Giá dầu chạm ngưỡng 50 USD, thị trường châu Âu hỗn loạn
Hôm qua 5-1 (sáng nay 6-1 giờ VN), giá dầu thế giới tiếp tục giảm xuống mức 50 USD/thùng, thấp nhất trong 5,5 năm qua. Giá dầu và khủng hoảng kinh tế cũng đẩy giá đồng euro xuống mức đáng lo ngại.
Theo AFP, tại thị trường Mỹ giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2-2015 giảm 2,65 USD xuống chỉ còn 50,04 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1-5-2009. Ở Anh giá dầu Brent biển Bắc cũng giảm 3,31 USD xuống 53,11 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục giảm do nguồn cung trên thị trường thế giới quá dồi dào. Sản lượng khai thác của Nga và Iran tiếp tục tăng trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo dự trữ dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm gần 300 triệu thùng trong sáu tháng đầu năm 2015.
Giới chuyên gia nhận định giá dầu sẽ tiếp tục giảm thêm. “Đây chưa phải là mức đáy. Các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn còn yếu ớt” - AFP dẫn lời nhà phân tích Kyle Cooper thuộc hãng tư vấn IAF Advisors ở Houston (Mỹ). Một số hãng tư vấn dự báo giá dầu có thể hạ xuống mức 40-45 USD/thùng trong vòng vài tuần tới.
Mối lo Hi Lạp
Châu Âu hiện đang lo ngại Hi Lạp có thể sẽ rời khối đồng euro. Cuối tuần qua tạp chí Đức Der Spiegel dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Đức cho biết Berlin đánh giá việc Hi Lạp rời khối đồng euro là chuyện “chắc chắn xảy ra” nếu như đảng cực tả Syriza lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 25-1.
Các khảo sát cho thấy đảng Syriza có nhiều khả năng giành chiến thắng. Đảng này thề sẽ xóa bỏ hàng loạt cải cách tài chính mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ép Hi Lạp phải thực hiện để nhận cứu trợ tài chính. Syriza cho biết sẽ giảm thuế và tăng ngân sách cho các dịch vụ công.
Trước đó EU và IMF đã cung cấp cho Hi Lạp hai khoản cứu trợ lên đến 286 tỷ USD. Mới đây Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Athens có quyền tự quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước mình, nhưng nước này cần phải tôn trọng các cam kết đã ký.
Năm 2014, nền kinh tế HI Lạp tiếp tục suy thoái. Tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ngất ngưởng.
Nga và Iraq đều tăng sản lượng.
Trong khi các dự đoán đều thiên về hướng nguồn cung vẫn dồi dào và có thể duy trì thế đi xuống của thị trường này trong năm 2015 đang đến thì trong diễn biến mới nhất, cả Nga và Iraq đều có dấu hiệu tăng sản lượng.
Theo Bloomberg, sản lượng khai thác của Nga tháng 12 vừa qua đã tăng lên mức 10,667 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ thời hậu Xô viết. Trong khi đó, Bộ dầu mỏ Iraq cho biết sẽ tăng sản lượng trong năm 2015 lên mức 3,3 triệu thùng/ngày, từ mức 2,94 triệu thùng/ngày hiện tại.
Động thái từ hai cường quốc xuất dầu đã dội thêm nước lạnh vào thị trường dầu vốn đang trong những ngày ảm đạm.
Trong phiên đêm qua trên thị trường New York, giá dầu giao tháng 2 có lúc giảm tới 5,5% xuống còn 49,77 USD/thùng. Chốt phiên, giá dầu mất 2,65 USD/thùng, tương đương 5%, đứng ở mức 50,04 USD/thùng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 4-2009, theo số liệu từ Market Watch.
Dầu lao dốc đã khiến đồng USD tăng giá so với euro trên thị trường quốc tế. Ngược lại, chứng khoán Mỹ đã lao dốc theo mạnh mẽ do cổ phiếu các hãng năng lượng tụt theo giá dầu.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones mất 1,86%, S&P 500 giảm 1,83% trong khi Nasdaq mất 1,57%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận