Ảnh minh họa. Nguồn: hyluflex.com
Đau vùng sau gót chân bao gồm viêm gân gót (viêm gân Achille) và viêm bao hoạt dịch gân gót. Đối với viêm gân thì thường gặp ở những người vận động có cường độ cao hoặc gặp ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt những người trước kia là vận động viên. Khi đó gân gót bị kéo căng quá mức do vận động quá tải, cộng với những chấn thương lặp đi lặp lại mà không được xử trí đúng cách làm gân gót mất tính mềm dẻo, trở nên thoái hóa, có những tổn thương rách nhỏ, do đó dễ bị viêm, thậm chí đứt gân. Những yếu tố thuận lợi khác dễ gây viêm gân gót như thay đổi giày đi, thay đổi chế độ luyện tập, ví dụ tăng lượng vận động. Về điều trị: Ngưng những hoạt động gây đau, chườm đá tại chỗ, tập bài kéo giãn cơ bắp chân và mắt cá, đi giày dép có tác dụng nâng gót ở cả hai chân và có phần cứng bảo vệ gót chân, vật lý trị liệu như nhiệt nóng bằng paraffin, túi chườm, hồng ngoại, sóng ngắn.
Đối với viêm bao hoạt dịch hay còn gọi là túi hoạt dịch, là bộ phận dùng để bao bọc ổ khớp, có công dụng như một lớp đệm với nhiệm vụ chính là bảo vệ nơi tiếp giáp giữa các cơ, xương trong ổ khớp. Nếu lớp đệm này mất đi hoặc trong quá trình vận động màng bao bị kích thích gây viêm sẽ gây đau ở ổ khớp. Vị trí khớp dễ bị viêm bao hoạt dịch có thể kể đến như đầu gối, hông, khuỷu tay, vai, gót chân hay gốc ngón chân cái. Những phần khớp phải hoạt động thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại cùng một động tác cũng có nguy cơ cao bị viêm bao hoạt dịch. Một số triệu chứng của viêm bao hoạt dịch gót chân có thể là: Đau nhức và cứng khớp tại vị trí gót chân có bao hoạt dịch bị viêm; đau dữ dội hơn khỉ di chuyển hoặc ấn vào vị trí đó; khớp sưng đỏ, bầm tím hoặc có dấu hiệu phát ban tại vị trí khớp bị viêm; cơn đau kéo dài trên 2 tuần; có cảm giác đau chói khi vận động thể dục; vài trường hợp bệnh nhân có thể lên cơn sốt nhẹ;...
Để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch gót chân, các bác sĩ thường dựa trên tình trạng bệnh sử và kết quả thăm khám trực tiếp của bệnh nhân để đưa ra nhận định.
Viêm cân gan chân là nguyên nhân của đau mặt dưới gan chân. Cân gan chân là dải cân chạy từ mặt dưới các ngón chân đến tận cùng phía dưới của gót chân. Khi hoạt động, các động tác dồn lực nhiều lên gan chân như chạy nhảy, leo trèo, thậm chí đứng nhiều sẽ tác động lên cân gan chân, ban đầu gây kích thích cơ học, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm. Ở những người có bề mặt gan chân bất thường, ví dụ quá phẳng hoặc quá lõm hoặc béo phì, làm nghề phải đi bộ lâu hay đứng lâu,... là những yếu tố thuận lợi gây ra chứng đau gan chân. Khi thấy đau ở vùng gót chân, cơn đau tăng lên khi thay đổi động tác từ nằm lâu hay ngồi lâu sang động tác đứng, đặc biệt đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy bước chân xuống giường, sau khi đi lại vận động một lúc thì triệu chứng đau sẽ giảm dần đi thì đó chính là dấu hiệu bị bệnh ở gót chân.
Hội chứng đường hầm cổ chân mắc phải do chèn ép dây thần kinh chày sau dẫn đến đau hay rối loạn cảm giác như tê rát, tê cóng, căng chặt vùng bàn chân hay gót chân, về điều trị phải tùy theo nguyên nhân, nhưng có thể dùng các loại thuốc bao gồm thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiêm corticoid tại chỗ hay các biện pháp phẫu thuật giải phóng chèn ép.
Ngoài ra, đau gót chân còn do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, dẫm phải sỏi đá,... làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân. Thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là hết, thuốc giảm đau thông thường hay chống viêm giảm đau cũng có tác dụng tốt.
Nếu đau gót chân thông thường mà không được điều trị kịp thời có thể có diễn biến xấu hơn, như gai xương gót - là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài dẫn đến mọc xương tân tạo tại vùng gót chân. Điều trị gai xương gót cũng tương tự như điều trị viêm cân gan chân và hiếm khi cần phải mổ cắt bỏ gai.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị đau gót chân. Biện pháp thông thường đó là nghỉ ngơi, nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối, chườm túi đá vào vùng gót chân, tránh đi chân đất, tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng; đi giày dép có lót đế mềm hoặc giày dép chỉnh hình khi có bất thường xương bàn chân. Khi bị đau nhiều, nên đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận