15/07/2015 10:52 GMT+7

Đau đầu vì nợ thuế

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Số liệu nợ thuế trên địa bàn TP.HCM đến ngày 30-6 là 22.939 tỉ đồng, tăng 17,57% so với cuối năm 2014.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục ở cơ quan thuế   Ảnh: ÁNH HỒNG
Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục ở cơ quan thuế - Ảnh: Ánh Hồng

Sáu tháng đầu năm 2015, nợ thuế trên địa bàn TP.HCM tăng 3.428 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Ngoài chuyện số liệu sai lệch do áp dụng chương trình quản lý mới, còn có nguyên nhân từ khó khăn chung của nền kinh tế.

Câu chuyện nợ thuế liên tục được nhắc đến tại hội nghị sơ kết công tác thuế trên địa bàn TP.HCM sáng 14-7.

Số liệu nợ thuế: thực hay ảo?

Số liệu nợ thuế trên địa bàn TP.HCM đến ngày 30-6 là 22.939 tỉ đồng, tăng 17,57% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng số liệu này là nợ ảo do ứng dụng chương trình quản lý thuế tập trung (TMS) còn một số chỉ tiêu sai sót.

Ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết khi chuyển đổi từ chương trình quản lý thuế cũ sang chương trình quản lý tập trung xuất hiện rất nhiều lỗi, từ đó dẫn đến sai lệch số liệu nợ thuế.

“Có nhiều khoản nợ trong số nợ thuế là nợ ảo, nhưng ảo chỗ nào thì Tổng cục Thuế đang chỉ đạo các ban ngành, Cục Công nghệ thông tin sửa lỗi” - ông Dương nói và cho biết đó là lỗi mang tính hệ thống nên số đối tượng sai là rất lớn. Do vậy cơ quan thuế đã tạm dừng triển khai chương trình này, nếu không số nợ ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói số liệu về nợ thuế rất quan trọng. Do vậy nếu có sai lệch dẫn đến nợ ảo thì phải cân nhắc. “Đề nghị Cục Thuế TP chưa báo cáo về số nợ đọng, chứ nếu báo cáo không chuẩn xác thì tác hại rất lớn” - bà Hồng nói.

Tuy nhiên, số nợ trên không hoàn toàn là nợ ảo. Ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận ngoại trừ số liệu không chính xác do ứng dụng chương trình quản lý thuế tập trung, thực tế nợ thuế tăng.

Theo số liệu tạm tính của Cục Thuế TP, trong số 22.939 tỉ đồng nợ thuế tính đến ngày 30-6, nợ khó thu tăng đến 36,46% so với cuối năm 2014, tương đương 1.329 tỉ đồng, nợ chờ xử lý tăng hơn 162%.

Nhiều doanh nghiệp (DN) có nợ thuế lớn, kéo dài đa số là những DN thuộc diện truy thu và phạt, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì giá trị tài sản không lớn, không có tài sản để cưỡng chế hoặc đã bỏ địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty khác.

Đến ngày 30-6, một số chi cục có số nợ thuế giảm nhưng nhiều chi cục khác nợ thuế lại tăng, như Chi cục thuế quận 1 nợ thuế tăng 622 tỉ đồng, tương ứng 60,71%, Chi cục thuế quận 5 nợ thuế tăng 112 tỉ đồng, tương ứng 60,21%.

Nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất

Bất động sản ấm lên, số thu từ tiền sử dụng đất trong sáu tháng đầu năm trên địa bàn TP tăng đến 57,52% so với cùng kỳ 2014 do có khoản thu đột biến, đặc biệt khoản thu từ Công ty CP Sabeco Pearl với số tiền 997 tỉ đồng. Nhiều quận có số thu từ tiền sử dụng đất tăng vài chục phần trăm như 1, 2, 9, Phú Nhuận, Thủ Đức...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Nhiều dự án đã triển khai nhưng chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất. Với việc này, bà Hồng đặt vấn đề về nguyên tắc DN phải hoàn thành nghĩa vụ mới cấp giấy phép xây dựng, nhưng vì sao nhiều dự án chưa nộp tiền đã cấp giấy phép xây dựng, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát danh sách dự án đã triển khai mà DN còn nợ tiền sử dụng đất ngay trong tháng 7.

Cũng theo Cục Thuế TP, thu ngân sách những tháng cuối năm được dự báo gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô đang ở mức thấp, số thu từ dự toán pháp lệnh ảnh hưởng đến tổng số thu chung và số thuế thu nhập DN đang có xu hướng giảm qua các kỳ. Những tháng cuối năm, Cục Thuế TP sẽ theo dõi thu nộp thuế thu nhập DN để vận động DN nộp thuế thu nhập DN theo từng quý, không để chuyển số nộp qua đầu năm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các tổ chức kinh doanh nhưng không đăng ký để đưa vào diện quản lý thuế.

Năm 2015, Cục Thuế TP được giao thu 175.776 tỉ đồng, trong đó thu nội địa (trừ dầu) là 143.776 tỉ đồng. Ông Dương cho biết vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính “nhắc” Cục Thuế phấn đấu vượt 10% dự toán thu nội địa nhưng khả năng này chỉ đạt được nếu được thu các khoản lớn, có tính chất đặc thù. Ngược lại, chỉ có khả năng vượt dự toán 5%.

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng

Theo báo cáo của Cục Thuế TP, nhiều DN có số thuế tiêu thụ đặc biệt tăng so với cùng kỳ 2014. Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn nộp 1.341 tỉ đồng, tăng 8,95%, Công ty TNHH Nhà máy bia VN nộp 2.390 tỉ đồng, tăng 11,58%, Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây nộp 183 tỉ, tăng 2,9%, Công ty TNHH Mercedes-Benz có số nộp tăng 30,17%. Trong khi đó Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn lại giảm 27,39%...

Sẽ công bố tiếp danh sách doanh nghiệp nợ thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Dương cho biết sau khi công bố tên 21 DN nợ thuế, cơ quan này đang tiếp tục rà soát thêm các trường hợp DN nợ thuế chây ỳ khác để công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng. Các chi cục thuế quận, huyện cũng đang rà soát danh sách DN nợ thuế để gửi về Cục Thuế TP.HCM. Dự kiến sớm nhất trong tháng 8, Cục Thuế sẽ công bố tiếp tên các DN nợ thuế chây ỳ.

Cục Thuế TP đã chuyển danh sách 200 DN trên địa bàn có số nợ thuế lớn cho Tổng cục Thuế. Cục Thuế TP cũng đang rà soát danh sách DN còn nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan thuế chưa công bố được danh sách này do còn vướng ở chính sách, nhiều DN còn khiếu nại và có trường hợp cơ quan quản lý đã có ý kiến.

Hà Nội: hơn 23.000 tỉ đồng nợ thuế và phí

Đó là số liệu được ông Thái Dũng Tiến, phó cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, công bố tại buổi giao ban báo chí về công tác thu thuế do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14-7. Trong số nợ thuế, phí 23.000 tỉ đồng có 9.600 tỉ đồng là tiền nợ thuế và phí, 7.400 tỉ đồng là nợ tiền sử dụng đất, 5.900 tỉ đồng là nợ phạt chậm nộp.

Theo ông Tiến, đối với dự án nhà ở mà chủ đầu tư còn nợ tiền sử dụng đất, chắc chắn người dân sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nợ tiền sử dụng đất, vì mua sẽ gặp khó khăn khi làm thủ tục giấy tờ về chủ quyền nhà đất.

Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận người dân rất khó nhận biết DN hay dự án nào còn nợ tiền sử dụng đất để tránh, do cơ quan thuế chỉ quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế nộp thuế, trong đó có biện pháp “bêu tên” khi sau 90 ngày kể từ khi DN nợ tiền sử dụng đất.

“Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nộp thuế để đảm bảo sự công bằng. Vừa qua, Cục Thuế Hà Nội đã công khai danh sách 200 DN nợ thuế. Tuy nhiên, Cục Thuế vẫn xác định sẽ tiếp tục các giải pháp vận động DN, chỉ trường hợp chây ỳ, đôn đốc nhiều lần không nộp thuế mới công bố tên DN nợ thuế” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, việc công khai tên DN nợ thuế có tác động tích cực. “DN cũng rất ngại việc nêu tên vì sợ ảnh hưởng tới uy tín, ảnh hưởng tới mối quan hệ trong làm ăn. Vì vậy sau khi nêu tên, đại đa số DN đều có thái độ liên hệ làm việc với cơ quan thuế, cam kết nộp thuế. Đã có 22 DN nộp được 369 tỉ đồng, trong đó có 5 DN nộp toàn bộ số nợ” - ông Tiến cho hay.

Theo ông Tiến, trong tháng 8 và tháng 9 Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, cần thiết sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi dự án với những DN cố tình không trả nợ thuế.

XUÂN LONG

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên