Đến nay, chưa có mỏ cát nào đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp vẫn "đứng bánh" không triển khai hoàn tất thủ tục để nộp tiền cấp quyền, khai thác mỏ.
Đẩy giá lên cao chưa từng có
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, đến thời điểm này có hai doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người" chấm dứt các hoạt động liên quan đến mỏ cát sau khi trúng đấu giá. Đó là Công ty TNHH xây lắp và thương mại Phú Cường và Công ty CP đầu tư và phát triển THC Quảng Ngãi.
Mỏ cát Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) giá khởi điểm 570 triệu đồng, quá trình đấu giá đã đẩy lên 16 tỉ đồng, tăng gấp 28 lần. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Phú Cường. Mỏ cát Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) giá khởi điểm 839 triệu đồng, Công ty THC Quảng Ngãi đấu giá đẩy lên 44,3 tỉ đồng và trúng đấu giá.
"Đối chiếu với trữ lượng dự báo đưa ra đấu giá thì giá lên khoảng 300.000 đồng/m3, quá khủng khiếp", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đợt đấu giá mỏ cát đầu năm 2023, các doanh nghiệp tham gia đấu giá đã đẩy giá mỗi khối cát lên cao nhất từ trước đến nay tại Quảng Ngãi. Mức giá trên trời đã khiến nhiều doanh nghiệp ì ạch triển khai thủ tục khai thác.
Trong văn bản đề nghị trả lại kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Công ty Phú Cường cho rằng mỏ cát Xuân Đình trước khi đấu giá, trữ lượng dự báo khoảng 75.000m3 trên diện tích 4,67ha. Sau trúng đấu giá, Công ty Phú Cường thăm dò khảo sát trữ lượng thực tế tại mỏ quá ít so với dự báo. Vì lý do này, Công ty Phú Cường làm đơn trả quyền khai thác mỏ cát.
Khi ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thì thấy trữ lượng cát ở mỏ cát Xuân Đình vẫn như dự báo. Lý do Công ty Phú Cường đưa ra là không có cơ sở.
Còn Công ty THC Quảng Ngãi đấu giá trúng mỏ cát ở thôn Ngân Giang, có đơn trả lại kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát Ngân Giang vì lý do là tài chính không đảm bảo.
Mạnh tay với nạn "đấu xong rồi trả"
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, việc doanh nghiệp đấu "sống chết" đẩy giá lên cao rồi bỏ giữa chừng đã tạo ra tiền lệ xấu. Chế tài đầu tiên là hai doanh nghiệp trả mỏ cát trên không được trả tiền cọc đấu giá.
Chế tài tiếp theo đối với doanh nghiệp trúng đấu giá rồi bỏ chạy là không được tham gia đấu giá mỏ cát làm vật liệu trong thời gian một năm.
Để xử lý dứt điểm việc đấu giá đẩy giá lên cao, trúng rồi lại bỏ chạy, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị UBND tỉnh có chế tài mạnh hơn. "Quan điểm của sở là cấm các doanh nghiệp này tham gia đấu giá ít nhất ba năm. Có chế tài mạnh mới giải quyết triệt để việc đấu vô tội vạ rồi bỏ như hiện nay", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang "đau đầu" vì thiếu cát xây dựng. Trong khi đó các mỏ đấu giá, đơn vị trúng giá quá cao mãi không hoàn tất hồ sơ. Việc doanh nghiệp trả mỏ tạo tiền lệ xấu cho tổ chức đấu giá tài nguyên khoáng sản tại tỉnh này.
Lắp camera giám sát khai thác mỏ
Công khai đấu giá khoáng sản là việc làm đúng để tạo nguồn thu cao nhất cho Nhà nước. Ngoài chế tài mạnh tay xử lý doanh nghiệp trả mỏ cát sau khi trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cũng lên phương án giám sát các mỏ được cấp quyền khai thác trong thời gian tới, không để chảy máu tài nguyên.
Cụ thể, sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được cấp phép khai thác cát, sẽ buộc lắp trạm cân, camera giám sát tại mỏ. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thuê đơn vị theo dõi dữ liệu khai thác, vận chuyển cát để khi cần kiểm tra khối lượng khai thác, chỉ cần trích xuất sẽ có con số chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận