08/04/2014 01:00 GMT+7

Đau đầu với cân tải trọng

THÂN HOÀNG - ĐÔNG HÀ - H.MI - KIM THỦY
THÂN HOÀNG - ĐÔNG HÀ - H.MI - KIM THỦY

TT - Hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo đang dở khóc dở mếu vì gần 300.000 tấn gạo bị ùn ứ do xe nghỉ chạy để đối phó với quy định cân tải trọng.

Trong khi đó tại nhiều tuyến quốc lộ ở Đông Nam bộ, Phú Yên, nhiều tài xế cho biết nếu chở đúng tải thì giá cước sẽ đội lên gấp nhiều lần.

JcvVd6SY.jpgPhóng to
Gạo được vận chuyển theo đường biển bị ùn ứ tại cảng Tuấn Hương (Hải Phòng) - Ảnh: Thân Hoàng

Ngày 7-4, tại các cảng Vật Cách, Nam Linh, Tuấn Hương (Hải Phòng)... hàng chục thương nhân buôn gạo đang chạy đôn chạy đáo tìm mối chở gạo. Bình thường, mỗi ngày tại đây có hàng trăm xe tải vào chở gạo lên các cửa khẩu Lào Cai, Cao Bằng... để xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng từ ngày 1-4, tại các cầu cảng đìu hiu, tàu chở gạo nằm im lìm trên sông vì xe không vào bốc gạo. Dọc con sông Cấm chạy dài từ cảng Vật Cách đến bến neo đò Lâm có đến gần 60 tàu chở nông sản, trong đó chủ yếu là chở gạo từ miền Nam ra xếp hàng nối đuôi nhau neo đậu chờ vào cảng. Theo thống kê từ cảng Hải Phòng, hiện có gần 300.000 tấn gạo bị ùn ứ tại các cảng trong một tuần nay.

Trước chở 50 tấn, nay chỉ 25 tấn

Theo các chủ hàng, gạo bị “giam” tại cảng vì họ phải đối mặt với “khó khăn tứ phía”. Ông Nguyễn Trọng Hùng, đại diện Công ty xuất nhập khẩu gạo HL (trụ sở tại Cần Thơ), cho biết tàu chở 3.000 tấn gạo của công ty ông cập cảng Vật Cách từ ngày 1-4. Do các doanh nghiệp vận tải ngừng chạy vì vẫn giá cước cũ, trước đây họ chở mỗi chuyến 50 tấn gạo nhưng nay chỉ chở được 25 tấn để không vi phạm quá tải trọng. Đã gần chục ngày nhưng công ty ông chưa xuất được bao gạo nào lên cửa khẩu Lào Cai. “Các nhà xe đòi tăng phí thì mới chở vì theo quy định kiểm tra trọng tải mỗi chuyến xe chỉ chở được một nửa lượng hàng so với trước đây. Tàu lửa thì ít toa không đủ để chở. Chúng tôi cũng đau đầu vì hàng nằm đây mà vẫn phải trả các khoản phí” - ông Hùng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cảng Hải Phòng cho biết chỉ tính riêng các cảng tư nhân nằm bên dòng sông Cấm chạy qua đường Hùng Vương (Q.Hồng Bàng) hiện ùn ứ gần 200.000 tấn gạo. Cảng Hải Phòng trước đây rất ít tàu chở gạo vào nhưng từ đầu tháng 4 có gần chục tàu vào. Tại cổng cảng 3 (cảng Hải Phòng) hiện ùn khoảng 40.000 tấn gạo. Mỗi ngày chỉ có một lượng rất ít được làm thủ tục xuất bến đưa lên các cửa khẩu bằng tàu hỏa. “Không chỉ riêng gạo mà nhiều loại hàng không chạy được đang bị ùn ứ vì các doanh nghiệp vận tải ngừng chạy. Hàng ùn lâu, sức chứa các cảng có hạn gây nguy cơ “vỡ bến”. Riêng khu vực Tân Cảng có sức chứa khoảng 9.000 TEU hàng nhưng hiện lượng hàng nằm tại đây lên đến 11.000 TEU. Chúng tôi phải đưa cả hàng sang khu bến bãi đang xây dựng dở để tập kết tạm” - vị lãnh đạo này nói.

kUG01JZ5.jpg
Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tải trọng xe trên tỉnh lộ Phước Tân - Châu Pha chiều 7-4 - Ảnh: Đông Hà

Giá cước tăng 2-3 lần

Theo ghi nhận, chiều 7-4 tại cảng Vật Cách, cảng Tuấn Hương, một số chủ hàng đã chấp nhận bỏ phí cao để giải tỏa hàng. Khoảng chục xe tải được đưa vào để chở gạo lên cửa khẩu Lào Cai. Theo các chủ hàng, trước đây giá cước chở 1 tấn gạo từ Hải Phòng lên Lào Cai khoảng 600.000 đồng. Từ tháng 4, các doanh nghiệp vận tải nâng giá cước lên gấp đôi, khoảng 1,2 triệu đồng/tấn vì các chủ xe chỉ chở được một nửa hàng mỗi chuyến so với trước. “Với chi phí tăng như thế này, mỗi chuyến hàng tôi mất thêm 600 triệu mà giá gạo vẫn giữ nguyên vì đã làm hợp đồng từ trước. Nhưng bây giờ không cho hàng đi thì bị đối tác phạt vì vi phạm hợp đồng. Kiểu gì chúng tôi cũng phải chịu lỗ nhưng đành phải cho gạo đi để giữ đúng cam kết trong hợp đồng” - ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tuyến đường Phước Tân - Châu Pha (Bà Rịa - Vũng Tàu) trước đây mỗi ngày có rất nhiều xe ben chở đá nhỏ từ các mỏ ở xã Châu Pha (huyện Tân Thành) đi ra. Những xe ben này đều chở hàng cao quá thành xe. Nhưng trong những ngày qua, hầu hết các xe đều chở vừa ngang với thành xe.

Anh T. - một chủ doanh nghiệp vận tải tại TP Bà Rịa - cho biết nếu xe chở vật liệu san lấp hay đá, chỉ cần chất hàng ngang thành thùng là vượt quá trọng tải cho phép. Và trong những ngày qua, trước việc thanh tra giao thông ra quân làm mạnh, giá chở hàng đã tăng 3.000 đồng/m3. “Nếu chở đúng trọng tải, giá phải tăng gấp ba lần mới đủ chi phí” - anh T. cho biết.

Anh Nghĩa, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải có trên 30 xe tải chạy Bắc - Nam, cho biết hầu hết xe tải chở hàng đường dài đều phải chở quá tải mới đủ chi phí cầu đường, chi phí “bôi trơn”. Nay thực hiện đúng sẽ không đủ tiền xăng dầu, không đủ trả lương cho tài xế, chi phí chở hàng hóa cũng đội lên...

Tài xế Đặng Văn Dũng (ở huyện Tây Hòa, Phú Yên) cho biết để “né” trạm kiểm tra, ông và nhiều tài xế khác cho xe chạy vào đường giao thông liên thôn xã An Phú, TP Tuy Hòa để đến tuyến giao thông ven biển của tỉnh và vòng trở lại quốc lộ 1 ở phía ngoài trạm kiểm tra. “Chúng tôi phải tìm cách né trạm kiểm tra theo yêu cầu của nhà xe, mất rất nhiều thời gian, khổ sở trong sinh hoạt cá nhân, trong khi chủ hàng lại hối thúc giao hàng như đã hẹn” - ông Dũng nói.

Không buông lỏng xe quá tải

Ông Nguyễn Xuân Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (TCĐB) VN - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát, xử lý xe quá tải trong những ngày qua. Ông Cường cho biết:

- Mười năm nay chúng ta đã buông lỏng trong việc kiểm soát xe quá tải, đến nay mới siết lại. Nhưng tôi cũng nói rõ là việc kiểm soát xe quá tải trên đường chỉ là một khâu trong chu trình kiểm soát xe quá tải từ việc nhập khẩu xe, đăng kiểm, kiểm tra của CSGT giữa hai kỳ đăng kiểm, trách nhiệm xếp hàng của các chủ hàng, chủ mỏ, tài xế.

Việc cơ quan chức năng triển khai kiểm soát xe quá tải sẽ đối lập với lợi ích của lái xe, chủ xe, của một số người có cổ phần đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải, thậm chí cả một số người thực thi công vụ có dung túng, bảo kê cho các đoàn “xe vua”. Vì vậy cần động viên, khuyến khích họ thực thi đồng loạt, kiên trì trong cuộc chiến chống xe quá tải để lập lại trật tự mới, mặt bằng giá mới trong vận tải. Còn trong quá trình thực hiện thì đương nhiên làm bất kỳ việc gì mới đầu cũng có khó khăn. Bên cạnh đó còn có sự mua chuộc, lôi kéo, tác động hoặc nhân những việc nhỏ mà làm ầm ĩ lên để người thực thi công vụ lung lay ý chí.

* Đến nay đã có những ý kiến kêu khó khăn từ những người trực tiếp kiểm soát xe quá tải và doanh nghiệp vận tải như việc cân xe làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, không có mặt bằng đặt trạm cân hay khó khăn trong hạ tải. Ông đánh giá việc này thế nào?

- Có người kêu lập trạm cân làm chặn đứng việc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tới nền kinh tế thì đó chỉ là một vài doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh tốt thì không ảnh hưởng gì. Còn kêu khó về bố trí lực lượng, mặt bằng đặt trạm cân, hạ tải thì là do người ta không muốn làm hoặc khi làm có sự va chạm nên về tâm lý có ngần ngại. Có nơi kêu khó khăn về việc hạ tải nhưng bản chất không phải vậy. Bởi vì pháp luật đã quy định người vi phạm chở quá tải chịu trách nhiệm và kinh phí hạ tải, trông coi bảo quản, điều phương tiện giảm tải. Nếu trạm cân có bãi và có người trông coi hàng hóa, tất cả chi phí đó người vi phạm vẫn phải trả. Thực tế có nơi làm rắn, xe quá tải phải vào cây xăng rồi gọi xe của họ đến sang hàng chứ không vào bãi trạm hạ tải của trạm cân.

Đương nhiên, người làm đầu tiên bao giờ cũng có khó khăn và có thể ngần ngại khi có sự chống cự của những bộ phận bị đụng chạm tới lợi ích riêng. Nhưng không thể vì lợi ích của một bộ phận nhỏ mà làm hư hỏng đường sá. Nếu chúng ta đồng thuận với những kêu ca đó thì cả hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ khó giữ.

* Theo phản ánh của một số trạm cân như ở Phú Yên thì có trục trặc về đường truyền dữ liệu về TCĐB hay ở Cần Thơ có trục trặc phần mềm, đèn báo tải trọng bị hỏng. Như vậy có lý do từ thiết bị?

- Các bộ cân trang bị cho địa phương do Ban quản lý dự án đường bộ 4 (TCĐB) làm chủ đầu tư dự án và nhà cung cấp bảo hành hai năm. Các bộ cân do Công ty Hanel nhập linh kiện thiết bị về lắp ráp, cung cấp sau khi đấu thầu. Trước khi trang bị trạm cân, TCĐB đã tập huấn cho 63 tỉnh thành nhưng số lượng đi tập huấn cũng có giới hạn và họ sẽ tập huấn lại cho bộ phận ở địa phương về khai thác vận hành. TCĐB cũng đã cung cấp số đường dây nóng của nhà cung cấp, các bộ phận hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn quy trình của TCĐB cho các địa phương. Khi có trục trặc nhỏ thì các bộ phận này có thể ngồi xử lý từ trung tâm điều hành chứ không phải là vấn đề quá khó khăn. Những trục trặc ở Phú Yên và Cần Thơ đều có thể khắc phục được.

Nhưng nếu mạng trục trặc một chút thì có thể khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chứ không phải kêu ca vì lý do đó mà không làm. Trong những ngày đầu, anh em mới thao tác thì chưa thể tròn trĩnh được, có thể gặp trục trặc như người đi cày ngày đầu đường cày chưa thẳng. Vì vậy, mọi người cũng nên thông cảm và nhìn theo hướng tiến lên.

TUẤN PHÙNGthực hiện

* Ông Nguyễn Văn Thanh (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN):

Đưa giá cước vận tải về giá trị thực

Tình trạng xe chở quá tải tồn tại đến nay được ví như doanh nghiệp vận tải “tự uống đường hóa học lại khen ngọt”. Bởi vì lâu nay, doanh nghiệp vận tải cạnh tranh nguồn hàng bằng cách giảm giá mà không phấn đấu chất lượng, giờ giấc vận tải khiến chủ hàng ép giá vận tải xuống thấp. Giảm cước để cạnh tranh thì buộc phải chở quá tải và mất “chi phí đen” dọc đường cho việc chở quá tải. Vòng luẩn quẩn này vẫn tồn tại nếu không xử lý triệt để xe quá tải.

Nếu lập trạm cân thì chủ xe, tài xế bắt buộc chở đúng tải và sẽ đưa giá cước vận tải về giá trị thực. Giá cước tăng thì giá sản phẩm sẽ cao hơn nhưng người tiêu dùng cần phải chấp nhận. Bởi vì lâu nay chủ hàng nói giảm được cước vận tải nhưng ông vận tải vẫn có lãi, người tiêu dùng thấy giá rẻ, rồi mấy ông kiểm tra kiểm soát trên đường rung đùi nhận tiền của tài xế. Nhưng rồi tất cả tiền đó sẽ tiếp tay cho việc phá những con đường đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.

THÂN HOÀNG - ĐÔNG HÀ - H.MI - KIM THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên