31/08/2018 11:21 GMT+7

Đau đầu với án 'đèn cù'

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Cách khắc phục bản án dân sự có sai sót hiện nay là tòa án cấp trên hủy bản án của tòa án cấp dưới để xét xử lại. Tuy nhiên, việc án bị hủy, xử đi xử lại đã khiến vụ việc bị kéo dài hàng chục năm và hậu quả là người dân lãnh đủ.

Đau đầu với án đèn cù - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, con gái của ông Đào Roãn Chi vẫn miệt mài thay cha theo đuổi vụ kiện - Ảnh: T.L.

Tình trạng án bị hủy, trả hồ sơ xử đi xử lại cứ xoay như "đèn cù" khiến người dân phải chịu muôn vàn cay đắng và tốn kém. Có vụ kéo dài 20-30 năm, đến khi những người trong cuộc đã chết vẫn chưa có kết quả...

Không khắc phục được hậu quả

30 năm trước, thấy sức khỏe suy kiệt nên ông Đào Roãn Chi gọi người cháu đến thay mình viết di chúc, để lại căn nhà rộng gần 40m2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM làm nơi thờ cúng tổ tiên. 

Tuy nhiên một thời gian sau đó, ông Chi phát hiện di chúc có nội dung để lại toàn bộ căn nhà cho người con trai của ông sử dụng. 

Không còn cách nào khác, ông Chi buộc phải khởi kiện chính con trai mình, yêu cầu hủy bản di chúc, buộc con trai phải giao trả lại căn nhà cho ông.

Nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên người con được toàn quyền sở hữu căn nhà, đồng thời có trách nhiệm thanh toán lại cho ông Chi hơn 27 lượng vàng 24k. Ông Chi được quyền ở trong căn nhà cho đến khi không ở nữa thì thôi. 

Ông Chi khiếu nại lên cấp giám đốc thẩm, cả hai bản án sau đó đã bị TAND Tối cao tuyên hủy vì không hợp lý, tòa cho rằng căn nhà có diện tích rộng, có thể chia đôi theo hiện vật được.

Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm lại, vì thời gian kéo dài nên vụ kiện đã nảy sinh hàng loạt vấn đề không thể khắc phục được: cả nguyên đơn là ông Đào Roãn Chi cùng bị đơn là con trai ông đều đã qua đời. Căn nhà bị vướng quy hoạch, diện tích chỉ còn lại 18m2 và không thể chia đôi.

Hội đồng xét xử đã nhiều lần hòa giải, động viên một bên nhận nhà, một bên nhận tiền nhưng không ai đồng ý. Các con gái là thừa kế của ông Chi đều muốn lấy lại nhà để làm nơi thờ cúng theo di nguyện của cha. Các thừa kế của bị đơn cũng cương quyết đòi nhận nhà. 

Vì vậy, hội đồng xét xử đã tuyên sẽ bán nhà để chia đôi, mỗi bên được nhận hơn 300 triệu đồng.

Vụ kiện vẫn kéo dài đến nay, TAND Cấp cao tại TP.HCM thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử phúc thẩm. Nhưng những sai sót mà tòa án các cấp đã tuyên trước đó cũng không thể nào khắc phục được. 

Bởi ông Chi đã bị tước đi quyền được định đoạt tài sản do chính mình tạo dựng và đã qua đời. Còn con của ông cũng đã tốn không biết bao nhiêu của cải và sức lực để theo đuổi vụ kiện suốt 27 năm qua.

Tương tự, ông Vũ Văn Hiến (Nghệ An) bị em trai khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà đất do cha mẹ để lại. 

Sau khi tòa án xử phúc thẩm, ông Hiến bị cưỡng chế thi hành án để giao 153m2 đất cho em trai. Toàn bộ tài sản của vợ chồng ông đều bị kê biên. Tuy nhiên, cả hai bản án này sau đó đều bị TAND Tối cao tuyên hủy.

Lý do vụ kiện đã hết thời hiệu chia thừa kế nhưng tòa án các cấp vẫn thụ lý là sai sót nghiêm trọng. 

Khi thụ lý lại lần 2, tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do "các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản của cha mẹ để lại là đã hết thời hiệu chia thừa kế". Vụ án bị đình chỉ nhưng hậu quả là tài sản của gia đình ông Hiến đã bị thi hành án trước đó. 

Do đó ông Hiến đi khiếu kiện khắp nơi để đòi lại tài sản. Bộ Tư pháp đã phải họp liên ngành với sự tham gia của tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... 

Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu sót của tòa án các cấp, đã có những phán quyết trái ngược nhau nhưng lại không giải quyết được hậu quả cho người dân.

"Lách" quy định

Những vụ án dân sự bị xử sai, kéo dài hàng chục năm như vụ kiện của ông Đào Roãn Chi, ông Vũ Văn Hiến đã không còn là cá biệt. 

Một bản án dân sự bị hủy thì hậu quả để lại không chỉ đơn thuần về thời gian mà nghiêm trọng hơn là niềm tin của người dân vào những người cầm cân nảy mực.

Một hậu quả khác làm đau đầu các cơ quan tố tụng hiện nay là sau khi bản án có hiệu lực, đã thi hành án xong lại bị giám đốc thẩm tuyên hủy để xét xử lại. 

Bản án xử sau lại có phán quyết hoàn toàn ngược so với bản án trước đó. Đặc biệt với các vụ tranh chấp nhà đất... thì tài sản đã được thi hành án, đã sang tên đổi chủ qua nhiều người nên việc giải quyết hậu quả trở nên bế tắc.

Lý giải về thực trạng án dân sự xử sai, bị hủy đi hủy lại khiến vụ án kéo dài, một thẩm phán tòa dân sự TAND TP.HCM cho rằng: "Án dân sự rất khó. Bên cạnh đó có hiện tượng xử theo quan điểm của thẩm phán, xử sao cũng được!".

Bản chất của nghề luật là nghề của lương tâm, nên việc xét xử nói chung và xét xử án dân sự nói riêng là xét xử theo lương tâm của thẩm phán trên cơ sở tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Có như vậy mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (TAND tỉnh Bình Phước)

Hiện nay việc xử lý trách nhiệm của những người giữ chức danh tư pháp trong TAND được thực hiện theo quyết định số 120 năm 2017 của chánh án TAND Tối cao. 

Khi kết thúc nhiệm kỳ, thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức không được xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong trường hợp được giao giải quyết, xét xử dưới 100 vụ việc nhưng bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỉ lệ từ 1,5% đến dưới 3% trên tổng số vụ việc đã giải quyết.

Tuy nhiên, vị thẩm phán TAND TP.HCM cho biết nếu có án bị hủy thì khi làm hồ sơ xét tái bổ nhiệm gửi TAND Tối cao, các thẩm phán thường biết cách "lách" quy định. 

Cụ thể, khi giải trình thẩm phán cho rằng quan điểm xét xử của họ là đúng. Có trường hợp không có điều luật để áp dụng nên họ phải xem xét chứng cứ và lập luận dựa trên quan điểm cá nhân... Và có những giải trình được TAND Tối cao chấp thuận, mặc dù thẩm phán có án bị hủy nhưng vẫn được tái bổ nhiệm!

Để khắc phục tình trạng án "đèn cù", luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) kiến nghị TAND Tối cao sớm ban hành cụ thể quy định chế tài thẩm phán xét xử án oan, sai nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Bởi theo luật sư Hà, hiện nay chánh án TAND Tối cao đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm của thẩm phán xử án bị hủy, sửa nhưng đó chưa phải là phương thuốc hữu hiệu.

Nâng cao trách nhiệm thẩm phán

Một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết đối với án dân sự, việc xử sai gây ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền tài sản của người dân nhưng biện pháp khắc phục hậu quả vẫn chưa có.

Có trường hợp tòa phúc thẩm vừa xử xong, đương sự thắng kiện vội vàng bán tài sản để tẩu tán. Đến khi cấp giám đốc hủy án xử lại thì họ không thèm đến tòa. Vụ kiện vẫn được đưa ra xét xử nhưng kết quả chỉ là trên giấy vì tài sản đã không còn.

Do đó, không còn cách nào khác là phải nâng cao trách nhiệm thẩm phán. Quy định thì nhiều nhưng nếu cứ vin vào quan điểm cá nhân để giải quyết án thì án dân sự vẫn còn sai nhiều.

Án dân sự xử sai: Trầy trật đòi bồi thường

TTO - Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Tuy nhiên, 8 năm qua chưa có vụ việc nào được giải quyết bồi thường.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên