụ mẹ nuôi hai em gái ăn học nhưng bà khuyên: “Con cố gắng vì đi được nửa quãng đường ĐH rồi”. Nghe lời mẹ, ba năm ĐH là ba cái tết người con trai cả phải ở lại TP Quy Nhơn (Bình Định) làm thêm. “Trước khi thi ĐH, cháu Muối hỏi tôi nếu thi đậu mẹ có tiền cho con học không? Dù chưa biết xoay xở ở đâu nhưng tôi vẫn nói để con yên tâm. Nhưng con lại động viên tôi yên tâm. Cháu nói vào ĐH sẽ đi làm thêm, sẽ học giỏi để có học bổng trang trải việc học. Cháu còn nói đi làm thêm sẽ dành dụm tiền mua bếp gas tặng mẹ, khỏi phải thổi bếp củi. Nghe con nói hồn nhiên về ước mơ, quyết tâm về chặng đường phía trước tôi không khỏi chạnh lòng” - bà Bê rơm rớm nước mắt kể.

Ông Thuận, một người hàng xóm của bà Bê, cũng kể dù hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng Muối chịu khó học tập. Ngoài giờ học, Muối tranh thủ phụ bán cà phê, bán sim, card điện thoại phụ giúp mẹ trang trải việc học cho mình.

Ngọc Biển là tân thủ khoa của ngành báo chí năm nay. Ước mơ từ lâu của Biển là trở thành phóng viên, được đi đến các bản làng xa xôi, kể những câu chuyện của cuộc sống khắp nơi. “Cuối năm lớp 11 mình được nhà trường cho đi giao lưu với mấy cô chú nhà văn, nhà báo ở TP Buôn Ma Thuột. Một nhà báo nữ kể về những chuyến đi, những vất vả trong nghề báo, nhất là nhà báo nữ, phải hi sinh rất nhiều khi chọn nghề này. Nhưng bù lại hạnh phúc của nghề này là được đi, được gặp, được sẻ chia câu chuyện và cảm nhận cuộc sống xung quanh. Mình chọn thi báo chí là vì vậy” - Ngọc Biển thổ lộ.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên