1-2% dân số phình động mạch não
Trong nhật ký cấp cứu một ngày làm việc của PGS.TS Lê Văn Trường - viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - ghi:
Trưa: bố của 1 đồng nghiệp bị đột quỵ chảy máu não do vỡ túi phình động mạch não giữa, được chuyển đến Bệnh viện108 và can thiệp thành công sau 60 phút;
Chiều: bệnh nhân 72 tuổi, tắc cấp tính động mạch mạc treo (ấp máu nuôi ruột non) do bệnh vữa xơ động mạch, được phát hiện khi đã muộn, vừa phải mổ bụng cấp cứu cắt đoạn ruột hoại tử, vừa can thiệp mở thông gốc động mạch mạc treo để cứu tính mạng bệnh nhân và phần ruột còn lại;
Tối: đồng nghiệp từ Bệnh viện Bắc Ninh gửi xuống 1 bệnh nhân nam 38 tuổi, đột quỵ giờ thứ 5 do tắc động mạch cảnh trong trái. Hôn mê tít, mạch thì bị tắc từ trung ương tới địa phương (đa tầng), "cách ly gần hoàn toàn" nửa bán cầu não bên trái với hệ tuần hoàn.
Đêm: đồng nghiệp từ Thanh Hóa chuyển một bác 68 tuổi, đột quỵ chảy máu não do vỡ phình động mạch não thông trước, đến viện lúc 23h30. Bệnh nhân nặng gia đình xin về...
Đau đầu do bệnh lý phình động mạch não là một trong những nguyên nhân nguy hiểm. Nếu vỡ phình thì tỉ lệ tử vong lên đến 60%, 40% sống sót nhưng có nhiều di chứng như liệt nửa người, hôn mê... Đây là nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não ở những người trẻ.
PGS Trường cho biết đau đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó đau đầu do bệnh lý phình động mạch não là một trong những nguyên nhân nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ gây chảy máu não và các biến chứng nguy hiểm khác và đây là nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não ở những người trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 1-2% dân số bị phình động mạch não. Ở khu vực có 1 triệu dân, ước tính có 100 người bị đột quỵ chảy máu não do vỡ phình động mạch não hằng năm. Khoảng 10-15% số bệnh nhân vỡ phình động mạch não tử vong trước khi đến viện, nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phình.
Phình động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40-60 tuổi. Tỉ lệ nữ/nam ~ 3/2. Vỡ phình động mạch não chiếm 3-5% tổng số đột quỵ mới.
Điều đáng nguy hiểm là hầu hết các túi phình động mạch não tồn tại không triệu chứng, không được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não mà chỉ có thể có dấu hiệu:
- Khi chưa bị vỡ bệnh nhân có thể có triệu chứng như: giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi...
- Khi bị vỡ: triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau đầu đột ngột, dữ dội và sau đó xuất hiện: buồn nôn và nôn, cứng/đau gáy, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc sau hốc mắt, giãn đồng tử, tăng cảm với ánh sáng, bại - liệt tay chân, cơn co giật...
Ý thức: có thể vẫn tỉnh táo hoặc rối loạn ý thức từ nhẹ (u ám, lẫn lộn) đến nặng (hôn mê)...
Điều trị càng sớm càng tốt để phòng tái phát
PGS.TS Lê Văn Trường phân tích đây là tình trạng phình ra của động mạch não, thông thường chỉ một vị trí nhưng cũng có khi ở 2 hay 3 vị trí (đa túi phình), hay gặp ở những động mạch lớn. Khoảng 60-80% phình động mạch não được phát hiện do biến chứng chảy máu.
Chảy máu não do vỡ phình động mạch não thường là chảy máu dưới nhện (còn gọi là chảy máu dưới màng nhện, chảy máu màng não) - một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ một lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại.
Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỉ lệ tử vong và tàn phế cao.
Vì vậy, mục tiêu điều trị cơ bản khi phình động mạch não bị vỡ là ngăn chặn ngay chảy máu tái phát và điều trị những biến chứng do chảy máu dưới nhện gây ra. Khi phát hiện phình động mạch não không triệu chứng, cần được cân nhắc điều trị để dự phòng bị vỡ.
Khi đã xác định chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não thì bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng bị chảy máu tái phát.
Trước kia, khi có túi phình động mạch não, bệnh nhân cần phải mổ sọ để kẹp túi phình, nhưng ngày nay kỹ thuật can thiệp mạch não rất tốt nên hầu như không phải mổ mà chỉ cần can thiệp mạch nút túi phình hoặc đặt stent... với kết quả rất tốt, bệnh nhân chỉ cần nằm viện 2-3 ngày.
Cách phòng ngừa và phát hiện phình động mạch não
Tầm soát động mạch não: Là phương pháp quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ do phình động mạch não đặc biệt ở người trẻ. Khi các bạn trẻ thường xuyên gặp phải tình trạng đau đầu, chóng mặt không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị, mà cần tầm soát động tĩnh mạch não (chụp MRI não và mạch não) để phát hiện những dị dạng động tĩnh mạch não.
Theo thống kê trên mổ tử thi, người ta thấy tỉ lệ phình động mạch não hiếm rất cao từ 3-5% dân số. Nếu không phát hiện được nguy cơ tai biến do vỡ túi phình rất lớn, tỉ lệ vỡ tăng lên hằng năm.
Nếu tầm soát mạch não không có các dị dạng, không phình mạch thì sẽ không xảy ra hiện tượng đột quỵ trừ trường hợp huyết áp cao.
Thực hiện các thói quen duy trì ổn định của huyết áp:
- Không hút thuốc lá.
- Tránh hoặc hạn chế các thuốc làm tăng huyết áp, theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiểm soát tốt, ăn uống tránh bị đái tháo dường, đặc biệt là những người có bố, mẹ bị đái tháo đường.
- Áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
- Thường xuyên trao đổi với bác sĩ của bạn về các kế hoạch để kiểm soát huyết áp.
- Tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ về các kế hoạch tiếp theo để giảm nguy cơ phình mạch nếu người thân cấp một (cha mẹ, con cái hoặc anh chị em) có bệnh lý tương tự.
"Chúng ta hãy chủ động "lắng nghe cơ thể mình", khi có những thay đổi bất thường trên cơ thể đừng chủ quan và tự điều trị, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải" - PGS.TS Kiều Đình Hùng, trưởng khoa ngoại thần kinh - cột sống, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận