Đau đầu với ôn thi tốt nghiệp

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Năm đầu tiên thực hiện việc cho học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT, các trường không khỏi lúng túng với kế hoạch ôn thi mới.

stz0EJOZ.jpgPhóng to
Cô Tô Lê Ngọc Linh ôn tập môn văn cho học sinh lớp 12D5 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Tại TP.HCM, đa số trường THPT đều triển khai ôn tập cho học sinh từ giữa tháng 4. Năm đầu tiên thực hiện việc cho học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp nên các trường đau đầu với kế hoạch ôn thi mới...

Ông Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Trường tôi có 25 lớp 12 với hơn 1.000 học sinh. Đa số học sinh chọn thi môn lý và ngoại ngữ, kế đến là hóa và địa, hai môn có ít học sinh đăng ký nhất là sinh và sử”. Số lượng học sinh chọn môn thi khác nhau đã khiến ban giám hiệu trường này đau đầu với việc xếp thời khóa biểu ôn thi.

“Bởi nếu xếp không khéo thì học sinh sẽ bị trùng giờ học với các môn khác trong trường và trùng cả giờ học luyện thi ở các trung tâm. Về phía giáo viên cũng vậy, trong năm học thì mỗi buổi các thầy cô dạy năm tiết, nay có bữa chỉ dạy hai tiết, có bữa ba tiết. Giáo viên không chỉ mất thời gian, công sức chạy đi chạy về mà trong bối cảnh xăng tăng giá như hiện tại cũng rất ngại...” - ông Hòa phân tích.

LcOkBMgg.jpgPhóng to
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) trong giờ ôn thi môn địa lý - Ảnh: Như Hùng

Bố trí phòng cho học sinh ngồi chờ học

Cuối cùng, Trường Marie Curie đành chọn giải pháp: chấp nhận giảm sĩ số lớp ôn thi và một số học sinh có những tiết trống (ví dụ: môn sinh cả trường chỉ có 79 học sinh đăng ký thi nhưng được chia thành bốn lớp ôn, môn sử chỉ có 27 học sinh nhưng vẫn phải chia thành hai lớp). Lại thêm vấn đề phát sinh vì trong thời gian trống tiết học sinh sẽ đi đâu, làm gì? “Thế là chúng tôi phải bố trí ba phòng học có gắn máy lạnh cho học sinh ngồi tự ôn bài và chờ vào học tiết sau. Phòng này có giáo viên quản lý đàng hoàng” - ông Hòa thông tin.

Nếu như những năm trước, các trường chỉ tổ chức cho học sinh ôn thi sáu môn thì năm nay phải tổ chức ôn thi 8-10 môn (những trường dạy hai ngoại ngữ Anh, Pháp thì tổ chức cho học sinh ôn thi chín môn, có trường như Marie Curie dạy ba ngoại ngữ phải xếp lớp cho học sinh ôn thi mười môn). Do đó, việc xếp lớp theo đúng nhu cầu của học sinh thật sự là một thử thách đối với các trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường thực hiện ôn tập theo nhiều cách khác nhau: có trường trộn tất cả học sinh của toàn khối lại rồi mới chia lớp ôn thi theo nhóm có cùng môn thi. Có trường trộn học sinh toàn khối lại rồi ôn theo trình độ học lực của học sinh.

Ví dụ như ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), sau khi tư vấn và cho học sinh chọn môn thi, giáo viên bộ môn sẽ xem lại bảng điểm và năng lực học tập của từng học sinh rồi sắp xếp lớp ôn thi cho phù hợp. Một cán bộ của trường cho biết việc phân học sinh theo trình độ để giáo viên giảng dạy theo nhu cầu của các em: đối với những lớp giỏi thì bài dạy được nâng cao, giúp học sinh thi tuyển sinh vào đại học. Ở những lớp trung bình thì chỉ ôn theo mức đủ sức làm bài thi tốt nghiệp THPT. Những lớp yếu hơn phải phụ đạo, cho học sinh ôn luyện nhiều lần những kiến thức căn bản và tăng cường dò bài... Ngay cả môn sử và địa, mỗi môn chỉ có sáu học sinh đăng ký thi nhà trường vẫn tổ chức thành một lớp ôn thi. Về phía học sinh, nếu cảm thấy không phù hợp các em có thể xin chuyển lớp ôn thi. Và trên thực tế đã có học sinh xin chuyển sang lớp có trình độ thấp hơn cho phù hợp với sức học của mình.

Vẫn phải dò bài

Mặc dù được học sinh và cả giáo viên đánh giá đây là năm thi nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực học hành nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường vẫn phải tổ chức dò bài cho học sinh. Nói như một giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh: “Những trường có nhiều học sinh giỏi thì đỡ chứ những trường có nhiều học sinh trung bình, yếu rất vất vả. Cho dù có giảm bớt áp lực từ sáu môn thi chỉ còn bốn môn thì các em vẫn không tự giác, phải có giáo viên đốc thúc, dò bài các em mới chịu học”. Có lẽ vì vậy nên tại nhiều lớp ôn thi của trường này, ngoài một giáo viên chính giảng dạy chung còn có 3-4 giáo viên nữa phụ trách công tác dò bài (cứ mỗi giáo viên phụ trách 10 em).

Tuy vậy, theo hiệu trưởng một trường THPT ở Q.3: “Năm nay tính tự giác của học sinh tăng lên nhiều so với những năm trước. Ví dụ như năm học trước thi tốt nghiệp môn sử, trường chúng tôi phải lên kế hoạch dò bài rầm rộ vì có những em không thích sử nhưng vẫn phải học để thi. Công tác dò bài thật sự rất vất vả, do không thích nên học sinh lơ là, bữa đi học, bữa trốn, có giáo viên còn phải nhắn tin báo phụ huynh biết để phối hợp cùng nhà trường cho các em ôn thi. Năm nay các em được tự do chọn lựa theo sở thích và theo khối thi tuyển sinh đại học nên chủ động học tập. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhất trong việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

“Ủng hộ” nhà trường trong việc tổ chức ôn thi?

Thời gian vừa qua, Tuổi Trẻ đã nhận được phản ảnh của nhiều phụ huynh về việc thu tiền tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT của các trường trên địa bàn TP. Mức thu cũng khác nhau: có trường chỉ thu 260.000 đồng/học sinh, có trường thu 600.000 đồng nhưng cũng có trường thu 1 triệu đồng/học sinh.

Theo các phụ huynh: “Tháng 4 và 5 vẫn thuộc thời gian chính khóa của năm học. Chúng tôi đã đóng đủ học phí cho nhà trường, tại sao còn thu thêm khoản ôn thi?”. Ban giám hiệu các trường giải thích rằng: công tác tổ chức và giảng dạy cho học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT rất vất vả, nhiều giáo viên phải đứng lớp nhiều hơn ngày thường, có người phải ở lại cả buổi tối để dò bài cho học sinh. Do vậy, nhà trường chỉ đề nghị phụ huynh đóng góp để trường có thêm khoản kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên. Phụ huynh nào khó khăn thì không đóng, nhà trường không hề ép buộc.

Trong thư gửi Tuổi Trẻ, một số phụ huynh cũng đề nghị: “Sở GD-ĐT TP.HCM cần phải có quy định rõ về việc “ủng hộ” này, tránh tình trạng lạm thu ở một số trường”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên