Đau gót chân khi đứng, khi đi lại có nhiều nguyên nhân nhưng hay gặp nhất là do gai xương gót. Vậy gai xương gót là gì? Các nguyên nhân gây đau gót chân là gì?
Ông N.T.H, 42 tuổi, thường xuyên đi đánh tennis nhiều năm nay. Đột nhiên bị đau gót chân. Ông đến khám phòng mạch tư được bác sĩ cho thuốc kháng viêm, giảm đau. Uống thấy đỡ, nhưng cứ ngưng thuốc là đau lại. Đến khám tại bệnh viện Nhân Dân 115, được cho chụp phim X-quang và phát hiện ra gai xương gót.
Bà T.T.H, 55 tuổi, thường xuyên tập đi bộ mỗi ngày 3-5 km để giảm ký. Gần đây bà bị đau gót chân, đi lại khó khăn. Đi khám được bác sĩ cho uống Voltaren và Acemol thấy bớt. Nhưng chỉ ngưng thuốc 2-3 ngày là lại đau không đi lại được. Đến khám tại bệnh viện Nhân Dân 115 cũng được phát hiện gai xương gót.
Đau gót chân khi đứng, khi đi lại có nhiều nguyên nhân nhưng hay gặp nhất là do gai xương gót. Vậy gai xương gót là gì? Các nguyên nhân gây đau gót chân là gì?
1. Viêm gân gan chân
Bàn chân bạn có một lớp cân (gân) bám từ xương gót kéo dài ra năm ngón, khi vận động chạy nhảy, nơi bám của lớp cân này tại xương gót chịu một lực căng rất lớn. Do nhiều nguyên nhân chỗ bám này bị suy yếu, viêm mãn tính, rồi ngấm đọng chất canxi nên khi chụp X.Quang bạn thấy có nốt vôi hóa chỗ đầu cân bám vào xương gót chứ không phải là xương gót mọc gai. Nguyên nhân bạn thấy đau đó là do đầu cân bị viêm mãn tính chứ không phải gai xương đâm vào làm bạn đau.
Căn bệnh này xuất hiện tự nhiên. Sáng sớm ngủ dậy, người bệnh bước chân xuống giường thấy đau thốn dưới gót như bị kim đâm. Sau đó đi vài bước hoặc vận động một lúc thì thấy hết đau. Tuy nhiên cũng có người đau suốt cả ngày, cứ ngồi nghỉ một lúc đứng dậy là có cảm giác thốn khó chịu dưới gót. Nếu lấy ngón tay ấn dưới đế gót lệch nhẹ vào trong sẽ có cảm giác đau thốn. Khi đi chụp phim X-quang nhiều người thấy có hình ảnh một chồi xương nhọn ở dưới xương gót, bác sĩ chẩn đoán là gai xương gót, phù hợp với cảm giác kim đâm dưới gót.
Tất cả những điều này cộng lại tạo ra một ám ảnh đối với người bệnh: trong cơ thể mình, dưới gót chân có một cái gai. Sự lo lắng tăng dần khi uống thuốc không thấy giảm. Vì thế có nhiều người bệnh khi gặp bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cứ nằng nặc xin mổ cắt bỏ gai xương gót dù trong lòng còn nhiều ngổn ngang!
Thật ra như tên gọi, viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là một chứng viêm của cân gan chân. Cân gan chân là một dải gân xơ bám từ xương gót đến các chỏm xương bàn. Nó có tác dụng duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, khiến cho bàn chân có được độ nhún. Nó làm giảm nhẹ lực đè ép lên bàn chân khi vận động. Vì nó nằm giữa hai mặt phẳng cứng là xương gót và mặt đất, chính vì thế những người thường xuyên đi, đứng, chạy nhảy nhiều, nhất là bằng chân không, hay mang giày dép đế cứng, sẽ dễ bị tổn thương.
Bệnh viêm cân gan chân hay xảy ra trên những người từ 40-70, mập, hoạt động, đi lại nhiều. Riêng ở phụ nữ trung niên, viêm cân gan chân thường gặp ở những người có tiền sử bệnh viêm khớp dạng thấp, mang giày gót cao và nhọn, hoặc dép bằng, ít vận động thể dục thể thao hoặc vận động nhiều quá mức. Tất cả những yếu tố đó làm dải gân xơ mất dần đi sự co giãn mềm dẻo bình thường mà trở nên chai cứng, có khi còn ngấm đọng chất vôi gọi là viêm gân cốt hóa.
Điều này giải thích cho những hình ảnh X-quang có những chồi xương gót dài và nhọn. Tuy nhiên có những người chụp phim X-quang có chồi xương gót nhưng họ hoàn toàn không hề đau gót. Điều này chứng tỏ gai xương không phải là nguyên nhân gây đau gót cho người bệnh.
Điều trị:
Để chữa trị có hiệu quả, người bệnh cần phải loại bỏ những yếu tố gây nên chứng bệnh viêm cân gan chân đã nêu ở trên.
Cắt cơn đau gót:
- Thuốc giảm đau: kháng viêm NSAID, Paracetamol.v..v..
- Vật lý trị liệu: ngâm chân nước nóng, xoa bóp gan chân-gót chân.
- Nẹp hoặc bó bột một thời gian ngắn giúp tránh tiếp xúc gót chân và bất động gân viêm.
- Một bài tập nhẹ nhàng lúc sáng - tối có thể giúp bạn giảm đau, phòng ngừa tái phát.
Chà xát lòng bàn chân đau của bạn lên ống quyển chân còn lại 50 - 100 lần.
Đứng nhón gót chân tại chổ 50 -100 lần.
- Điều trị bệnh bao gồm : nghỉ ngơi, hạn chế tư thế đứng, tránh đi lại nhiều. Bệnh nhân có thể dùng các thuốc chống viêm giảm đau tại chỗ như diclofenac dạng gel bôi trực tiếp tại vùng đau, hoặc thuốc có tác dụng toàn thân như uống meloxicam, diclofenac, celecoxib…
Có thể kết hợp với thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol trong trường hợp đau nhiều. Nếu không đỡ thì có thể tiêm hydrocortison acetat hoặc methyl prednisolon acetat ( Medrol) - là dạng nhũ dịch tiêm khớp, tiêm trực tiếp vào vùng gai xương gót thường cho kết quả tốt.
- Sau khi các biện pháp trên không còn tác dụng, phẫu thuật mới được sử dụng đến. Phẫu thuật cắt 2/3 cân gan chân trong, giải phóng thần kinh gan chân. Hiếm khi nào lấy đi gai xương gót trừ phi bệnh nhân bị ám ảnh quá mức về cái gai ở gót chân. Tuy nhiên các biện pháp nào cũng vậy, không thể có kết quả tốt 100% cho tất cả các trường hợp; hơn nữa việc phẫu thuật sẽ làm bạn nghỉ thời gian lâu ít nhất 4-6 tuần.
Phòng ngừa:
- Loại bỏ các yếu tố gây đau gót như giày dép không thích hợp khi vận động, sinh hoạt và lao động để tránh tổn thương cân gan chân; điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Luyện tập tăng cường độ dẻo dai của cân gan chân như tập đứng nhón gót, nhảy dây, xoa bóp gan chân.
2. Viêm chỗ bám xương của gân gót
Cũng là đau gót nhưng là đau phía trên. Đây là vị trí gân gót bám vào củ sau của xương gót. Người bệnh cảm thấy đau nhức quanh gót chân, đau cứng bắp chân, lan lên gối. Đau nhiều khi gấp lưng bàn chân làm căng gân gót. Nguyên nhân chủ yếu là chấn thương do quá tải vận động. Thường gặp ở phụ nữ trung niên có bệnh thấp khớp, trước đây nghề nghiệp ít vận động, nay tập đi bộ, chơi tennis hoặc cầu lông gắng sức quá mức chịu đựng của cơ thể.
Có một số trường hợp bị viêm gân cốt hóa hoặc bị đứt gân gót trong khi chơi thể thao do độ co giãn kém của gân gót.
Điều trị:
Tốt nhất là cần phải điều chỉnh mức độ và kỹ thuật tập luyện cho thật phù hợp với từng cơ địa.
- Nghỉ ngơi, chườm lạnh
- Thuốc giảm đau: NSAID, Paracetamol...
- Xoa bóp với các loại thuốc kem dạng mát như Voltaren, Fastum, Profenid. ..
3. Gãy mỏi
Những chấn động không mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần trên nền xương yếu (loãng xương, thấp khớp, suy tĩnh mạch chi dưới...) có thể làm rạn vỡ cấu trúc vi thể của xương gót. Điều này gây đau nhức gót chân. Tuy nhiên không tìm thấy một điểm đau đặc hiệu ở vùng gót. Thường người bệnh cảm thấy đau hai bên gót, phía dưới mắt cá. Chỉ trên X. Quang mới phát hiện được dấu hiệu gãy mỏi với những đường gãy mờ cùng với lớp can xương mới đậm xung quanh. Vỏ xương gót mỏng cùng với mật độ xương kém cho thấy rõ hình ảnh loãng xương.
Điều trị:
Người bệnh cần phải nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tập vận động tại chỗ. Thuốc giảm đau thường không cần thiết. Tuy nhiên cần điều trị tích cực bệnh loãng xương để ngăn ngừa tái phát.
4. Suy tĩnh mạch chi dưới
Một số trường hợp suy tĩnh mạch chi dưới có biến chứng viêm tắc cũng có thể bị đau gót chân nhưng thường kèm theo sưng quanh mắt cá. Ấn đau dọc theo đường đi của các tĩnh mạch hiển lớn hay hiển bé. Thường kèm theo triệu chứng đau bắp chân, lan lên gối. Nhìn mu chân thấy các tĩnh mạch nông giãn ngoằn ngoèo dưới da. Vì hệ mạch máu trong xương gót thuộc hệ tĩnh mạch nên khi có viêm tắc, sự ứ nghẽn sẽ làm tăng áp lực máu trong xương gót gây căng tức. Bệnh nhân cảm thấy đau trong xương gót là do nguyên nhân này.
Điều trị:
- Nằm nghỉ kê chân cao, hạn chế đi lại trong vài ngày.
- Uống thuốc chống viêm tắc mạch như aspirin, streptokinase, kháng viêm NSAID như diclofenac...
- Uống thuốc điều trị suy tĩnh mạch như Daflon, Gingkofor...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận