​Dấu hiệu và biểu hiệu

TTCT - 1. Đây là lần thứ tư sau cũng ngần ấy năm họ đối mặt với vấn đề: nên mang món quà sinh nhật nào cho chàng trai trẻ đang mắc căn bệnh loạn trí kinh niên.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Cậu chẳng có ham muốn nào. Với cậu thì những vật thể do con người tạo ra hoặc là những tổ ong quái ác, bần bật rung cùng một thứ xung động hiểm độc mà cậu không thể nào đơn côi lĩnh hội được, hoặc là những thứ tiện nghi thô thiển mà cậu không biết sử dụng vào đâu trong thế giới trừu tượng của mình.

Sau khi bỏ qua vài vật phẩm có thể làm cậu khó chịu hoặc sợ hãi (chẳng hạn bất cứ thứ gì có thể dùng làm dụng cụ cũng bị cấm), bố mẹ cậu chọn món quà vặt vô hại và ngon lành: một giỏ đựng mười loại mứt trái cây khác nhau trong mười cái lọ nhỏ. 

Ngày cậu ra đời, họ đã cưới nhau được một thời gian khá lâu; hai chục năm trôi nhanh, và giờ thì họ đã già lắm rồi. Mái tóc màu nâu xám của bà đã điểm bạc và được sửa soạn qua quýt. Bà mặc bộ đồ đen rẻ tiền.

Không giống những phụ nữ cùng tuổi (giả dụ như bà Sol, hàng xóm nhà bên cạnh, người có gương mặt hồng và tím hoa cà do trang điểm, đội chiếc mũ là bó hoa ven suối), bà phơi gương mặt trắng bợt trần trụi trước ánh sáng nghiệt ngã của ngày xuân.

Chồng bà, một doanh nhân từng khá thành đạt ở đất nước quê hương xưa kia, giờ đây phụ thuộc toàn bộ vào ông em trai Isaac, một người Mỹ thực thụ với gần bốn mươi năm định cư. Họ hiếm khi gặp ông ấy và đặt cho ông biệt hiệu “Hoàng tử”.

Thứ sáu ấy, mọi chuyện không đâu vào đâu. Tàu điện ngầm bị mất điện nguồn giữa hai ga, và trong khoảng một phần tư giờ, người ta chẳng nghe được gì ngoài tiếng đập mẫn cán của trái tim mình cùng tiếng sột soạt của những tờ báo.

Chiếc xe buýt họ phải đón để đi tiếp đã bắt họ đợi đến hàng thế kỷ, và khi nó đến thì đã bị nhồi nhét đầy ngộn lũ học sinh trung học mồm mép tía lia. Trời mưa to khi họ bước theo con đường màu nâu dẫn đến bệnh viện tâm thần.

Ở đó, họ lại phải chờ đợi, và thay vì cậu con trai lê chân vào phòng như cậu vẫn thường làm (gương mặt tội nghiệp của cậu lem luốc mụn trứng cá, nham nhở vết râu cạo ẩu, rầu rĩ, bối rối), một cô y tá họ quen mặt, và chẳng quan tâm đến, cuối cùng cũng xuất hiện và vui vẻ giải thích rằng cậu lại vừa cố tìm cách kết liễu đời mình.

Cậu đã ổn, cô nói, nhưng chuyến thăm viếng này có thể quấy rầy cậu. Nơi đây thiếu nhân viên một cách khủng khiếp, còn đồ đạc rất dễ bị thất lạc hoặc lộn xộn hết cả, thành thử họ quyết định không để quà lại văn phòng mà mang nó đến cho cậu khi họ quay lại đây lần sau.

Bà chờ chồng mở cây dù rồi sau đó khoác tay ông. Ông không ngừng hắng giọng, theo cái kiểu âm vang đặc biệt như ông vẫn làm mỗi khi phiền muộn. Họ đến trạm chờ xe buýt bên kia phố và ông xếp dù lại. Vài bước gần đó, dưới cái cây ướt sũng đang đung đưa, một con chim nhỏ xíu chưa đủ lông đủ cánh, nửa sống nửa chết, đang bất lực co giật trong vũng nước.

Suốt quãng đường dài đến ga tàu điện ngầm, bà với chồng không trao đổi nửa lời, mỗi khi bà liếc nhìn đôi bàn tay già nua của ông (tĩnh mạch nổi phồng lên, làn da lốm đốm đồi mồi) đang nắm chặt và co giật trên cán chiếc dù, bà thấy nước mắt dâng lên và chỉ chực trào ra... 

Lần cuối cùng cậu cố gắng làm chuyện ấy, cách cậu thực hiện là, theo lời bác sĩ, một kiệt tác sáng tạo. Lẽ ra cậu đã thành công nếu như một gã bệnh nhân ganh ghét không nghĩ là cậu đang học bay - và ngăn cản cậu. Việc cậu thật sự muốn làm lại là khoét một lỗ trong thế giới của cậu và trốn thoát. 

Hệ hoang tưởng của cậu từng là chủ đề của những bài nghiên cứu công phu trong nhiều nguyệt san khoa học, nhưng trước đó rất lâu, bà và chồng đã giải đoán được nó rồi. “Chứng hoang tưởng liên hệ” - Herman Brink đã gọi nó như vậy.

Trong những ca rất hiếm gặp này thì bệnh nhân hình dung rằng tất tần tật mọi thứ xảy ra xung quanh hắn đều chứa đựng những ám chỉ úp úp mở mở tới cá nhân hắn cùng sự hiện hữu của hắn. Bệnh nhân loại trừ người thật ra khỏi âm mưu - do hắn tự coi mình là thông minh hơn rất nhiều so với những người khác.

Thiên nhiên diệu kỳ bí mật theo dõi hắn dù hắn có đi bất cứ nơi đâu. Những đám mây trên bầu trời đăm đắm truyền cho nhau, bằng những dấu hiệu chậm rãi, các thông tin cặn kẽ đến mức không thể tin nổi về hắn.

Lúc màn đêm buông xuống, lũ cây cối khoa chân múa tay đầy vẻ ám muội, theo những mẫu tự cử chỉ, luận bàn về những suy nghĩ thầm kín nhất của hắn. Sỏi đá hay vết bẩn hay đốm nắng tạo hình các mẫu hoa văn miêu tả theo cách thức khủng khiếp nào đó những thông điệp mà hắn buộc phải chặn được.

Vạn vật là mật mã và hắn là chủ đề của vạn vật. Vài điệp viên là những kẻ theo dõi khách quan, ví dụ như các mặt kính và những vũng nước phẳng lặng; bọn khác, chẳng hạn những chiếc áo khoác trong khoang tủ kính bày hàng, là những chứng nhân đầy định kiến, những đao phủ máu lạnh; những kẻ khác nữa (nước chảy, bão dông) thì cuồng loạn đến mức điên dại, có quan điểm méo mó về hắn và hiểu nhầm một cách lố bịch về các hành vi của hắn.

Hắn lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng và dâng hiến từng phút từng mẩu đời mình cho việc giải mã những gợn sóng của vạn vật. Chính thứ không khí hắn thở cũng được lập chỉ mục và lưu trữ lại. Phải chi những mối quan tâm được hắn khơi lên chỉ giới hạn trong vùng môi trường ngay xung quanh hắn thì cũng không sao - nhưng, than ôi, chuyện không phải như vậy!

Càng xa cách, những luồng đơm đặt man dại càng tăng âm lượng và dung lượng.

Hình bóng những hồng huyết cầu của hắn, được khuếch đại lên hàng triệu lần, bay lượn trên những bình nguyên mênh mông; và xa hơn nữa, những ngọn núi khổng lồ cao ngất và vững chắc đến không thể chịu nổi đang đúc kết lại, theo thuật ngữ của đá hoa cương và những cây linh sam rên rỉ, chân lý tối thượng về sự tồn tại của hắn.

2. Lúc họ trồi lên được khỏi tiếng sấm sét và bầu không khí hôi hám ở đường tàu điện ngầm, những dư tàn còn sót lại của ngày đang hòa lẫn với ánh đèn đường. Bà muốn mua ít cá cho bữa tối nên bà đưa ông cái giỏ đựng những lọ mứt, bảo ông đi về nhà.

Ông đang bước lên chiếu nghỉ thứ ba của cầu thang thì chợt nhớ ra ông đã đưa bà cầm chùm chìa khóa của ông vào lúc đầu ngày.

Ông lặng lẽ ngồi trên những bậc thang và lặng lẽ nhổm dậy khi khoảng chục phút sau bà về, nặng nề lê bước lên gác, cười thiểu não, lắc lắc đầu phê phán sự ngờ nghệch của mình. Họ bước vào căn hộ hai buồng của họ và ngay lập tức ông đi về phía chiếc gương.

Vừa kéo hai khóe miệng mình banh ra bằng các ngón tay cái với vẻ mặt nhăn nhó như chiếc mặt nạ khủng khiếp, ông vừa tháo hàm răng giả mới tinh bất tiện đến tuyệt vọng và ngắt đứt những chiếc nanh nước dãi dài thượt nối kết ông với nó.

Ông đọc tờ báo tiếng Nga trong lúc bà bày biện bàn ăn. Vẫn không ngừng đọc, ông nuốt những món ăn nhợt nhạt không cần đến răng. Bà hiểu tâm trạng ông và cũng lặng thinh. 

Khi ông đã đi nằm, bà vẫn còn ở lại trong phòng khách với bộ bài tây nhem nhuốc và những cuốn album cũ kỹ. Bên kia cái sân hẹp nơi mưa rơi lanh tanh trong bóng tối lên những thùng đựng tro méo mó, các cửa sổ ngời sáng dịu êm và qua một trong số chúng có thể nhìn thấy một người đàn ông mặc quần đen với hai khuỷu tay để trần giơ lên cao đang nằm ngửa trên chiếc giường bừa bộn.

Bà kéo rèm cửa xuống và ngắm nghía những tấm ảnh. Lúc còn bé, nhìn cậu có vẻ ngạc nhiên hơn phần lớn những đứa trẻ khác. Từ nếp gấp trong cuốn album, cô hầu người Đức họ từng thuê ở Leipzig và vị hôn phu mặt bệu của cô rơi ra ngoài.

Minsk, Cách mạng, Leipzig, Berlin, Leipzig, mặt tiền một ngôi nhà xiêu vẹo mất nét tệ hại. Bốn tuổi, trong công viên: đăm chiêu, bẽn lẽn, với cái trán nhăn, đưa mắt ngó lơ con sóc háo hức, hệt như cậu vẫn lảng tránh bất cứ thứ gì khác lạ.

Dì Rosa, một bà già nhặng xị, gầy giơ xương, mắt dài dại, sống trong một thế giới run rẩy rặt những tin xấu, nào phá sản, nào tai nạn tàu xe, nào sự bùng phát bệnh ung thư - cho đến khi bọn Đức lùa dì vào cõi chết, cùng lúc với tất cả những người mà dì vẫn lo lắng.

Sáu tuổi - đó là khi cậu vẽ những con chim phi thường với đôi tay và đôi chân người phàm, và chịu đựng chứng mất ngủ như một gã đàn ông trưởng thành. Anh họ cậu, giờ là kỳ thủ nổi tiếng.

Lại là cậu, khoảng tám tuổi, đã khó hiểu, sợ giấy dán tường hành lang, sợ một bức tranh nào đó trong cuốn sách đơn thuần cho người ta thấy phong cảnh đồng quê với những khối đá trên sườn đồi và chiếc bánh xe thồ cũ kỹ treo trên cành một cái cây trụi lá.

Mười tuổi: năm họ rời khỏi châu Âu. Nỗi hổ thẹn, lòng trắc ẩn, cảnh túng bấn nhục nhã, những đứa trẻ cá biệt, xấu xí, hư hỏng mà cậu phải học cùng tại cái trường đặc biệt ấy.

Và rồi thời gian ấy trong đời cậu đến cùng lúc với thời kỳ dưỡng bệnh kéo dài sau khi bị viêm phổi, lúc những ám ảnh bé bỏng ấy của cậu, những ám ảnh mà cha mẹ cậu cứ ngoan cố xem như tính lập dị của một đứa trẻ thiên tài phi thường, kết lại, có thể nói là thành mớ bùng nhùng chặt cứng những ảo giác tương tác logic, làm cho cậu hoàn toàn không thể tiếp cận được tới lý tính thông thường.

Bà chấp nhận tất cả những chuyện này, và cả nhiều chuyện khác nữa. Bởi lẽ rốt cuộc thì sống nghĩa là chấp nhận đánh mất hết niềm vui này đến niềm vui khác, thậm chí trong cảnh của bà thì đến niềm vui cũng chẳng có, mà chỉ là những triển vọng sáng sủa hơn thôi.

Bà nghĩ về những đợt đau nhức liên miên do nguyên nhân nào chẳng rõ mà bà và chồng đang phải chịu đựng; về những quái vật khổng lồ vô hình vẫn hành hạ con trai bà theo những cách thức nào đó không thể tưởng tượng nổi; về sự mong manh nhiều không đếm xuể trên Trái đất này; về định mệnh của những mong manh ấy, những thứ sẽ bị nghiền nát hoặc bị quăng đi, hoặc bị làm cho biến thành điên loạn; về những đứa trẻ bị bỏ rơi ư ử tự hát cho mình nghe ở những góc phố không ai quét dọn; về những cây cỏ dại tuyệt đẹp không giấu được mình khỏi bác nông dân và phải bất lực dõi theo bóng dáng gù như khỉ của bác bỏ lại những bông hoa xơ xác theo những bước chân, tựa như bóng tối hắc ám gớm guốc đang tiến đến gần. 

3. Đã quá nửa đêm khi, từ phòng khách, bà nghe thấy chồng mình rên rẩm, và ngay sau đó ông loạng choạng bước vào, khoác ra ngoài bộ đồ ngủ của mình một cái áo choàng cũ cổ lông cừu non mà ông vẫn ưng hơn chiếc áo choàng tắm màu xanh lam rất đẹp. 

“Anh không thể nào ngủ được!” - ông than vãn. 

“Sao vậy? - bà hỏi - Sao anh lại không ngủ được? Anh mệt thế cơ mà”.

“Anh không thể ngủ được vì anh đang hấp hối” - ông nói và nằm xuống đivăng. 

“Có phải do dạ dày không? Anh có muốn em gọi cho bác sĩ Solov không?”.

“Không cần bác sĩ đâu, không cần bác sĩ - ông rên rẩm - Quỷ tha ma bắt bọn bác sĩ đi! Ta phải nhanh chóng mang nó ra khỏi nơi đó. Nếu không thì ta sẽ phải chịu trách nhiệm... Phải chịu trách nhiệm!”. Ông nhắc lại và lật người qua tư thế ngồi, hai chân đặt trên sàn nhà, đấm bàn tay nắm chặt lên trán mình.

“Được rồi - bà khe khẽ nói - Sáng mai ta sẽ đưa nó về nhà”.

“Anh muốn uống chút trà” - chồng bà nói và lánh mình vào phòng tắm.

Khó nhọc cúi người xuống, bà gom lại mấy lá bài và vài tấm ảnh bị tuột xuống sàn nhà - cây bồi cơ, cây chín pích, cây xì pích, cô hầu Elsa cùng với gã trai đỏm đáng dâm đãng của ả. 

Ông vừa quay lại với tâm trạng phấn khích, vừa nói lớn tiếng:

“Anh đã tính xong hết rồi. Ta sẽ nhường phòng ngủ cho nó. Mỗi người chúng ta sẽ qua một phần đêm bên cạnh nó và phần còn lại trên chiếc đivăng này. Thay phiên nhau. Ta sẽ nhờ bác sĩ thăm nom nó ít nhất là hai lần mỗi tuần. Kệ cho Hoàng tử nói gì thì nói. Dẫu sao thì ông ấy cũng chẳng kêu ca gì đâu, bởi sẽ đỡ tốn tiền hơn”.

Điện thoại đổ chuông. Thường nó chẳng bao giờ đổ chuông vào giờ này. Chiếc dép lê chân trái của ông tuột đâu mất và ông mò mẫm tìm nó bằng gót và ngón chân trong lúc đứng ngay giữa phòng, há cái miệng không răng về phía vợ một cách rất trẻ con. Do bà thạo tiếng Anh hơn ông nên bà là người trả lời điện thoại.

“Có thể cho tôi nói chuyện với Charlie được không ạ? - giọng nhỏ nhẹ buồn buồn của cô gái nào đó nói với bà. 

“Cô muốn gọi số nào thế? Không phải. Cô gọi nhầm số rồi”.

Bà nhẹ nhàng đặt ống nghe xuống và đặt tay lên trái tim già mệt mỏi. 

“Nó làm em sợ quá” - bà bảo.

Ông nở nụ cười mau lẹ và ngay lập tức tiếp tục bài độc thoại sôi nổi của mình. Họ sẽ đưa cậu về ngay khi ngày mới đến. Dao sẽ phải được cất vào ngăn kéo khóa kín. Thậm chí trong trạng thái tồi tệ nhất thì cậu cũng sẽ không làm hại được người khác.

Điện thoại lại đổ chuông lần thứ hai. Vẫn giọng nói trẻ trung, bồn chồn, buồn bã ấy xin gặp Charlie. 

“Cô gọi nhầm số rồi. Tôi sẽ chỉ cho cô biết cô đang làm gì. Cô quay nhầm chữ O thay vì số không đấy”. 

Họ ngồi xuống thưởng thức bữa tiệc trà đột xuất giữa đêm của họ. Món quà sinh nhật nằm trên bàn. Ông sụp soạp nhấp, mặt ông đỏ bừng, thỉnh thoảng ông lại nâng tách trà lên lắc tròn để cho đường tan ra kỹ hơn. Tĩnh mạch trên một bên cái đầu hói của ông, nơi có vết bớt lớn, nổi lên rõ mồn một và mặc dù ông mới cạo sáng nay, những sợi râu bạc hiện ra trên cằm ông.

Trong lúc bà rót cho ông tách trà khác, ông đeo kính lên khoan khoái ngắm nghía những chiếc lọ nhỏ tỏa ánh sáng vàng, lục và đỏ. Đôi môi ướt, vụng về của ông đánh vần các nhãn hiệu sặc sỡ của chúng - mơ, nho, mận biển, mộc qua. Đúng lúc ông cầm đến lọ táo dại thì điện thoại lại đổ chuông. 

Nhà văn Vladimir Nabokov - Ảnh:bookriot.com
Nhà văn Vladimir Nabokov - Ảnh:bookriot.com

Dấu hiệu và biểu hiệu (Signs and symbols) là một trong những truyện ngắn được đánh giá là xuất sắc nhất của Vladimir Nabokov - nhà văn Mỹ gốc Nga, tác giả Lolita. Tác phẩm được viết bằng tiếng Anh và xuất bản lần đầu vào ngày 15-5-1948 trên tờ The New Yorker (*).

Sau đó, vào năm 1958, được đưa vào cuốn Nabokov's Dozen (Doubleday & Company, Garden City, New York).

Mặc dù rất ngắn, nhưng truyện sẽ để lại cho độc giả những ám ảnh khó quên, những câu hỏi không có lời đáp. Đằng sau, và quyện vào những tình tiết của nó có những câu chuyện lớn hơn về thân phận con người.

Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng người ta vẫn không thôi thắc mắc về số phận cậu con trai, về cuộc điện thoại thứ ba, về những gì hai vợ chồng già nhìn thấy trong ngày hôm đó. Và trong khi mải mê tìm mối liên quan giữa những chi tiết rải đầy trong mê cung câu chuyện, biết đâu người đọc sẽ thảng thốt thấy đâu đây nụ cười trí huệ của nhà văn. 

(*): http://www.newyorker.com/magazine/1948/05/15/symbols-and-signs

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận