* Chị Mai Ngọc Thiện (quận Bình Thạnh, TP.HCM):
Bị cuộc gọi rác "khủng bố"
Tôi thường xuyên phải nhận các cuộc gọi rác, từ môi giới chứng khoán, bất động sản đến giới thiệu việc làm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe - làm đẹp.
Công việc của tôi phải liên hệ khá nhiều đối tác nên hầu như các cuộc gọi lạ đều phải nghe máy.
Số lượng cuộc gọi rác nhiều khiến tôi rất khó chịu.
Các cuộc gọi này còn diễn ra bất kể giờ giấc nào, từ giờ nghỉ trưa, cuối tuần hay thậm chí 8h - 9h tối, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi, làm tôi điên đầu.
Từ năm ngoái tôi đã thấy nhiều thông tin về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng nhưng đến nay có vẻ còn tệ hơn.
Nếu như trước đây một tuần tôi nhận 1 - 2 cuộc thì nay số cuộc gọi tăng lên gấp 2 - 3 lần, hầu như ngày nào cũng bị cuộc gọi rác "khủng bố".
Cũng vì vậy nên thay vì thường kiên nhẫn nghe hết câu, lịch sự cảm ơn vì không có nhu cầu thì hiện giờ tôi đã phải tắt máy ngay khi nghe câu: Chào anh chị, em là nhân viên của công ty X Y Z.
* Ông Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS):
Giảm SIM rác nhưng không giảm cuộc gọi rác
SIM rác thường được sử dụng trong cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao giúp giảm các cuộc gọi lừa đảo sử dụng SIM rác.
Tuy nhiên, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu, mời chào sản phẩm dịch vụ sẽ chưa bị loại bỏ vì về bản chất loại hình này không phải là loại hình cần che giấu thông tin.
Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ.
Điển hình trong đó là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ...
Gần đây kẻ lừa đảo đang chuyển sang dùng các nền tảng OTT. Với các nền tảng này chúng có thể tạo hoặc mua tài khoản của người khác để thực hiện cuộc gọi cho các nạn nhân.
Các cuộc gọi trên nền tảng OTT mặc dù không khác gì các cuộc gọi thông thường nhưng lại không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam, hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể, chưa có chế tài để xử lý, xử phạt.
Để chấm dứt cuộc gọi rác, các cơ quan quản lý cần tiến hành thanh tra kiểm tra, giám sát, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo nghị định 91/2020, đồng thời tiến hành phát hiện, xử phạt các vi phạm liên quan đến lộ lọt dữ liệu người dùng theo quy định của nghị định 13/2023.
Hạn chế lộ lọt dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp gửi tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt cuộc gọi rác.
Về phía người dùng, cần hạn chế cung cấp thông tin cho các cơ sở, dịch vụ không uy tín. Báo cáo cho các cơ quan chức năng khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác.
* Ông Trần Viết Quân (nhà sáng lập kiêm chủ tịch dịch vụ chuyển đổi số Tanca.io):
Mạnh tay hơn với nhà mạng, doanh nghiệp liên quan cuộc gọi rác
Ngày càng nhiều các cuộc gọi lừa đảo nhắm đến doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là người không rành về công nghệ như người lớn tuổi...
Bản thân công ty chúng tôi cũng nhận được các cuộc gọi đề nghị hoàn thuế VAT 2% bằng cách cài app lừa đảo nên cũng thấy tình trạng nguy cơ đối với các doanh nghiệp khác.
Tôi đề nghị các nhà mạng có tính năng cho phép người dân báo cáo chi tiết về nội dung cuộc gọi có tính chất lừa đảo hoặc cuộc gọi rác ngay sau kết thúc cuộc gọi cho bất kỳ số điện thoại nào. Các số điện thoại bị báo cáo nhiều sẽ cần được đưa vào diện kiểm soát ngay lập tức.
Đồng thời bên cạnh trang web thông tin cần có hoạt động truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân và doanh nghiệp nắm được các cách thức lừa đảo mới, vì các cách thức này thay đổi liên tục và người dân cũng không thể nào nắm hết các thông tin lừa đảo thông qua báo chí. Website này cũng nên cập nhật liên tục các số điện thoại nào có nguy cơ lừa đảo theo tuần, tháng để người dân biết.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý các nhà mạng di động như Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xử lý mạnh tay hơn đối với các nhà mạng để xảy ra số lượng SIM rác lớn phục vụ cho các hoạt động có tính chất lừa đảo.
Thậm chí cả những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cuộc gọi rác để tiếp thị đến người dùng (nhưng không được sự đồng ý của người dùng) cũng nên bị xử phạt, giống như cơ quan chức năng từng xử phạt các doanh nghiệp xuất hiện trong quảng cáo có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng Internet.
* Ông Ngô Minh Hiếu (đại diện dự án Chongluadao.vn):
Thông tin thuê bao hợp lệ nhưng chưa chắc chính chủ
Vì sao các thuê bao di động thời gian qua đã được xác thực thông tin cá nhân nhưng số cuộc gọi lừa đảo vẫn chưa giảm?
Theo tôi biết nhiều số điện thoại được xác thực bằng CMND, CCCD với thông tin thật, nhưng không phải của chính chủ sử dụng số điện thoại đó thì vẫn đang được xem là hợp lệ.
Ngoài ra rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại SIM ảo để gọi điện thoại, số ảo mà những kẻ lừa đảo vẫn dùng để spam, quảng cáo hoặc lừa đảo.
Một số loại hình lừa đảo phổ biến qua điện thoại mà chúng tôi ghi nhận được trong thời gian qua là: lừa đảo đầu tư tài chính forex; lừa đảo giả mạo công an hay cơ quan chức năng; lừa đảo cộng tác viên, việc nhẹ lương cao; lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng, chi cục thuế để dẫn dụ cài app độc hại qua đường link giả mạo để chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại Android, rồi dùng để thu thập thông tin dữ liệu; lừa đảo công ty du lịch; lừa đảo giả mạo thầy chùa, mượn danh quỹ từ thiện để kêu gọi đóng góp, mua hàng từ thiện...
Cũng phải nói rõ thêm là hầu hết các vụ lừa đảo đều chuyển tiền qua ngân hàng.
Các cuộc gọi lừa đảo, giả mạo sẽ rất khó để kiểm soát nếu không có biện pháp xác minh danh tính người dùng, nhưng để làm được việc này phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc...
Vì vậy để chống lừa đảo cần đến các biện pháp từ nhiều bên, trong đó có cả người dùng. Người dân cần tích cực báo cáo lên cơ quan chức năng ngay khi nhận được những tin nhắn hay cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến cổng chongthurac.vn và canhbao.ncsc.gov.vn.
Khi phát hiện, ghi nhận các số thuê bao thực hiện lừa đảo, các nhà mạng cần khóa chặn và cảnh báo kịp thời những hành vi lừa đảo đang diễn ra đến các thuê bao.
* Ông TRẦN QUANG HƯNG (phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông):
Lừa đảo trực tuyến tăng gần 65%
Thời gian qua các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong sáu tháng đầu năm tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,8% so với sáu tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng là yếu tố then chốt.
Vừa qua, chúng tôi đã ban hành Cẩm nang nhận diện và phòng tránh lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dùng nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo. Để phòng chống và bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo, cần áp dụng các biện pháp sau:
* Khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường, người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin, xem xét một cách tỉnh táo, cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra, giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa.
* Xác minh thông tin: hãy tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức.
* Không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.
* Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
* Báo cáo sự việc: nếu bạn nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn. Trong trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Người dân cần lưu ý: các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận