02/10/2022 09:48 GMT+7

Dẫu gập ghềnh vẫn bước tới cùng

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Cha mất gần 10 năm trước, mẹ yếu đau bệnh suốt song vẫn phải một mình bươn chải ngược xuôi để gồng gánh gia đình ba miệng ăn. Đó cũng là nỗi xót xa mà Trương Văn Mạnh vẫn đau đáu trong lòng.

Dẫu gập ghềnh vẫn bước tới cùng - Ảnh 1.

Trương Văn Mạnh đi làm phục vụ quán cà phê để nuôi mơ ước trở thành thầy giáo dạy sử - Ảnh: V.SAN

Nhận kết quả trúng tuyển khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lòng Mạnh rối bời. Ấy cũng là cảm giác khi bạn biết tin mình đạt điểm thủ khoa khối C00 toàn TP Cao Lãnh và xếp thứ tư toàn tỉnh Đồng Tháp.

Học để mẹ vơi nỗi đau

Mạnh nhớ về những tháng ngày ngọt ngào có đủ hơi ấm của cha và mẹ nhưng sao ngắn ngủi quá. Mọi thứ cứ dần xám xịt, khó khăn liên tiếp bủa vây khi người đàn ông trụ cột trong gia đình đột ngột qua đời. Năm đó, Mạnh đang học lớp 3, còn cô em gái mới đi mẫu giáo.

Cả hai anh em khi ấy còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình. Trong đầu những đứa bé non nớt chỉ thường tủi thân khi thức ăn hằng ngày xoay quanh bữa cơm rau, bữa cháo, rồi còn phải đóng tiền học phí theo ngày. 

Mỗi lần nhìn thấy đám bạn được cha bảo bọc, chở che mỗi khi đến trường, cậu chỉ biết thèm. Mãi sau này lớn lên, Mạnh mới biết nhà trường hiểu gia cảnh nên thương đặc cách cho đóng học phí... từng bữa.

"Mẹ cũng không dám bước thêm bước nữa vì sợ cảnh người sau không thương con mình, rạch ròi "con mày, con tao" như nhiều gia đình khác. Mẹ sợ anh em mình có thể sớm bị đẩy ra đường kiếm ăn, lây lất bám vào từng tờ vé số như mẹ ngày nào", chàng tân sinh viên gầy nhom kể.

Bà Phạm Thị Bích Hằng, mẹ Mạnh, có dáng người vất vả, đen nhẻm. Bà không từ nan việc gì, từ lang thang khắp nơi bán vé số đến quần quật công việc nhà nông, rồi giúp việc nhà từ sáng đến tối dù sức khỏe không tốt. Mỗi ngày của bà bắt đầu từ 3h sáng, thức dậy sớm lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa để còn kịp chạy đến chỗ làm ngay.

Dẫu khắp người có đau buốt đến mấy, bà cũng không dám nghỉ một ngày vì cả nhà cần có cái ăn và "sợ các con khát chữ". Những cơn đau cứ dồn dập kéo đến, nhất là khi làm việc nặng nhọc vì chứng viêm đại tràng. 

Nhưng mỗi lần đi khám lại tốn mấy trăm ngàn nên bà cũng ám ảnh hai chữ bệnh viện. "Đời tôi khổ quá rồi, tôi không muốn đời con cũng như mình", bà Hằng nói.

Gia đình diện hộ cận nghèo. Ngôi nhà xiêu vẹo làm chốn chui ra vào của mấy mẹ con cũng được dựng lên từ nghĩa tình chòm xóm. Nhưng cũng hiếm có khoảnh khắc bình yên vì em chồng bà Hằng bị tâm thần, cứ mỗi lần lên cơn lại cầm đồ chạy qua rượt mấy mẹ con chạy trối chết. 

Sau nhiều lần như thế, cả nhà phải tạm qua tá túc bên chỗ chị ruột bà Hằng. Mỗi lần đi làm thuê cho người ta, chạy ngang nhà mà chỉ nhìn vào chứ không dám về.

Không đầu hàng

Mạnh chọn sư phạm một phần vì biết sẽ được miễn giảm học phí, bớt gánh nặng cho mẹ. Cũng vì yêu lịch sử, bạn muốn trở thành một giáo viên dạy môn sử, được đem chia sẻ kiến thức và tình yêu ấy đến những thế hệ đi sau. 

Bạn cũng chủ động hỏi thăm, tìm kiếm thông tin về các nguồn học bổng và ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ.

Tranh thủ sau kỳ thi, Mạnh xoay xở khắp nơi và tìm được việc phục vụ tại một quán cà phê. 4h30 sáng mỗi ngày, Mạnh thức dậy và thu xếp mọi thứ để 6h có mặt tại quán, bắt đầu một ngày làm thêm. Xong việc, bạn về phụ mẹ việc nhà và dạy em gái học.

"Tiền công mỗi tiếng 14.000 đồng, một ca là 70.000 đồng. Lên thành phố học, tôi sẽ đi dạy kèm cho trẻ nhỏ", Mạnh cho biết.

Nói về cậu học trò vượt khó của mình, cô Nguyễn Thị Như Trang - giáo viên chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy môn sử - nói Mạnh luôn chịu khó tìm tòi các kiến thức mới, ngoan và rất nghị lực, nhất là khi hoàn cảnh gia đình đầy vất vả như vậy nhưng bạn vẫn đạt kết quả học tập tốt là sự nỗ lực rất lớn.

"Ngoại mất sớm, mẹ phải đi bán vé số từ nhỏ. Cuộc đời mẹ cứ quần quật từ sáng đến tối để chúng tôi được đến trường mà chưa một lần nghe mẹ than vãn điều gì. Mơ ước mãnh liệt nhất của tôi là sớm đi làm và mẹ phải khỏe, phải sống đến ngày anh em tụi mình lo ngược lại cho mẹ", Mạnh nói về động lực vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Năm lớp 12, Trương Văn Mạnh vươn lên dẫn đầu lớp và đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bạn đạt điểm 10 môn lịch sử, 9,5 môn địa lý và 8 điểm văn.

Khoảnh khắc nhìn thấy điểm thi trên hệ thống, Mạnh nói vui và xúc động lắm vì nỗ lực của bản thân đã được đền đáp. Nhưng niềm vui đó qua nhanh, suy nghĩ rối bời khi mẹ kêu lại ngồi gần. Mẹ khóc và nói mẹ không có khả năng lo cho tôi lên Sài Gòn học.

"Tôi thừa hiểu sức khỏe mẹ yếu dần mỗi ngày và còn cô em gái nhỏ. Tôi không giận vì biết mẹ đã quá khổ cực và luôn muốn điều tốt cho các con, chỉ hơi buồn cuộc đời có vẻ bất công với mình quá", Mạnh bộc bạch.

Hãy đăng ký ngay với Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu biết về hoàn cảnh tân sinh viên hãy truy cập để đăng ký hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường.

Báo Tuổi Trẻ đang phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn cả nước dự kiến trao 1.000 suất học bổng (trị giá hơn 15 tỉ đồng) hoặc có thể nhiều hơn cho tân sinh viên khó khăn, mỗi suất 15 triệu đồng.

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" để không dang dở ước mơ giảng đường với số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Dẫu gập ghềnh vẫn bước tới cùng - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

‘Tiếp sức tân sinh viên khó khăn, tôi như thấy bóng dáng của mình năm xưa ‘Tiếp sức tân sinh viên khó khăn, tôi như thấy bóng dáng của mình năm xưa'

TTO - Ngày 30-9, đại diện một số tập thể cùng các cá nhân đã đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường", góp tay chia sẻ với tân sinh viên khó khăn.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên