08/05/2017 17:34 GMT+7

Đấu giá tranh Việt, sau 5 tháng vẫn chưa trả tiền

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

TTO - Sau vụ nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan tố nhà đấu giá Lythi Auction không chịu trả tiền bức tranh Cẩm chướng dù đã đấu giá thành công ngày 17-12-2016 với giá 65 triệu đồng, cho thấy việc đấu giá nghệ thuật Việt còn nhiều sơ hở.

Bức tranh Cẩm chướng và Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan - ẢNH: NVCC
Bức tranh Cẩm chướng và họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan - Ảnh: NVCC

Đấu giá tranh và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật còn nhiều mới mẻ tại nước ta, thậm chí mới bắt đầu hình thành từ vài năm qua với mong muốn bắt kịp theo trào lưu thế giới.

Một số nhà đấu giá Việt đang chính thức theo xu hướng mới này chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn… và nhóm đấu giá tranh trên mạng như Vietnam Art Space (VAS)…

Tuy nhiên phần lớn các cuộc đấu giá nước ta còn tổ chức khá lúng túng và hệ quả là chính người trong cuộc phải chịu nhiều thiệt hại.

Quên bắt khách thắng đấu giá đặt cọc tiền

Ngày 7-5, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết chị được nhà đấu giá Lythi Auction mời tham gia mở màn cho cuộc đấu giá đầu tiên do Lythi Auction tổ chức vào ngày 17-12-2016 với bức tranh sơn dầu Cẩm chướng và giá đấu thành công đã lên tới hơn 65 triệu đồng.

Do tin tưởng nhà đấu giá, chị Đan đã giao tranh để tham gia đấu và tự làm giấy chứng nhận giao tranh. “Lẽ ra nhà đấu giá phải có giấy chứng nhận nhận tranh từ họa sĩ cùng các hợp đồng chi tiết nếu đấu giá thành công thì sẽ thanh toán ra sao trong thời hạn thế nào.

Đằng này bên Lythi Auction không hề có gì, thậm chí còn ngạc nhiên khi tôi đưa ra giấy chứng nhận giao tranh và đòi ký xác nhận,” chị Đan nói.

Cũng chính vì thiếu hợp đồng cam kết giữa họa sĩ với nhà đấu giá nên khi xảy ra chuyện, chị Đan mới bức xúc. Sau nhiều lần nhắn tin đòi tiền bất thành, chị Đan bất lực đành “đòi” tranh về.

Việc nói tôi đồng ý giao tranh khi không có sự thanh toán là sai và bịa đặt. Việc loanh quanh chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi là thiếu tự trọng và rất phản cảm

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan

Đại diện bên Lythi Auction cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đã “trót” trao tranh cho người mua mà chưa thể thu được tiền.

Chị Lý Thị Bích Ngọc - đại diện Lythi Auction phân trần, bên nhà đấu giá đã nhắn tin đòi tiền nhiều lần với người mua, thậm chí đã gửi hóa đơn đòi tiền nhưng do người mua đi nước ngoài chưa về, nên chưa thu được tiền. 

Được biết bên Lythi Auction không hề thu trước tiền đặt cọc tranh (thông thường là 30%) đối với khách hàng mua bức Cẩm chướng, do tin tưởng người mua. Theo chị Ngọc, khách hàng này là do họa sĩ bảo lãnh và mời đến phiên đấu giá. Khi giao tranh dù chưa có thanh toán, cũng đã có sự đồng ý của chị Đan.

Tuy nhiên chị Đan đã phủ nhận việc mình là bạn của người mua tranh và không bảo lãnh tư cách chi trả của khách hàng này.

“Đừng lập lờ chuyện khách mời của họa sĩ và chuyện họa sĩ đứng ra "bảo lãnh". Tôi không hề biết và quan tâm đến chuyện giao tranh vì kể từ khi tôi giao bức tranh cho Nhà đấu giá, Nhà đấu giá đã chịu trách nhiệm về việc bảo quản cũng như tổ chức đấu giá và mọi vấn đề sau đó." chị Đan nói. 

Sau khi chị Đan công bố sự việc trên faebook vào sáng ngày 7-5 đã có rất đông họa sĩ và nhà sưu tập góp ý kiến. Phần lớn ý kiến đều chỉ trích về cách tổ chức của nhà đấu giá. Chiều 8-5, phía Lythi Auction đã mang tranh tới trả lại cho chị Đan.

Rủi ro khi đấu giá nghệ thuật

Nhà sưu tập Thanh Nhàn - người cũng từng tham giá đấu giá bức Cẩm chướng và đấu giá thành công một bức khác cũng tại buổi đấu giá đầu tiên của Lythi Auction, thừa nhận khâu tổ chức còn nhiều lỗ hổng, có thể đem lại rủi ro lớn cho nhà đấu giá lẫn họa sĩ.

“Tôi vốn yêu thích mỹ thuật và muốn ủng hộ các hoạt động mỹ thuật Việt còn non trẻ, nên thường xuyên đi xem các triển lãm mỹ thuật, theo dõi các phiên đấu giá của Christine’s và tham gia cuộc đấu giá của Lythi Auction.

Tôi thấy Lythi Auction không yêu cầu khách thắng đấu giá đặt cọc, thậm chí sau khi kết thúc buổi đấu giá, tôi còn phải tự xin đến đặt cọc 30% bức tranh tôi đã đấu giá thành công (giá 2.700 USD). Đó là trách nhiệm của người mua nhưng nhà đấu giá cần ra quy định rõ từ ban đầu.

Nếu tôi không tự giác mà về thẳng thì nhà đấu giá cũng không hề nắm được bất kỳ thông tin gì của tôi. Còn khi tôi tự đề nghị đặt cọc bằng quẹt thẻ tín dụng, phía bên đấu giá cũng không cà thẻ được,” chị Nhàn nói.

Người mua có thể rất nhiều, nhưng người sáng tạo ra bức tranh chỉ có một! Uy tín không chỉ bảo đảm cho một thương vụ mà nhiều thương vụ khác nhau.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, việc điều hành của một phiên đấu giá có thể còn lúng túng, thiếu sót và sự cố là khó tránh đối với những nhà đấu giá trẻ ở nước ta. Tuy nhiên cần giữ chữ tín với họa sĩ:

“Lẽ ra nhà đấu giá phải tự bỏ tiền túi ra, thanh toán cho họa sĩ đúng thời hạn. Mọi tranh chấp nếu có, chỉ nên là việc giữa nhà đấu giá với người mua tranh. Vì nhà đấu giá tồn tại và phát triển bởi người tạo ra tác phẩm chứ không phải bởi người tiêu thụ...."

Việc lùm xùm khiến nhiều họa sĩ thừa nhận họ khá mù mờ về các các khoản cam kết cũng như các điều luật bảo hộ khi đấu giá. Vì vậy nếu có xảy ra sự cố gì, họa sĩ cũng khó biết cách dựa vào đâu để đòi lại quyền lợi cho mình.

Nhiều họa sĩ và các nhà sưu tập quên mất rằng, đấu giá thực chất là một hành vi kinh tế, là một sự trưởng thành của kinh doanh nghệ thuật. Và việc đấu giá phụ thuộc vào nhiều thứ: cơ sở hạ tầng, pháp luật, cần chế tài đủ đảm bảo cho thuận mua vừa bán.

Nhà sưu tập Thanh Nhàn: Cần quá nhiều việc để bảo đảm quyền lợi cho họa sỹ, cho người mua, cho cả nhà đấu giá. Một tờ giấy phát vội tại buổi đấu giá sẽ dẫn tới tình trạng xem chiếu lệ và hiểu lơ mơ.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình: Không có bí quyết gì, chỉ đơn giản là học tập kinh nghiệm tổ chức và điều hành của những nhà đấu giá dày dạn và vạch ra chiến lược đúng đắn.

Bà Phạm Thị Hương Giang - người sáng lập Nhà chống lũ: Nhà chống lũ thường không bắt đặt cọc trước khi tham gia đấu giá. Và nếu khách đấu giá thành công là khách hàng thân thiết nhưng bận chưa kịp trả tiền tranh, thì Nhà chống lũ vẫn có trách nhiệm trả tiền trước cho họa sĩ nếu thời gian chờ đợi hơi lâu.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - TGĐ công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt: Muốn việc đấu giá nghệ thuật Việt trở nên chuyên nghiệp, chúng ta cần phải làm tốt 4 điều:

Học hỏi các nước phát triển, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên môn giỏi; Làm thật, bán thật; Giữ chữ tín, trung gian giữa mua và bán thật khách quan; Theo đuổi đến cùng để xây dựng thị trường ngành đấu giá thật nghiêm túc.

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên