Nhiều lô hàng đã qua sử dụng, thậm chí thuộc diện cấm nhập khẩu nhưng vẫn lọt vào VN - Ảnh: N.B.
Tính đến giữa tháng 6-2018, có khoảng 3.220 container chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM cho biết.
Trong số đó, chỉ tính riêng lượng container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày đã lên đến 2.255 container.
Nhập khẩu tăng, tồn đọng nhiều
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5-2018, cả nước nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu. Ngoài ra, một số phế liệu khác cũng được nhập khẩu về Việt Nam như tàu thuyền cũ, lốp ôtô, giấy...
Hiện phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái do Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 quản lý, với 2.181 container.
Ngoài ra có 38 container tồn đọng tại các cảng Phước Long - Thủ Đức... Cũng tại cảng Cát Lái, có 965 container phế liệu nhập khẩu chưa làm thủ tục.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển, cục đã chỉ đạo các chi cục hải quan nơi có phế liệu tồn đọng chủ trì phân loại, báo cáo hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước theo quy định.
Chiều 18-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sỹ Tráng - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Hải Phòng - cho biết thời gian qua, các lô hàng nhựa phế liệu vận chuyển vào cảng Hải Phòng cũng tăng nhanh.
Một lô hàng phế liệu nhập vào VN - Ảnh: N.BÌNH
Hiện có khoảng 960 container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng do một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định về kinh doanh, nhập khẩu phế liệu.
Có trường hợp doanh nghiệp khai báo hàng hóa là bao tải dứa đã qua sử dụng nhưng qua xác minh phát hiện đó là phế liệu nhựa từ vỏ các thiết bị điện tử. Đây là mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu.
Nguy cơ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến của các mặt hàng là rác thải, phế liệu đã được cơ quan hải quan đưa ra cảnh báo từ đầu năm nay, khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu rác thải, phế liệu từ nhựa, nilông.
Do chính sách lỏng lẻo?
Theo đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn, số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tồn đọng nhiều đang gây ùn ứ cục bộ tại cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu...
Nhiều doanh nghiệp cần nhập nguyên liệu, hàng hóa về sản xuất đang gặp khó do cảng không còn đủ diện tích để tiếp nhận.
Đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn đánh giá với hàng phế liệu, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhập về để sản xuất thực sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp nhập về bán lại.
Thời gian qua còn xuất hiện lý do nhập phế liệu về Việt Nam vì chi phí giải quyết cho một container nhựa phế liệu ở các nước khác rất lớn, trong khi ở Việt Nam chính sách thoáng hơn.
"Họ sẵn sàng bỏ ra 100 USD cước vận chuyển, thêm 1.000 USD đặt cọc vỏ container của tàu để đưa về Việt Nam. Theo quy định, nếu trong thời gian 90 ngày không có người nhận, Việt Nam sẽ là nước phải xử lý container đó. Thủ tục để xử lý những trường hợp như vậy rất nhiêu khê, đặc biệt là vấn đề môi trường" - đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết.
Mạnh tay xử lý
Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết hiện cơ quan hải quan đang kiểm soát hàng phế liệu.
Trước thực tế có khoảng 3.000 container chứa mặt hàng trên tại tất cả cảng biển ở Việt Nam, ông Cẩn khẳng định hải quan sẽ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát tiến hành khởi tố, điều tra sâu vì đã có tình trạng làm giả giấy phép.
"Việc làm giả giấy phép là cấu thành đủ tội danh kinh doanh hàng cấm. Cố gắng trong quý 2 sẽ phong tỏa mấy nghìn container này và kiến nghị về chính sách đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ" - ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Để ngăn chặn nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa có văn bản đề nghị đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận chủ động có biện pháp kiểm soát việc ký kết hợp đồng vận chuyển các lô hàng phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng câu chuyện phế liệu tồn đọng tại các cảng hiện nay cần chính sách quốc gia, làm sao để kịp thời ngăn hàng phế liệu vào Việt Nam, trước nguy cơ Việt Nam trở thành bãi chứa rác của các nước.
Ngưng nhận để "giải cứu" cảng Cát Lái
Để giảm áp lực phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái, từ đầu tháng 6-2018, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận toàn bộ lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại hai cảng Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Hiệp Phước, mặt hàng giấy phế liệu vẫn được cho phép theo quy định. Quy định này kéo dài đến ngày 30-9.
Ngoài ra, hai cảng này cũng áp dụng quy định chỉ cho thực hiện dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể...
N.BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận