Theo đại diện ban tổ chức, đến 4h30 sáng 20-8, cuộc đấu giá đã kết thúc với giá trúng thửa đất cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, giá thửa đất thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2.
Điều đáng chú ý là từ sáng 19-8, huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên có diện tích 74 - 118m2 với mức giá khởi điểm chỉ 7,3 triệu đồng/m2. Sự kiện này thu hút cả ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia.
"Có thời điểm đất không ai mua"
Lý giải về đất trúng đấu giá có lô 133,3 triệu đồng/m2, ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, nói: "Mỗi thời điểm một khác, ví dụ có lần đấu giá trước Tết không có ai mua, nhưng ra Tết lại đắt khách. Giá trúng đấu giá cao hay thấp là thị trường quyết định, mỗi giai đoạn thị trường bất động sản đều có biến động lên xuống khác nhau".
Theo lý giải của ông Hoàng, đất ở xã Tiền Yên thu hút người tham gia đấu giá bởi gần đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. "Phiên này chúng tôi làm thí điểm đấu giá nhiều vòng, rất thành công. Khách hàng tham gia đấu giá họ đi thảo sát rất kỹ, cũng như xem quy hoạch xung quanh. Sắp tới chúng tôi tiếp tục đấu giá các khu đất trên địa bàn huyện", ông Hoàng cho biết thêm.
Cuộc đấu giá kết thúc ở vòng thứ 10 (6 vòng bắt buộc). Huyện Hoài Đức và đơn vị tư vấn đấu giá đã lựa chọn phương thức đấu giá nhiều vòng nhằm tránh tình trạng thông thầu, bỏ giá thấp gây thất thoát... Người trúng đấu giá phải trải qua 6 vòng bắt buộc và đặt cọc trước số tiền 109 - 173 triệu đồng (tương đương 20% giá khởi điểm) để tham gia đấu giá.
Có người ra về vì cho rằng "giá quá cao"
Rạng sáng 20-8, ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức, nơi tổ chức phiên đấu giá, có rất đông người dân ngồi chờ kết quả. Anh T.H. (39 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản) cho biết: "Đấu giá từ sáng đến giữa đêm có nhiều lô đất vẫn khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2 nhưng càng về sáng giá lại một khác, không ít lô đã được trả hơn 100 triệu đồng/m2".
Trong khi đó cũng có nhiều người ra về vì cho rằng giá được trả quá cao. Ông M. (51 tuổi, huyện Hoài Đức) nói đất ở xã Tiền Yên tầm 45 - 50 triệu đồng/m2 là hợp lý vì khu này mua phần lớn chỉ để ở, buôn bán kinh doanh rất khó vì không nhộn nhịp. "Nhiều người bỏ giá quá cao nên tôi rút lui vậy", ông này nói.
Cũng tại phiên đấu giá, chúng tôi ghi nhận có nhiều người làm nghề môi giới bất động sản đến chào mời. "Lô góc đẹp nhất giá bán chênh so với giá trúng đấu giá là 300 triệu đồng. Còn đối với những lô bình thường, diện tích nhỏ giá bán chênh từ 150 - 200 triệu đồng tùy từng vị trí", ông Tiến (nhân viên môi giới bất động sản) mời chào. Theo ông Tiến, ông đang "bán lướt" nhiều lô đất vừa trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 10-8 hàng ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia phiên đấu giá 68 lô đất ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), có lô đất đấu giá trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2, những lô đất thấp nhất cũng hơn 50 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Vì sao giá khởi điểm thấp?
Theo phương pháp cũ trước đây tính giá khởi điểm dựa vào đơn vị tư vấn, đơn vị tư vấn sẽ dựa vào tài sản so sánh, tham khảo thị trường. Tuy nhiên, theo quy định mới không được phép thuê tư vấn mà phải tính bằng hệ số K nhân với bảng giá.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2024 quy định các địa phương được sử dụng bảng giá đất đang áp dụng cho đến hết ngày 31-12-2025. Điều này dẫn đến giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận