TTCT- Bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để thu hút và đào tạo, Đà Nẵng đã có một đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn cao. Nhưng không ít nhân tài đang ngồi chờ hết thời gian hợp đồng để ra đi. Đã có đề nghị nên cho chuyển nhượng nhân tài và các doanh nghiệp (DN) tư nhân có nhu cầu sẽ tham gia “đấu giá”. TP Đà Nẵng đã bỏ ra 634 tỉ đồng để thu hút và đào tạo nhân tài. Trong ảnh: công chức làm việc tại trung tâm hành chính Đà Nẵng-Hữu Khá Đề xuất trên được lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đồng tình, ủng hộ. Không chỉ “đấu giá” nhân tài, các ý kiến còn cho rằng về lâu dài các cơ quan quản lý nhà nước nên tính đến chuyện đào tạo nhân tài cho các DN tư nhân, không chỉ gói gọn trong các cơ quan nhà nước như hiện nay. Có nhân tài, sẽ đóng góp nhiều hơn Việc nhiều nhân tài sau thời gian công tác đã bỏ ngang công sở để đi tìm môi trường, công việc mới khiến chính quyền TP Đà Nẵng phải khởi kiện ra tòa để đòi lại hàng chục tỉ đồng đã bỏ ra để đưa các “nhân tài” đi đào tạo ở nước ngoài. Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, đó là việc làm ngoài ý muốn, TP cũng không muốn có cảm giác quá nặng nề khi khởi kiện các nhân tài này. Tuy nhiên, hiện không con cách nào khác để đòi lại tiền nên buộc phải khởi kiện. Dù đến nay đã có khoảng 20 người bị TAND TP Đà Nẵng tuyên buộc phải trả lại kinh phí đào tạo nhưng TP rất khó thu hồi được tiền. Theo lãnh đạo một sở, để có tiền trả lại một lần cho TP, chỉ còn cách cha mẹ những người này phải bán nhà vì nhiều gia đình thuộc diện khó khăn. Để giải quyết vấn đề này một cách nhẹ nhàng, ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP Đà Nẵng, nói rằng TP cần nghiên cứu tới việc: sau khi nhân tài học xong, nếu chưa thể bố trí công việc ngay tại các cơ quan nhà nước, nhân tài không có cơ hội thể hiện mình, hoặc được bố trí công việc nhưng họ thấy không phù hợp với công sở thì nên tính tới việc chuyển nhượng cho các DN tư nhân. Các DN tư nhân có quyền tham gia đấu giá, số tiền thu được sẽ hoàn lại kinh phí mà TP đã bỏ ra ban đầu. Theo ông Thanh, việc TP bỏ tiền ra để đào tạo rồi chuyển nhượng lại cho tư nhân là việc nên làm vì nếu kinh tế tư nhân có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì họ sẽ đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cùng quan điểm trên, bà Trương Thị Hồng Hạnh, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng: “Tôi đồng ý với việc hợp đồng chuyển nhượng nhân tài. Cho tư nhân được nhận nhân tài của TP đào tạo bằng hợp đồng và TP sẽ thu lại kinh phí đã bỏ ra để đào tạo họ bằng cách trừ dần khoản lương của họ tại DN”. Còn ông Huỳnh Ngọc Thành, phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng, cho rằng hiện nay nhiều cơ quan nhà nước vẫn còn tư tưởng muốn sử dụng cán bộ tại chỗ và chưa trọng nhân tài được đào tạo bài bản. “Quỹ đầu tư có nhận ba người nhưng hai người đã đi. Họ làm việc rất tốt, có khi lãnh đạo nhà mình không tiếp thu kịp nhưng không hài hòa. Người học ở nước ngoài về họ có tư duy độc lập nhưng cán bộ lãnh đạo của mình thì khác, vẫn còn lối tư duy sai bảo, nhiều lúc áp đặt” - ông Thành nói. Các cán bộ trẻ thuộc diện thu hút nhân tài và đề án nguồn nhân lực chất lượng cao đang nuôi cấy mô tại Trung tâm công nghệ sinh hoạc TP Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá Đào tạo cho tư nhân, sao không? Cùng với việc chuyển nhượng nhân tài, ông Nguyễn Quang Thanh đề xuất ý tưởng đào tạo nguồn nhân lực cho khối kinh tế tư nhân. “Chúng ta lâu nay chỉ đào tạo và việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực khối hành chính nhà nước, theo tôi, không nên gò bó trong khu vực nhà nước mà phải mở rộng ra cho tư nhân. Và nên có hình thức đào tạo và chuyển nhượng cho các khu vực tư nhân khi họ có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao. Việc chuyển nhượng sẽ thông qua hình thức đấu giá hoặc thỏa thuận giữa cơ quan đào tạo và DN có nhu cầu sử dụng" - ông Thanh nói và cho rằng: "Chúng ta đào tạo được 7 người giỏi về công nghệ thông tin ở các chuyên ngành khác nhau và thông báo công khai để DN nào có nhu cầu thì nhảy vào đấu giá. Thông qua việc chuyển nhượng đó, TP sẽ thu được khoản tiền để có nguồn lực tiếp tục công việc đào tạo. Làm như thế nguồn nhân lực sẽ hoạt động, sử dụng có hiệu quả hơn, hiện nay trong thực tế việc sử dụng rất bị động. Lâu nay cứ làm theo kiểu đào tạo được nhân lực công nghệ thông tin thì đẩy về Sở Thông tin - truyền thông, bác sĩ thì về Sở Y tế”. Cũng theo ông Thanh, không nên ràng buộc thời gian làm việc ngay sau khi họ vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài mà tạo điều kiện cho họ nghiên cứu hoặc làm việc ở nước ngoài thêm vài năm để lấy kinh nghiệm, cọ xát với thực tiễn rồi về phục vụ cho TP. “Môi trường học tập, làm việc ở nước ngoài tốt hơn nhiều với đầy đủ cơ sở hạ tầng hiện đại, học viên có thể học hỏi được rất nhiều, nếu phải về nước phục vụ ngay sau khi học xong là không nên” - ông Thanh nói. Trao đổi với TTCT, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng việc đào tạo cũng như chuyển nhượng nguồn nhân lực của TP cho khối tư nhân là ý tưởng tốt, cần được nghiên cứu. “Lâu nay TP chỉ chú trọng đào tạo nhân lực cho khối nhà nước mà chưa quan tâm đến khối tư nhân. Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo các sở ngành suy nghĩ, đề xuất nhằm có giải pháp làm sao để khối tư nhân có được nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo chương trình đào tạo ngày càng phát huy hiệu quả”. Anh Nguyễn Hải Tân (trái) kiểm tra mô hình trồng dưa lưới. Anh vừa du học ở Úc về, được tiếp nhận vào Trung tâm Công nghệ sinh học TP Đà Nẵng-Hữu Khá Chờ hết thời gian để ra đi Trong khi chờ ý tưởng trên biến thành hiện thực, hiện không ít nhân tài tại Đà Nẵng đang có tâm lý bất an, ngồi chờ cho hết thời gian hợp đồng như cam kết để ra đi. Là người trong cuộc, TS Vũ Thị Bích Hậu, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đà Nẵng (phụ trách Trung tâm Công nghệ sinh học), cho biết chính bà là một trong những cán bộ được TP thu hút. Tuy nhiên, chính sách này đang có những hạn chế. “Hiện nay khi về Trung tâm Công nghệ sinh học công tác thì các em không có phòng thí nghiệm tiên tiến. Đối với ngành công nghệ không có máy móc hiện đại là không làm việc được”. Bà Hậu thừa nhận một số nhân tài sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về cũng không thể nghiên cứu được. Vì đại học chỉ mới trang bị kiến thức cơ bản, muốn họ có điều kiện để nghiên cứu thì cần cho họ ở lại nước ngoài học lên cao hơn trước khi về công tác. “Có một em ở trung tâm vừa chuyển vào TP.HCM làm vì điều kiện tại TP.HCM tốt hơn” - bà Hậu nói. Còn bà Huỳnh Liên Phương, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng, cho biết hiện trung tâm tiếp nhận 12 nhân tài, có 8 người đang phải chờ biên chế trong khi TP chỉ duyệt 2 biên chế. Và thực tế tại trung tâm đã có 15 người (kể cả diện thu hút và đào tạo) xin đi khỏi cơ quan. “Nhiều người về làm rất tốt nhưng mỗi người có một động cơ, có người muốn cống hiến nhưng cũng có người ngồi làm chờ hết thời gian hợp đồng với TP rồi tìm cơ hội đi nơi khác” - bà Phương nói. Ông Nguyễn Thương, phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, thì ưu tư về tình trạng nhân tài “mắc kẹt” biên chế. Hiện tại biên chế đang siết chặt, tinh giản nên những người được đưa đi đào tạo ở nước ngoài về chỉ làm việc theo diện hợp đồng, không thể vào biên chế. “Tư tưởng của các em vẫn còn bất an, không biết bao giờ mình vào biên chế. Hiện Bộ Nội vụ cấm TP ký hợp đồng lao động với lao động tại khu vực hành chính, chỉ cho ký hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp, nhưng TP đang có 600 người sử dụng lao động hợp đồng dạng này và tương lai chưa biết giải quyết biên chế như thế nào cho số này” - ông Thương cho biết.■ Hơn 600 tỉ đồng đào tạo nhân tài Báo cáo về công tác thu hút và đào tạo nhân tài của TP Đà Nẵng cho biết đến thời điểm này TP đã thu hút, đào tạo được 1.908 lượt người (1.269 người thu hút, 639 lượt người được đào tạo). TP đã phải bỏ ra 634 tỉ đồng để đào tạo nhân tài. Theo Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có 92 người vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án (52 người xin ra khỏi đề án; 19 học viên học không đạt kết quả; 16 học viên không thực hiện nghĩa vụ làm việc cho TP sau khi tốt nghiệp; 4 học viên bỏ việc và 1 học viên vi phạm pháp luật nước sở tại). Tags: Nhân tàiThu hút nhân tàiBệnh nhân tại Đà Nẵng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (Giáo viên) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cám ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cám ơn của đứa học trò vừa nhận được học bổng Tiếp sức học bổng đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.