05/10/2020 12:31 GMT+7

Đau đầu với Gen Z: 'Con tôi học giỏi, nhưng suy nghĩ và hành động quái dị'

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Tôi há hốc mồm khi con gái bảo tôi thực dụng. Nó bảo nó muốn thể hiện bản thân, làm thay đổi ngành giáo dục vốn đang rất trì trệ hiện nay. Nó bảo giáo viên mà giỏi thì sẽ rất giàu", chị Ng.Th kể.

Đau đầu với Gen Z: Con tôi học giỏi, nhưng suy nghĩ và hành động quái dị - Ảnh 1.

Phụ huynh cần đồng hành với các bạn trẻ bằng sự thấu hiểu. Trong ảnh: bạn trẻ đi chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

“Tôi không thể hiểu nổi con mình. Cháu nó chỉ được mỗi cái học giỏi, còn lại nhiều hành động và suy nghĩ rất quái dị. Thế hệ trẻ ngày nay quá khác biệt...” - anh M., phụ huynh có con đang học lớp 10 tại một trường trung học nổi tiếng ở TP.HCM, than thở.

Lướt một vòng trên các diễn đàn, nhóm hội về nuôi dạy con tuổi teen, chúng tôi gặp rất nhiều phụ huynh có nỗi khổ giống anh M..

Những câu chuyện dở khóc, dở cười

Anh M. kể: "Vì nhu cầu học tập nên vợ chồng tôi phải sắm smartphone (điện thoại thông minh) cho con. Nhưng lúc nào cháu cũng mang bên mình cái điện thoại, dây phone thì luôn luôn cắm vào 2 tai, kể cả khi ăn cơm cùng với gia đình. 

Tôi có góp ý với con theo nhiều cách, từ khuyên bảo đến dỗ dành rồi dọa nạt, nhưng cháu vẫn không thay đổi. Nó còn thẳng thắn nêu lý do: "Con không muốn nghe mãi bài ca của bố mẹ về những khó khăn ngày xưa". Nó học rất giỏi nhưng lại hoạch định cho tương lai của mình là chỉ học hết lớp 12 rồi sẽ khởi nghiệp chứ không học tiếp lên đại học".

Theo anh M., anh đã thuyết phục con bằng cách kể về khoảng thời gian phấn đấu trong học tập của mình ngày xưa với hi vọng con trai sẽ noi theo gương bố, giành được học bổng du học ở nước ngoài. Nhưng con gạt phăng: "Thời của con không cần du học vẫn có thể thành công bố ạ, con sẽ kiếm tiền sớm hơn bố ngày xưa cho bố xem". 

Con anh khẳng định sẽ làm youtuber, chỉ cần vợ chồng anh cho mượn một số tiền để nó mua sắm máy móc. 

"Mới đây, vì quá bực mình tôi đã giằng lấy điện thoại của con trong bữa cơm và giữa 2 bố con xảy ra xô xát khiến dây phone bị đứt, điện thoại rơi xuống nền nhà suýt vỡ. Cứ tưởng sau hôm đó thì con sẽ nhận ra cái sai của mình, không ngờ nó còn giận lại bố và yêu cầu bố mẹ đừng can thiệp vào việc của con nữa" - anh M. kể.

Trong khi đó, chị N.T.T.H. (phụ huynh có con học lớp 11 ở Q.3, TP.HCM) thì tá hỏa khi con gái xin xăm hình bông hồng ở ngực trái. Chị H. giải thích hết nước hết cái về những tác hại của việc xăm hình lên người, về những suy nghĩ không hay của người đời khi thấy 1 cô gái có hình xăm trên ngực. Nhưng con chị khăng khăng phải xăm hình lên người mới là cá tính, thậm chí bỏ ăn, bỏ bê bài vở khiến vợ chồng chị phải nhượng bộ.

Rồi chị đau khổ: "Hằng ngày đi học, cháu vẫn mặc đồng phục nhìn rất ngoan hiền. Nhưng buổi tối khi đi ăn uống với bạn bè hay gia đình là luôn luôn mặc áo hai dây để khoe hình xăm bông hồng kèm với cái quần thụng rộng đến nỗi không thể rộng hơn. Tôi khuyên con mặc đồ hở hang sẽ tạo điều kiện cho quấy rối tình dục thì nó phản bác ngay: Cái tụi ngực lép nó mới nghĩ vậy thôi mẹ. Trên mạng mấy hotgirl ngực to nổi tiếng ầm ầm đấy mẹ. Tốt khoe xấu che mà mẹ".

Và mâu thuẫn muôn thuở

Không chỉ có lối sống và học tập, những mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái về việc chọn nghề cũng dày đặc trên các diễn đàn về dạy con tuổi teen. Chị Ng.Th. kể vừa trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn vì đứa con gái duy nhất khăng khăng đăng ký dự tuyển vào trường đại học sư phạm để theo đuổi giấc mơ làm giáo viên dạy hóa dù lực học dư sức vào ngành y, ngành mà họ hàng hai bên nội ngoại nhà chị đều rất thành công. 

"Tôi phân tích những khó khăn của người giáo viên trong thời đại hiện nay như áp lực bủa vây tứ phía, lương thì thấp mà lại nguy hiểm rình rập khắp nơi: bao nhiêu vụ phụ huynh, học sinh xông vào trường đánh giáo viên đến trọng thương đấy thôi. Trong khi nếu theo ngành y thì con sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. 

Nhưng tôi há hốc mồm khi con gái bảo tôi thực dụng. Nó bảo nó muốn thể hiện bản thân, làm thay đổi ngành giáo dục vốn đang rất trì trệ hiện nay. Nó bảo giáo viên mà giỏi thì sẽ rất giàu".

Theo ThS Trần Đình Dũng - tác giả cuốn sách Quà của bốViết cho người thương, trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con em, nhiều phụ huynh thường rơi vào những cái "bẫy", phổ biến nhất là "bẫy" kinh nghiệm cá nhân. 

Nếu cha mẹ là chủ doanh nghiệp thì hướng con đi học những ngành để sau này về quản lý doanh nghiệp của gia đình; cha mẹ là bác sĩ sẽ hướng con học ngành y... 

Có phụ huynh nói: "Em gửi con em đi Mỹ học vì có dì út ở bên đó". Mà chuyện dì út thì không có liên quan đến khả năng, sở thích của học sinh. Vì vậy, các phụ huynh cần nhờ đến bộ công cụ để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của con, đâu là giới hạn, đâu là điểm dừng.

Ông Dũng chia sẻ: "Sai lầm của các phụ huynh là kỳ vọng vào con mình nhiều quá và không hiểu con mình. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng tôi đã làm tất cả những điều tốt nhất cho con mình, nhưng đối với con thì những điều đó có thể lại không tốt. Thế hệ phụ huynh như tôi hay mượn những ký ức sau năm 1975 và mang những nỗi sợ ấy áp đặt lên con cái của mình. Một thời gian khá lâu, tôi không thấy được những điểm mạnh của con mà chỉ thấy những điểm yếu của con và tôi la mắng con".

Chân dung Gen Z

Tại diễn đàn Đối thoại với Gen Z: cá tính hay quái tính? Tự do và giới hạn do Học viện Thanh thiếu niên (YES) tổ chức sáng 4-10 tại TP.HCM, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập và điều hành Học viện YES - cho biết: "Thế hệ Z (Gen Z) là từ dùng để chỉ những bạn trẻ có năm sinh trong giai đoạn từ năm 1995 - 2012. Gen Z được xem là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong thời đại công nghệ số. 

Những nhà nghiên cứu gọi Gen Z là thế hệ "Phigital" (Physical + Digital), tức là trong đầu của Gen Z thế giới ảo và thật không có ranh giới. Đây là nhận thức rất quan trọng mà phụ huynh cần quan tâm, nên đừng nói với con rằng "Con ơi, đừng tin những gì trên mạng, trên đó chỉ toàn là ảo thôi" vì sẽ không hiệu quả. 

Thần tượng của Gen Z không giống như ba mẹ ngày xưa, mà thần tượng của các em bây giờ là những youtuber, streamer...".

ThS Phương nói: "Gen Z chịu áp lực về sự thành công cá nhân rất cao. Các em mong muốn được mọi người công nhận, có thể công nhận về khả năng, có thể về vẻ đẹp hình thể... Nhưng đừng tưởng thế hệ sinh ra trong thời đại số thì chỉ giao tiếp trong thời đại số mà các em vẫn khao khát tương tác, kết nối với con người thật. 

Tôi cho rằng phụ huynh cần đồng hành với các con, vì giai đoạn tuổi teen là giai đoạn định hình tương lai. Hãy giáo dục con bằng sự thấu hiểu. Hãy giúp các con trả lời được 3 câu hỏi: tôi là ai, tôi giỏi về cái gì và tôi ở đâu trong thế giới này".

"Gen Z có nhiều điểm mạnh, nhưng mạnh quá sẽ thành điểm yếu. Gen Z cá tính nhưng cá tính quá, cá tính đến mức buông tuồng, thiếu tôn trọng người khác, bất chấp tất cả thì không ổn. Cá tính nhưng phải tôn trọng những giá trị phổ quát của xã hội, cá tính phải có giới hạn.

Thế hệ Z muốn dấn thân một cách cuồng nhiệt. Tôi thấy nhiều bạn trẻ ngày nay đã bắt đầu quan tâm tới những ngành nghề có ý nghĩa xã hội. Nếu như trước đây "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" thì bây giờ nhiều bạn trẻ quyết tâm thi vào sư phạm với nhiệt huyết của bản thân" - ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nói.

Con có thể đi bơm ngực được không?

ng thuy uyen phuong 4(read-only)

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

ThS Phương kể được một phụ huynh nhờ nói chuyện về giới tính với con sau khi mắng con rất dữ dội vì cô bé hỏi "Con có thể đi bơm ngực được không?". ThS Phương hỏi lý do phải đi bơm ngực, cô bé trả lời: "Là vì con thấy nhiều diễn viên, người mẫu cứ bơm ngực xong là nổi tiếng. Và con cũng muốn như vậy".

"À, thì ra đằng sau câu hỏi ấy chính là nhu cầu được công nhận của cô bé. Thế nên, cả phụ huynh và con em của mình đều cần học những kỹ năng như nhận diện nhu cầu của bản thân, quan sát lắng nghe nhu cầu của người khác; học cách bộc bạch nhu cầu và mong muốn của mình mà không xúc phạm hoặc gây tổn thương người khác... Khi phụ huynh và con em mình học được cách chung sống và làm việc với sự khác biệt thì khoảng cách thế hệ sẽ không còn nữa" - ThS Phương khuyến cáo.

Gen Z sớm hội nhập từ bước chọn trường Gen Z sớm hội nhập từ bước chọn trường

Thời đại số, thế hệ Z luôn sẵn sàng cho mọi đổi mới, chủ động lựa chọn cho bản thân những trải nghiệm mới mẻ để khẳng định tính cách, ngay cả trong định hướng tương lai.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên