TTCT - Bỏ bớt các môn thể thao quá đặc thù của chủ nhà đã trở thành đòi hỏi bắt buộc cho sự phát triển SEA Games, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ, một khi căn bệnh thành tích đã ngấm quá sâu. Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho biết từ SEA Games 2025, các nước chủ nhà sẽ chỉ được chọn tổ chức 2 trong số những môn thể thao thuộc nhóm ba. Quyết định này được không ít người kỳ vọng là thuốc chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh "ao làng" vốn đã thành kinh niên của SEA Games.Các võ sĩ nước ngoài biểu diễn vovinam ở SEA Games. Việt Nam cũng muốn phát triển môn võ này ra quốc tế. Ảnh: HUY ĐĂNGKhó bỏ bệnh thành tíchCác môn thể thao SEA Games được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 gồm điền kinh và thể thao dưới nước. Nhóm 2 là các môn đã được công nhận ở Olympic, Asiad, và nước chủ nhà phải tổ chức tối thiểu 14 môn thuộc nhóm này. Nhóm 3 là các môn còn lại, mà mấy chục năm qua, đã trở thành nơi để các nước chủ nhà đưa vào những nội dung "một mình một chợ" để mặc tình vơ vét huy chương.Ví dụ, SEA Games 2013, chủ nhà Myanmar có chinlone - một trò chơi tâng cầu chỉ phổ biến ở Myanmar. Sau kỳ SEA Games đó, chinlone mất tích khỏi chương trình thi đấu của đại hội thể thao khu vực, và có lẽ chỉ trở lại nếu SEA Games diễn ra ở Myanmar. Trước chinlone là bài bridge ở SEA Games 2011 của chủ nhà Indonesia. Còn có thể kể ra kempo (một môn võ truyền thống) và leo núi trong nhà (Indonesia), chạy đua vận động trường và trượt ván (Philippines), lặn (Indonesia và Việt Nam)… là những môn thể thao khác cũng chỉ có một hoặc một vài nước chơi.Ở Manila 2019, chủ nhà Philippines tổ chức đến 56 môn, con số gây choáng nếu so với Olympic xưa nay chỉ có tối đa 33 môn (như Tokyo 2020), hay Asiad tối đa 45 môn (từ Doha 2006 đến nay). Càng nhiều môn thể thao "cây nhà lá vườn", số lượng huy chương của nước chủ nhà càng tăng vọt. Ở SEA Games 2019, 40/149 HCV mà chủ nhà Philippines giành được là ở các môn thể thao nhóm 3. SEA Games 2011, Indonesia cũng giành đến gần 70/182 HCV như vậy.Chỉ có điều, giới chuyên môn đang lo ngại là ngay cả có bỏ đi các môn nhóm 3, chưa chắc nước chủ nhà sẽ chuyển đối tượng thành tích sang những môn thuộc hệ thống Olympic. Lịch sử trăm năm của thể thao cho thấy có hàng trăm cách… ăn gian. Với những môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, cử tạ là chuyện doping, với những môn chấm điểm là nghi vấn trọng tài, và những môn đối kháng như bóng đá, bóng rổ, quần vợt cũng luôn có tranh cãi về thiên vị chủ nhà.Phải hướng đến giá trị cao hơnNhiều năm trở lại đây, cộng đồng thể thao khu vực đều công nhận Singapore 2015 là kỳ SEA Games hoàn hảo nhất xét nhiều khía cạnh, bao gồm tính công minh về chuyên môn. Chủ nhà năm đó giành 84 HCV, chỉ tăng khoảng gấp đôi so với thành tích thông thường. Đó là mức "lạm phát" thấp nhất với các nước chủ nhà SEA Games từ xưa đến nay.Ở Singapore 2015, ngoài chuyên môn tương đối công bằng, công tác tổ chức cũng ở đỉnh cao, đạt chuẩn Olympic. Chủ nhà Singapore giới thiệu hàng loạt nhà thi đấu hiện đại, cơ sở vật chất tối tân, cùng sự hỗ trợ chu đáo cho du khách. Ngay từ đầu, trưởng ban tổ chức của SEA Games Singapore 2015, ông Lim Teck Yin, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, đã khẳng định số lượng huy chương không phải điều mà Singapore hướng đến.Đây có vẻ đã là kim chỉ nam của Singapore từ tận thời Thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi từ bỏ quyền đăng cai Asiad 1978, ông Lý Quang Diệu từng tuyên bố: "Một quốc gia nhỏ bé như Singapore không cần mơ mộng những tấm huy chương". Từ đó, thể thao Singapore chú trọng nhiều đến góc độ học đường và du lịch. Cùng các giải quần vợt WTA Finals hay đua xe F1, SEA Games 2015 là một trong những sự kiện du lịch thể thao đình đám của đảo quốc sư tử. Bằng cách của mình, Singapore đã hưởng lợi lớn từ thể thao mà không cần đếm số huy chương đạt được.Nhưng để các quốc gia khác của Đông Nam Á cũng có thể nói không với đam mê thành tích như Singapore - quốc gia có GDP đầu người trong top 10 thế giới, và dân số chỉ vỏn vẹn 6 triệu, lại không hề dễ dàng.Hãy cởi mở với SEA GamesTrong lúc SEA Games đau đầu giải quyết bài toán những môn thể thao "cây nhà lá vườn", Olympic lại có xu hướng ngược lại. Trong chương trình của năm 2020, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép các nước chủ nhà mạnh dạn đề xuất những môn thể thao đặc thù của dân tộc mình. "IOC khuyến khích các nước đăng cai Olympic giới thiệu môn thể thao phổ biến của quốc gia mình, đặc biệt là những môn thể thao thu hút giới trẻ", IOC thông báo.Ở Tokyo 2020, chủ nhà Nhật Bản đưa vào đến 5 môn mới là lướt sóng, trượt ván, leo núi, bóng rổ 3x3 và karate. Trong số này, karate lập tức bị bỏ ở kỳ Olympic tiếp theo. Người Nhật xem như thất bại trong việc quảng bá một môn võ dân tộc. Nếu đối chiếu với karate của Nhật Bản, việc Philippines hay Campuchia đưa vào chương trình thi đấu môn võ gậy có lẽ cũng không có gì quá đáng.Thật ra, không phải môn thể thao Olympic nào cũng phổ biến. Softball (bóng mềm), qua 6 lần tổ chức, chỉ thu hút 14 quốc gia tham dự. Môn này gần tương tự bóng chày, vào được Olympic nhờ sự ủng hộ của những cường quốc thể thao mê bóng chày như Mỹ và Nhật Bản. Trong khi môn futsal vốn rất đông người hâm mộ lại không được góp mặt. Một số môn như cưỡi ngựa, thuyền buồm cũng chỉ phổ biến với các nước phương Tây, giúp họ chiếm lợi thế đáng kể ở Olympic. Nhưng đây cũng là chuyện không quá khó hiểu vì phong trào Thế vận hội khởi phát từ họ. Thể thao, giống như mọi thứ khác, gắn với sức mạnh về kinh tế, xã hội và văn hóa.Giới thiệu những môn thể thao truyền thống đang là xu thế của Olympic, nhưng vấn đề là phải "chơi cho ra chơi". Ở Olympic 1988, chủ nhà Hàn Quốc đưa taekwondo vào chương trình thi đấu, kèm theo kế hoạch phát triển môn này ra toàn thế giới. Sau hơn 3 thập niên, taekwondo ngày nay được phổ biến ở khoảng 200 quốc gia, và nghiễm nhiên đi vào nhóm môn thể thao hạt nhân của Olympic.Câu chuyện của Singapore và Hàn Quốc là minh chứng để thấy rằng thể thao cần một tầm nhìn xa hơn thứ thành tích "hữu danh vô thực".■ Tags: SEA GamesAo làngHuy chương vàngSEA Games 31CampuchiaThể thaoOlympic
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Việt Nam hòa kịch tính Philippines nhờ bàn thắng phút 90+7 ĐỨC KHUÊ 18/12/2024 Tối 18-12, tại lượt trận thứ 4 bảng B ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam có trận hòa 1-1 trước Philippines.
HLV đội tuyển Philippines: 'Bóng đá là trò chơi luôn có sai lầm nhưng đừng đổ lỗi, chỉ trích' HOÀNG TÙNG 18/12/2024 Sau khi cầm hòa 1-1 trước Việt Nam, HLV Albert Capellas tỏ ra tiếc nuối khi đội tuyển Philippines đã ở rất gần với chiến thắng.
HLV Kim Sang Sik: 'Đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết' HOÀNG TÙNG 18/12/2024 Sau trận hòa 1-1 trên sân cỏ nhân tạo của Philippines, HLV Kim Sang Sik cho biết đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết ASEAN Cup 2024.
Nga tố Ukraine gieo rắc 'nguyên tố của quỷ dữ', Kiev bác bỏ ngay lập tức DUY LINH 18/12/2024 Nga cáo buộc Ukraine thả đạn phốt pho trắng từ drone trong tháng 9 và có bằng chứng cho điều này. Đáp lại, Ukraine bác bỏ và tố ngược chính Nga mới là bên dùng nhiều chất hóa học bị cấm.