Cúm mùa có thể gây tử vong
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho hay thực tế vẫn ghi nhận nhiều ca tử vong vì cúm hằng năm. Mỗi năm, thế giới có khoảng 1 tỉ ca mắc cúm, 3-5 triệu ca diễn biến nặng và 400.000-700.000 ca tử vong.
"Tại Việt Nam, mặc dù có ca tử vong do cúm mùa, nhưng bệnh lý này hay gặp nên nhiều người chủ quan", bác sĩ Hoàng nhận định.
Theo bác sĩ Hoàng, cúm mùa (chủ yếu cúm A và cúm B) gây suy giảm sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Người bệnh có thể tử vong do một số lý do như viêm phổi do vi rút, gây suy hô hấp. Với trường hợp này việc dùng kháng sinh không có tác dụng.
Cúm mùa gây suy giảm hệ miễn dịch, gây viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, gây suy hô hấp. Nhiễm khuẩn huyết, cũng do bội nhiễm vi khuẩn. Cúm mùa cũng có thể gây ra viêm cơ tim.
Bên cạnh đó, cúm mùa còn làm tăng tình trạng viêm, gây hội chứng tăng đông, dễ hình thành cục máu đông.
Do vậy, trên bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, hen phế quản, COPD, bệnh tim mạch... nhiễm cúm mùa làm tăng gấp 5-6 lần nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não, tắc mạch phổi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay nhiều người vẫn nghĩ cúm mùa là bệnh thông thường không nguy hiểm, nhưng thực tế tại các bệnh viện lại cho thấy rất nhiều ca nặng phải nhập viện.
Trong đó, hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh lý nền. Đáng ngại nhất là biến chứng viêm phổi nặng, có thể dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng.
"Viêm phổi nặng của bệnh nhân có thể là khởi động của nhiễm vi rút cúm gây ra. Sau đó nhiễm thêm vi khuẩn khác nữa đó là điều kiện thuận lợi, trên cơ địa bệnh nhân có bệnh nền thì đó là yếu tố tăng nặng cho người bệnh, tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác như bội nhiễm vi khuẩn kèm theo như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nặng hơn sẽ dẫn đến suy hô hấp hoặc suy đa tạng...", ông Cường cho hay.
Dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần cẩn trọng
Theo bác sĩ Hoàng, người có hệ miễn dịch bình thường mắc cúm có thể chỉ có triệu chứng nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng và khỏi bệnh sau 5-7 ngày. Đối với người có bệnh nền, người cao tuổi, trẻ em cần cẩn trọng khi mắc cúm.
Theo các bác sĩ, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm mùa thường xuất hiện một cách đột ngột. Người mắc cúm có thể trải qua một hoặc nhiều trong số các triệu chứng như sốt hoặc cảm giác rét run; ho kéo dài; đau họng rát; tắc nghẽn mũi hoặc chảy nước mũi liên tục.
Đau cơ và mệt mỏi chung toàn thân; đau đầu dữ dội; mệt mỏi không rõ nguyên nhân; nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt phổ biến ở trẻ em.
Bên cạnh đó các trường hợp nặng có thể tiến triển đến các triệu chứng như khó thở; nhịp tim nhanh; hạ huyết áp.
Với các trường hợp nặng, có thể cần can thiệp hỗ trợ hô hấp trong vòng ít nhất 48 giờ.
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh cần theo dõi các biểu hiện hô hấp khi mắc cúm mùa. "Nên nhập viện ngay nếu có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh nông, SpO2 hạ dưới 95%", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Phòng bệnh cúm mùa thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận